Kế hoạch chấn hưng nền kinh tế của nước Anh

Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch chấn hưng nền kinh tế nước này vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh xứ sở sương mù đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Với trọng tâm là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, London hy vọng sẽ nhanh chóng ổn định nền kinh tế và bảo đảm việc làm cho người dân.

Theo Reuters, phát biểu tại Cao đẳng Công nghệ Dudley ở thị trấn Dudley, hạt West Midlands của nước Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, chính phủ nước này sẽ tung ra 5 tỷ bảng Anh (6,15 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng bệnh viện, trường học và nâng cấp đường bộ..., qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ông Boris Johnson khẳng định, Chính phủ Anh không chỉ đang nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19 mà còn tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng Boris Johnson, nước Anh nên áp dụng kế hoạch phục hồi kinh tế tương tự như Chương trình “Thỏa thuận Mới” (New Deal) của cựu Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt. Trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, ông Franklin D.Roosevelt đã triển khai Chương trình “Thỏa thuận mới” với các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ bệnh viện, bưu điện cho đến trường học... giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng và tạo nhiều việc làm cho người dân.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch chấn hưng kinh tế với trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch chấn hưng kinh tế với trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Getty Images.

Kế hoạch chấn hưng nền kinh tế được người đứng đầu Chính phủ Anh đưa ra trong bối cảnh nước này và Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán về quan hệ thương mại giữa hai bên sau khi Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là giai đoạn hậu Brexit. Dù chính thức rời khỏi mái nhà chung EU từ ngày 31-1 năm nay, nhưng hiện nay Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho đến khi hết giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12 tới. Nếu hai bên không thể thu hẹp các bất đồng và nhượng bộ lẫn nhau trong đàm phán thì nguy cơ xảy ra “Brexit không thỏa thuận” là rất cao. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lĩnh vực thương mại và thị trường việc làm của Anh sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu xứ sở sương mù không thể đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại với EU vào cuối năm nay. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo nếu kịch bản “Brexit không thỏa thuận” diễn ra, điều đó sẽ gây thiệt hại đáng kể cho sự phục hồi của nền kinh tế Anh sau dịch bệnh.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, Anh phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Do đó, nền kinh tế nước này không tránh khỏi việc phải hứng chịu những tác động tiêu cực khi nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh bị tạm dừng. Ngoài ra, tại Anh, chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh khi người dân nước này có xu hướng thắt chặt hầu bao do đại dịch Covid-19 tác động tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I-2020 giảm 2,2%. Đây là mức giảm theo quý lớn nhất kể từ năm 1979. Giữa tháng 6 vừa qua, những cửa hàng không phục vụ mặt hàng thiết yếu đã được cho phép mở cửa trở lại khi Anh đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra "cú huých" đáng kể đối với nền kinh tế xứ sở sương mù.

Hãng tin CNBC dẫn lời người đứng đầu Chính phủ Anh cho biết, việc đưa nước Anh trở lại thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” sẽ là một sai lầm khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Anh sẽ chứng kiến mức GDP giảm 10,2% trong năm 2020 trước khi tăng lên 6,3% vào năm 2021. Nhận định đại dịch Covid-19 là “cơn ác mộng” của nước Anh, chủ nhân của ngôi nhà số 10 phố Downing Boris Johnson nhấn mạnh rằng London nên có cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế, trong đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu.

Cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Giới quan sát nhận định, với việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, Anh sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ke-hoach-chan-hung-nen-kinh-te-cua-nuoc-anh-625960