Kế hoạch 20 tỷ USD ngăn chặn Trung Quốc của quân đội Mỹ
Quân đội Mỹ muốn có một vòng phòng thủ trị giá 1,6 tỷ USD quanh đảo Guam, nhiều triệu USD tài trợ quân sự cho các quốc gia đối tác. Một tỷ USD để tăng dự trữ vũ khí tầm xa.
Đây chỉ là một số khoản đầu tư trong danh sách mong muốn trị giá 20 tỷ USD được người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM), Đô đốc Phil Davidson lặng lẽ đệ trình lên Quốc hội Mỹ gần đây, theo Defense News. Danh sách này là các yêu cầu cụ thể của một số thành viên Quốc hội Mỹ, những người xem đây là cơ sở cho gói ngân sách mới tập trung vào khu vực Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2020, Quốc hội Mỹ đã chèn thêm nội dung vào Mục 1253 yêu cầu INDOPACOM gửi vào giữa tháng 3 năm nay một báo cáo nêu chi tiết những gì họ cần để thực hiện Chiến lược Quốc phòng và duy trì lợi thế so với Trung Quốc.
Báo cáo bao gồm các câu hỏi về cấu trúc lực lượng, hợp tác an ninh trong khu vực và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết. Đáng chú ý, báo cáo đến trực tiếp từ đô đốc Davidson chứ không thông qua Bộ Quốc phòng Mỹ - đặc biệt là để quốc hội có được cái nhìn rõ ràng hơn về những gì INDOPACOM muốn có.
Báo cáo được coi là bước khởi đầu triển khai của một chiến lược mới mà đô đốc Davidson đặt tên là “Giành lại lợi thế”.
“Giành lại lợi thế” được thiết kế để thuyết phục các đối thủ tiềm năng rằng bất kỳ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ vô cùng tốn kém và có khả năng thất bại. Việc này có được thông qua xây dựng sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy vào thời điểm khủng hoảng, cung cấp cho tổng thống và bộ trưởng Quốc phòng một số tùy chọn răn đe linh hoạt” đô đốc Davidson viết.
Nhưng chiến dịch lấy lại lợi thế đó không hề rẻ: Báo cáo đi kèm với yêu cầu đề xuất tài trợ bổ sung 1,6 tỷ USD cho năm tài chính 2021 vượt qua mức mà Lầu Năm Góc đưa ra trong yêu cầu ngân sách tháng 2, tiếp theo là yêu cầu 18,46 tỷ USD trong từ năm tài chính 2022-2026 - tổng cộng vượt quá 20 tỷ USD trong quỹ bổ sung cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trải đều trong thời gian 6 năm.
“Ngân sách đề nghị trong kế hoạch đầu tư này vẫn ít hơn 1% số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ có quyền chi theo năm tài chính và cung cấp các nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược răn đe vào năm 2026”, ông Davids Davidson nêu.