'Kẻ giấu mặt' đáng gờm trong giao tranh Azerbaijan - Armenia

Các nguồn tin quân sự và ngoại giao của báo Nga Kommersant cho biết nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong lãnh thổ Azerbaijan, lên tới khoảng 600 người.

Theo tờ Kommersant, một lực lượng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đáng kể vẫn ở lại lãnh thổ Azerbaijan sau khi hoàn thành các cuộc tập trận vào mùa hè. Như vậy tức là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở lại Azerbaijan sau cuộc tập trận chung Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra sau một đợt căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan hồi tháng 7.

Tờ báo này cho biết lính Thổ Nhĩ Kỳ đã đảm nhận vai trò phối hợp trong các chiến dịch chống lại lực lượng Armenia ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.

Vào tháng 7 và tháng 8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan tổ chức các cuộc tập trận chung. Ảnh: Greek City Times

Vào tháng 7 và tháng 8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan tổ chức các cuộc tập trận chung. Ảnh: Greek City Times

Cụ thể, có 90 cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Baku của Azerbaijan, những người đảm bảo liên lạc giữa các đơn vị và bộ tổng tham mưu, 50 huấn luyện viên quân sự hoạt động tại khu vực Nakhichevan của Azerbaijan, giáp biên giới Armenia.

Ngoài ra còn có 50 huấn luyện viên làm việc trong Quân đoàn 4 Lực lượng vũ trang Azerbaijan, 20 huấn luyện viên được phái đến trường quân sự thủ đô mang tên Heydar Aliyev.

Chuyên gia của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong nhóm trên gồm 120 nhân viên kỹ thuật bay được triển khai tại căn cứ không quân Gabala, 50 huấn luyện viên làm việc tại sân bay quân sự Yevlakh và 20 người khác vận hành máy bay không người lái (UAV) tại sân bay Dallar.

Ngoài ra, ở Azerbaijan còn có 200 người từ nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, 20 huấn luyện viên tại căn cứ hải quân. Nhóm này được trang bị 18 xe chiến đấu bộ binh, một hệ thống phóng rốc-két đa nòng, 10 phương tiện ô tô và hơn 30 máy bay, trong đó có 20 UAV, 6 máy bay và 8 trực thăng.

Đội cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại địa điểm trúng tên lửa ở thành phố Ganja ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Đội cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại địa điểm trúng tên lửa ở thành phố Ganja ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Cũng theo các nguồn tin quân sự và ngoại giao của tờ Kommersant, hành động từ phía Azerbaijan là "do Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch có chủ ý và mang tính khiêu khích".

Các nguồn tin này cho rằng trong những tháng gần đây, Ankara đã tích cực thúc đẩy Baku phát động các hành động thù địch, hứa hẹn "hỗ trợ toàn diện về chính trị, ngoại giao, tình báo và quân sự - kỹ thuật".

Vấn đề về Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đề cập đến trong chuyến thăm Armenia của Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias hôm 17-10. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ là "nguồn gốc của mọi hành động thù địch trong khu vực".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đề nghị cử các quan sát viên quân sự triển khai dọc theo tuyến kiểm soát ở Nagorny-Karabakh để đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Armenia với Azerbaijan.

Lệnh ngừng bắn mới

Trong ngày 17-10, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí lệnh ngừng bắn nhân đạo mới kể từ nửa đêm, tức 20 giờ GMT, ở khu vực Nagorno - Karabakh. Trước đó, cả hai bên đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần do Nga làm trung gian.

Azerbaijan cho biết 13 dân thường thiệt mạng và hơn 50 người bị thương do pháo kích tại TP Ganja. Armenia lại cáo buộc Azerbaijan pháo kích vào các khu vực đông dân cư và ném bom vào các mục tiêu ở Armenia.

Cơ quan Ngoại giao Nagorno-Karabakh tự xưng cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng như của Armenia trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh và giảm căng thẳng. Nagorno-Karabakh tái khẳng định sẵn sàng duy trì thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo dựa trên các điều kiện cơ bản".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày đã hoan nghênh thỏa thuận mới của Armenia và Azerbaijan, nhấn mạnh các bên liên quan cần tôn trọng nghiêm túc lệnh ngừng bắn mới này.

H.Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tho-nhi-ky-bi-to-kich-dong-azerbaijan-trong-giao-tranh-voi-armenia-20201018075442805.htm