Kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh bị chặn đứng

Hôm 4-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15-10, nói rằng đó là cách duy nhất để đưa nước Anh ra khỏi tình thế bế tắc về Brexit sau khi các nghị sĩ chặn đứng kế hoạch của ông là đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng sau cho dù có hay không có một thỏa thuận 'li dị'. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã đánh bại ông Johnson lần thứ 3 chỉ trong vòng 2 ngày và bác bỏ bản kiến nghị tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Chỉ 6 tuần kể từ khi nhậm chức với cam kết sẽ phá vỡ thế bế tắc Brexit của Anh - vấn đề đã đánh bại người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May - các kế hoạch riêng của ông Johnson nhằm đưa nước Anh ra khỏi EU hiện đang rơi vào khủng hoảng. Ông Johnson khăng khăng rằng Anh phải rời khỏi EU theo đúng hạn chót 31-10, cho dù có hay không có một thỏa thuận, tuy nhiên nhiều nghị sĩ Anh - bao gồm nhiều người thuộc Đảng Bảo thủ của ông Johnson - đã quyết tâm cản trở ông. Ngày 4-9, Hạ viện đã cho thông qua một dự luật của phe đối lập nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Ông Johnson cho biết sẽ thử một lần nữa, nói rằng một cuộc bầu cử là cách duy nhất để nước Anh tiến lên, và cho rằng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sợ bị công chúng đánh giá. Ông Johnson nói: "Tôi e rằng, rõ ràng là ông ấy (Corbyn) không cho rằng mình sẽ chiến thắng". Ông cũng cáo buộc phe đối lập đang nỗ lực "đảo ngược cuộc bỏ phiếu dân chủ lớn nhất trong lịch sử của chúng ta", ám chỉ kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, theo đó Anh sẽ rời khỏi EU.

Thủ tướng Johnson đang đau đầu vì Brexit. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Johnson đang đau đầu vì Brexit. Ảnh tư liệu

Giải pháp của ông Johnson - một giải pháp mạo hiểm - đó là tổ chức một cuộc bầu cử để có thể làm thay đổi cả Quốc hội và tạo ra một tập thể các nghị sĩ ít gây cản trở hơn. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận không cho thấy đảng Bảo thủ của ông Johnson sẽ giành được một đa số chắc chắn, và ngày 4-9, mong muốn tổ chức một cuộc tổng tuyển của của ông Johnson đã không đạt được - ít nhất là chưa thành hiện thực trong lúc này.

Các đảng đối lập, vốn rất không tin tưởng Thủ tướng, đã từ chối ủng hộ một cuộc bầu cử mới cho tới khi dự luật chống Brexit không thỏa thuận được thông qua thành luật chính thức. Ông Corbyn nói: "Hãy để dự luật đó được thông qua và nhận được sự chấp thuận của Hoàng gia, rồi sau đó chúng ta có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử”.

Ông Johnson cần sự ủng hộ của 2/3 trong số 650 nghị sĩ ở Hạ viện để có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, nghĩa là phải đạt được 434 phiếu ủng hộ, nhưng trên thực tế ông chỉ nhận được 298 phiếu ủng hộ, 56 phiếu phản đối, và số còn lại bỏ phiếu trắng. Thủ tướng Johnson đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ nỗ lực kích hoạt một cuộc bầu cử sớm thêm một lần nữa, thúc giục các nghị sĩ đối lập "suy nghĩ thật kỹ trong đêm nay và trong vài ngày tới".

Những sự việc trên là một phần trong cuộc đối đầu giữa chính quyền của ông Johnson muốn thực hiện Brexit bằng mọi giá và một Quốc hội luôn lo ngại về những thiệt hại kinh tế và xã hội mà Anh phải gánh chịu nếu chia tay EU mà không có thỏa thuận. Các nghị sĩ đối lập, được sự ủng hộ của một số nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ của ông Johnson, cảnh báo rằng đưa Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được về kinh tế.

Trong hai ngày liên tiếp xảy ra khủng hoảng ở Quốc hội, với tỷ lệ 327 ủng hộ và 299 phản đối, Hạ viện đã cho thông qua một dự luật ngăn chặn khả năng Brexit không thỏa thuận và sau đó gửi dự luật này lên Thượng viện. Cho dù vậy, số phận của dự luật này vẫn chưa chắc chắn. Trong bối cảnh ông Johnson muốn đình chỉ hoạt động của Thượng viện trong nhiều ngày bắt đầu từ tuần sau, những nghị sĩ ủng hộ Brexit ở Thượng viện đang đe dọa sẽ nỗ lực chặn đứng dự luật này cho tới khi hết thời gian.

Mục tiêu của dự luật này rất đơn giản, đó là đảm bảo rằng Anh sẽ không ra khỏi EU vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận". Theo dự luật này, chính phủ sẽ phải yêu cầu EU trì hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020, nếu Anh không thể đạt được một thỏa thuận với EU vào cuối tháng 10. Các nghị sĩ hy vọng dự luật này được thông qua thành luật - một tiến trình mất nhiều tháng - vào cuối tuần này, trước khi ông Johnson thực hiện kế hoạch đình chỉ Quốc hội từ tuần sau đến tận ngày 14-10.

Ngày 3-9 - ngày đầu tiên trong kỳ hoạt động mùa thu của Quốc hội, ông Johnson đã bị bẽ mặt khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của ông với tư cách Thủ tướng ở Hạ viện khi các nghị sĩ cho thông qua một bản kiến nghị với tỷ lệ 328 ủng hộ và 301 phản đối, giúp họ thúc đẩy một luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Chính phủ của ông Johnson đã mất đa số khi một nghị sĩ của đảng Bảo thủ "đào ngũ" sang phe đối lập, và hơn 20 nghị sĩ Bảo thủ khác ủng hộ phe đối lập trong cuộc bỏ phiếu nói trên. Ông Johnson đã nhanh chóng trả đũa bằng cách trục xuất những nghị sĩ nổi loạn ra khỏi đảng, khiến họ trở thành những nghị sĩ độc lập. Những người đối lập gọi hành động của ông Johnson đình chỉ hoạt động của Quốc hội là "một cuộc đảo chính”.

Theo Washington Post, cuộc đối đầu chắc chắn sẽ còn tiếp tục khi ông Johnson vẫn muốn tổ chức một cuộc bầu cử trước ngày 31-10, hoặc sẽ phải tìm cách thực hiện Brexit vào đúng thời hạn chót này, còn Công đảng nỗ lực ép chính phủ phải yêu cầu EU gia hạn tới đầu năm sau trước khi đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử. Thật khó để chúc cả hai bên cùng thành công và những chính sách mà cả hai phía thực hiện đều không phải là điều tốt đối với nước Anh.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ke-hoach-brexit-cua-thu-tuong-anh-bi-chan-dung-161446.html