'Kẻ giết người thầm lặng' khiến hơn 4 triệu người tử vong chỉ trong 1 năm
Được mệnh danh là 'kẻ giết người thầm lặng', đái tháo đường đã âm thầm tấn công sức khỏe của người dân khiến hơn 4 triệu người tử vong chỉ trong 1 năm.
Thông tin này được PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đưa ra ở hội thảo triển khai hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức.
Cứ 10 người thì có 1 người mắc đái tháo đường
Trong cuộc sống hiện đại, đái tháo đường đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Không ít người sống chung với đái tháo đường mà không hệ hay biết vì bệnh tiến triển âm thầm, lặng lẽ.
Khi bị đái tháo đường, người dân không chỉ sống trong sợ hãi mà còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm bởi đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, thậm chí có người còn bị cắt cụt chi vì đái tháo đường.
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có 463 triệu người lớn mắc đái tháo đường trên toàn cầu (tương đương 1 trong 11 người lớn sống chung với bệnh). Ước tính, hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường chỉ trong 1 năm.
Một bệnh nhân bị teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết vì lạm dụng corticoid để trị đái tháo đường (Ảnh: BV Bạch Mai)
Dự đoán vào năm 2045, sẽ có khoảng 700 triệu người mắc đái tháo đường - hay nói cách khác cứ 10 người thì có 1 người bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công. Không chỉ vậy, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường đến nay vẫn chưa được chẩn đoán (chiếm 46,5%).
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người mắc đái tháo đường rất cao, tùy lứa tuổi, có lứa tuổi tỷ lệ mắc ở mức 5-7% dân số. Đây là thách thức rất lớn với mỗi một người bệnh, với mỗi gia đình người bệnh, với xã hội và với các bác sĩ. Vì vậy, phải có hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh, đồng thời phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh bệnh tiến triển nặng và nguy cơ tử vong.
Chính vì thế, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Đái tháo đường là thách thức lớn đối cả xã hội, tác động lớn đến bệnh viện. Do đó, các bác sĩ cần chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh đái tháo đường. Cả hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng phải kích hoạt để chung tay phòng, chống đái tháo đường.”
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
Hướng dẫn chẩn đoán điều trị đái tháo đường típ 2 đã đánh giá được nguy cơ cao của tiền sử về tim mạch do xơ vữa động mạch và bệnh lý khác để các bác sĩ có quyết định hợp lý trong chẩn đoán, điều trị, đồng thời, bổ sung phác đồ quản lý bệnh nhân có glucose máu cao khi điều trị nội trú; chẩn đoán và điều trị các biến chứng cấp tính của đái tháo đường và các vấn đề phòng ngừa kiểm soát biến chứng và hướng dẫn sử dụng isulin cho người bệnh.
Với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hy vọng những hướng dẫn chẩn đoán điều trị đái tháo đường sẽ sớm được triển khai ở các cơ sở y tế, giúp người bệnh ở các tuyến phát hiện bệnh sớm, nâng cao sự tự tin của bác sĩ khi điều trị bệnh.
Hơn 50% người bị đái tháo đường không biết mình mắc bệnh
GS. TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - nhấn mạnh: Đái tháo đường là kẻ thù giấu mặt đe dọa sức khỏe của người dân. Thống kê cho thấy, hơn 50% người bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán ở Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng hơn 1 nửa số người bị đái tháo đường không biết mình mắc bệnh và chưa được điều trị kịp thời.
Để khắc phục tình trạng này, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 được đưa ra nhằm tăng cường chất lượng, chuẩn hóa công tác chuyên môn chẩn đoán, điều trị đái tháo đường, đồng thời, giúp các bác sĩ cập nhật phác đồ điều trị đái tháo đường để điều trị cho người bệnh có hiệu quả.
GS. TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (Ảnh: Minh Thúy)
Mục tiêu chính của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 là cá thể hóa quá trình điều trị. Cụ thể, người bệnh đái tháo đường sẽ được các bác sĩ đánh giá tiền sử bệnh lý tim mạch do xơ vữa, bệnh lú suy tim, suy thận để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Cùng với đó, người bệnh còn được tư vấn thay đổi lối sống thông qua việc tập thể dục thường xuyên và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đối với những bệnh nhân bị tăng glucose máu không có biến chứng cấp gồm: người mắc bệnh nguy kịch, người bệnh nặng không nguy kịch, người sử dụng thuốc hạ glucose huyết không phải insulin, người bệnh dùng glucocorticoid, bệnh nhân chu phẫu sẽ được bổ sung phác đồ quản lý bệnh đái tháo đường.
Đáng chú ý, trong hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, việc xử trí hạ đường huyết – biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường đã được phân thành nhiều mức độ để các bác sĩ dễ dàng kiểm soát tình trạng đường huyết của người bệnh.
Ngoài ra, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 đã cập nhật chẩn đoán và điều trị biến chứng cấp tính của đái tháo đường (nhiễm toan kentone, nhiễm toan lactic, tăng áp lực thẩm thấu); phòng ngừa và kiểm soát biến chứng mạn tính của đái tháo đường (biến chứng vi mạch, bệnh lý mạch máu lớn, biến chứng thần kinh, bàn chân đái tháo đường); đưa ra hướng sử dụng insulin kiểm soát đái tháo đường trong thời kỳ mang thai nhằm phòng, tránh tác động bất lợi của đường huyết đối với mẹ và cin trong thai kỳ. Từ đó, đưa ra khuyến cáo theo dõi đường huyết mao mạch, chỉ định với bệnh nhân nội trú, ngoại trú, đái tháo đường thai kỳ, tiến hành đo đường huyết liên tục.