Kẽ hở trong thăng tiến thần tốc của nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk
Sự việc nữ trưởng phòng Tỉnh ủy ở Đắk Lắk mượn bằng cấp của chị gái để thăng tiến cho thấy, công tác cán bộ ở địa phương còn nhiều sơ hở.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) chưa học hết cấp 3, nhưng mượn bằng, tên của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973) để học tiếp và lên tới chức vụ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trong hơn 10 năm, từ 2006 đến khi sự việc được phát hiện, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã thăng tiến qua 3 đời Chánh văn phòng Tỉnh ủy.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Phú (nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk) thông tin, bà Ái Sa được kết nạp Đảng năm 2013, như vậy thời điểm đó Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy văn phòng là ông Bùi Văn Bang.
Nói về quy trình kết nạp Đảng đối với bà Ái Sa, ông Phú cho biết, thời kỳ đó ông Trần Xuân Bảy (hiện làm Giám đốc Nhà khách tỉnh) làm Trưởng phòng Hành chính, quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy), kiêm Bí thư chi bộ.
Nếu bà Ái Sa được bổ nhiệm phó phòng năm 2013, thì ông Bảy là trưởng phòng, Bí thư chi bộ phòng Hành chính, quản trị; ông Bùi Văn Bang là Bí thư Đảng ủy Văn phòng, là những người giới thiệu, bổ nhiệm.
Cũng theo ông Phú, đến năm 2016, bà Ái Sa được bổ nhiệm trưởng phòng, thời điểm này ông Bạch Văn Mạnh làm Chánh văn phòng sẽ là người bổ nhiệm.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Túc, nguyên ủy viên thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam khóa 9 nhấn mạnh, cần phải xem xét hình thức kỷ luật Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở khi không làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong công tác cán bộ, thông tin trên VTCNews.
Theo ông Túc, sự việc cho thấy, công tác cán bộ ở địa phương còn nhiều sơ hở.
Cũng trên báo này, ông Túc nhấn mạnh, nữ cán bộ trên hiện là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, đó là vị trí nắm nhiều thông tin quan trọng của tổ chức cấp tỉnh và cơ sở.
Việc em gái lấy bằng của chị đi xin tuyển, làm việc diễn ra trong thời gian dài, giờ mới được phát hiện cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ của tỉnh này.
Lọt ở khâu nào?
Bạn đọc DUNG nhận xét: “Bà Thảo không thể dùng bằng của chị gái để "lừa" được văn phòng Tỉnh ủy dễ thế. Ai là người đứng sau bà Thảo để dàn dựng, đạo diễn ra từng đường đi nước bước. Bà Thảo không giỏi mà người giỏi là người đã tuyển dụng, nâng đỡ bà trong suốt thời gian dài”.
Bạn THIỆP cũng bày tỏ: “Khi kết nạp Đảng theo quy định phải xác minh lý lịch. Vậy chi bộ cơ sở và đảng bộ đóng dấu có vai trò gì ở đây, cần làm rõ?”.
Trong một diễn biến khác, Bí thư Đảng ủy phường 6, TP Đà Lạt, Lâm Đồng - nơi gia đình cha mẹ nữ trưởng phòng cư ngụ, cho biết chưa hề xác minh lý lịch để người này vào Đảng, thông tin trên báo Người lao động.
Cũng trên báo này, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, ngụ phường 6, TP Đà Lạt, đang công tác tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hoàn toàn không biết việc em mình mượn tên và bằng cấp.
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc BV cũng xác nhận đến nay, bà Sa chưa vào Đảng. Vì thế, không thể có chuyện người em mượn luôn cả hồ sơ kết nạp Đảng của chị.
Đề cập quy trình kết nạp Đảng, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Bí thư Đảng ủy phường 6 cho biết, chi bộ chưa từng xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho ai có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Theo quy trình, nếu không thẩm tra, xác minh tại địa phương thì không thể kết nạp Đảng.
Cũng chia sẻ vấn đề này trên VTCNews, ông Túc nói, việc thẩm tra không đúng quy trình, cho nên mới xảy ra tình huống buồn cười như thế.
Bạn XUANVU nêu quan điểm: “Chuyện tài giỏi thì có thể là thật, không nhất thiết có bằng cấp là giỏi. Cái sai ở đây là không trung thực, và một hệ thống quản lý cái quy trình yếu kém vẫn tồn tại...".
Câu chuyện bằng cấp
Theo bạn TRẦN ANH TUẤN: "Vụ này cho thấy nhiều điều. Một là người chưa có bằng cấp 3 vẫn có thể leo lên cấp trưởng phòng trong cơ quan nhà nước, cho thấy sự tùy tiện trong đánh giá, sử dụng người hoặc nhiều việc trong cơ quan nhà nước không cần phải có kiến thức, chỉ cần quan hệ thân quen hoặc quan hệ "tình cảm".
Hai là sự lỏng lẻo, tùy tiện trong việc đào tạo Thạc sỹ ở Việt Nam hiện nay, đào tạo ra những người có bằng thật, được Nhà nước thừa nhận nhưng kiến thức giả, làm xấu hình ảnh nền giáo dục Việt Nam.
Cũng thẳng thắn nêu ra 2 vấn đề trong vụ việc, bạn BẠCH ĐƯỜNG viết: "Về vụ này cần phân ra 2 vấn đề: 1/Tại sao sử dụng bằng giả, khai lý lịch sai mà qua nhiều vòng vẫn lọt lưới. Thi tuyển vào làm đã đành, còn xét lý lịch kết nạp Đảng cũng lọt thì đại tài.
2/Việc chưa có bằng cấp 3 mà vẫn có thể thi đậu và học lấy bằng đại học rồi lấy bằng thạc sĩ, vậy thì xem ra giáo dục hệ 12 năm của Việt Nam đang có vấn đề".
Mới đây, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có báo cáo bằng văn bản, thông tin chính thức vụ việc này.
Ông Nguyễn Thượng Hải cho hay, đang triển khai việc xem xét, kỷ luật bà Ái Sa về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền.
Văn phòng Tỉnh ủy cũng sớm rà soát để xem xét, kết luận để có căn cứ xử lý sai phạm của các cán bộ, đảng viên có liên quan đến việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm bà Ái Sa.
Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin, từ năm 1975 - 1997 bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Thảo) sinh sống, học tập tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng); từ năm 1997 - 1999 lấy chồng, sinh sống với gia đình chồng tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Từ năm 1999 - tháng 5/2002, bà Thảo làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến cà phê, thuộc Công ty XNK 2-9 Đắk Lắk; từ tháng 5/2002 - 4/2005, làm kế toán trưởng tại khách sạn Bạch Mã (TP Buôn Ma Thuột); từ tháng 5/2005 - 5/2011, phụ trách kế toán rồi làm kế toán trưởng tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk; từ tháng 5/2011 - 10/2019, công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ là nhân viên kế toán, Phó trưởng Phòng Quản trị, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy.
Khi thẩm tra xác minh, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thừa nhận mình mang tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Thảo cũng thừa nhận, gia đình có 12 anh chị em nhưng trong lý lịch tự thuật lúc mới đi làm việc khai 4 người; trong lý lịch đảng viên khai 11 người, không có tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Đ.Bảo(tổng hợp)