Kẻ gây ô nhiễm phải trả giá!

Mới đây, vụ ô nhiễm sông Cái Lớn và các kênh nhánh thuộc huyện và thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), thủ phạm đã được xác định là Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát. Trước đó, người dân ở khu vực xảy ra ô nhiễm đã phản ánh nước sông bị đen và hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất.

 Tình trạng ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh minh họa DL.

Tình trạng ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh minh họa DL.

Vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên chi nhánh cấp thoát nước thuộc Công trình đô thị Long Mỹ phải ngưng lấy nước thô để xử lý và cung cấp cho gần 6.000 hộ dân. UBND tỉnh Hậu Giang thông báo sẽ xác định thiệt hại của người dân và có phương án giải quyết phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật.

Nhưng rất khó chấp nhận nếu dùng tiền thuế của dân vào việc khắc phục ô nhiễm do doanh nghiệp gây ra. Như vậy chẳng khác nào đổ vỏ cho thằng ăn ốc! Việc này cũng rất tốn kém, ngân sách nào chịu nổi! Theo lẽ công bằng, thủ phạm gây ô nhiễm phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại, nhưng nhiều nơi lại lấy ngân sách nhà nước để khắc phục.

Nếu có một thống kê đầy đủ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, có lẽ sẽ còn nhiều cơ sở sản xuất khác cũng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên, kênh, sông như các công ty nêu trên. Còn theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 công bố năm 2016, cứ tăng 1% GDP thì ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Ô nhiễm môi trường gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà sản lượng cá bè nuôi trên sông giảm sút đáng kể những năm gần đây là ví dụ.

Ở các nước phát triển, luật pháp xử lý rất nghiêm khắc đối với việc gây ô nhiễm môi trường. Ngay từ năm 1972, Tổ chức OECD (Hợp tác kinh tế và phát triển - nhóm nước công nghiệp) cùng với Cộng đồng chung châu Âu (CEE) đã đốc thúc chính phủ các nước thành viên ban hành luật bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “kẻ gây ô nhiễm phải trả giá”. Ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục trả lại nguyên trạng ban đầu cho môi trường, họ còn bị phạt nặng.

Ở Mỹ, lỗi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, ngoài bị phạt về tài chính còn bị phạt tù. Trong giai đoạn 1970-1977 có hơn 400 lần kết án đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm quy định bảo vệ môi trường với mức tiền phạt 26 triệu đô la Mỹ, phạt tù tổng cộng lên tới 270 năm. Năm 1989, một công ty chỉ để rò rỉ dầu diesel vào hồ tự nhiên đã phải chịu mức phạt 2,25 triệu đô la Mỹ.

Ở nước ta, nhiều vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường tồn tại khá lâu buộc dư luận phải nghĩ tới sự thờ ơ, thậm chí là vô trách nhiệm của cơ quan chức năng. Những giải thích do thiếu nhân sự kiểm tra hay do năng lực yếu kém là không thể chấp nhận. Tình trạng ô nhiễm đã “giết chết” bao con sông, con kênh, gây thiệt hại vô kể và có thể các thế hệ con cháu sẽ phải trả những cái giá rất đắt.

Theo tôi, có “lỗ hổng” ngay từ chủ trương quy hoạch, đó là cho phép đầu tư đối với các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao tại những vị trí chưa thích hợp như gần sông và nguồn nước. Đánh giá tác động môi trường của các dự án chưa được phản biện đúng mức vẫn được thông qua. Cho tới các khâu kiểm tra, ngăn chặn, xử lý cũng đều chưa kịp thời và không loại trừ khả năng có sự thỏa thuận bỏ qua.

Muốn ngăn chặn ô nhiễm môi trường thì các cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng phải chủ động ngăn chặn từ khâu đầu tư, chỉ cấp phép khi dự án đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu. Cần quy định địa điểm đầu tư từng loại dự án cách nguồn nước bao xa, lưu lượng xả thải của dự án là bao nhiêu, đặt ra hệ tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với nước thải sau xử lý...

Cần công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến người dân nơi có dự án. Công tác kiểm tra phải mang tính hệ thống chứ đừng làm theo phong trào hay chờ tới khi dư luận phản ánh. Đối với các trường hợp vi phạm thì phải phạt thật nặng, buộc khôi phục nguyên trạng, bồi thường hậu quả gây ra.

Đỗ Ngô Trần

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/289953/ke-gay-o-nhiem-phai-tra-gia-.html