Kế hoạch bất khả thi

Chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump chính thức khởi động phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD trong kế hoạch hòa bình Trung Ðông, đồng thời cho rằng con đường theo hướng thúc đẩy đầu tư cho Palestine là điều kiện tiên quyết cần thiết để chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa Israel và Palestine.

Dải Gaza bị tàn phá bởi xung đột. Ảnh Euronews

Dải Gaza bị tàn phá bởi xung đột. Ảnh Euronews

Tuy nhiên, kế hoạch gây tranh cãi này bị chính Palestine phản đối và không khả thi.

Sau một thời gian dài công bố lên kế hoạch hòa bình Trung Ðông, Mỹ mới đây đã xúc tiến phần đầu của kế hoạch với trọng tâm là phát triển kinh tế. Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế cho Palestine sẽ hướng tới bốn mục tiêu chính, bao gồm tăng hơn gấp đôi giá trị GDP, tạo ra hơn một triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm đói nghèo cho người dân Palestine. Washington mong muốn nhận được nguồn tài trợ từ các quốc gia và nhà đầu tư để đóng góp cho phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD.

Theo đó, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp trong vòng 10 năm, trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Palestine gồm khu Bờ Tây và dải Gaza, 7,5 tỷ USD dành cho Jordan, chín tỷ USD dành cho Ai Cập và sáu tỷ USD dành cho Lebanon. Ngoài ra, trong số 179 dự án kinh doanh và cơ sở hạ tầng được đề xuất có dự án hành lang vận tải trị giá năm tỷ USD kết nối khu Bờ Tây và dải Gaza.

Mặc dù theo kế hoạch, Palestine sẽ được đầu tư nhiều hơn, song chính Palestine lại là quốc gia kịch liệt phản đối kế hoạch. Phía Palestine luôn khẳng định lập trường bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Ðông của Mỹ với quan điểm cho rằng Washington đã thiên vị Israel và kế hoạch này không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột khi không đề cập giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, giới chức Palestine cho rằng, chính Mỹ đã gây thêm nhiều khó khăn cho người Palestine khi cắt hàng trăm triệu USD viện trợ cho các tổ chức nhân đạo tại dải Gaza và khu Bờ Tây. Hồi tháng 8-2018, Washington đã thông báo chấm dứt mọi tài trợ của Mỹ cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). UNRWA đã phải dựa vào các khoản tiền bổ sung từ các nước thành viên và các khoản tiết kiệm nội bộ để bù đắp lỗ hổng trị giá 446 triệu USD trong tổng ngân sách 1,2 tỷ USD.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, kế hoạch kinh tế của Mỹ cho Trung Ðông là "không hiệu quả". Moscow đánh giá rằng, đề xuất chính của Mỹ đã bỏ qua nhu cầu tái khởi động đàm phán trực tiếp về toàn bộ các vấn đề then chốt, trong đó có việc thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập theo các đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Ðông Jerusalem. Nguyên tắc chủ chốt để thiết lập hai nhà nước cho hai dân tộc vẫn là cơ sở duy nhất làm nền tảng cho một tương lai ổn định và hòa bình giữa người Israel và Palestine.

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.Lagarde nhận định, việc cải thiện nền kinh tế của Palestine đòi hỏi ba điều kiện, gồm: Israel nới lỏng các hạn chế về sự di chuyển của người và hàng hóa; chính quyền Palestine cải cách kinh tế toàn diện và sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế. Việc thu hút đầu tư dài hạn tới Trung Ðông tùy thuộc vào việc đạt được một thỏa thuận hòa bình Israel và Palestine. IMF dự báo nền kinh tế sẽ suy thoái 1,6% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 30% tại Bờ Tây và 50% tại dải Gaza.

Trung Ðông cần một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua. Bởi thế, khu vực này cần một giải pháp chính trị đi đôi với các kế hoạch phát triển kinh tế mới có thể giải quyết những bất đồng sâu sắc đang tồn tại hiện nay, nhất là trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

THANH THỦY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40881502-ke-hoach-bat-kha-thi.html