Kế hoạch của Trung Quốc để trở thành cường quốc về robot

Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn về phát triển robot và ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong cuộc sống hàng ngày.

Một robot hình người có tên Walker S Lite đang làm việc tại một nhà máy thông minh ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: SCMP)

Một robot hình người có tên Walker S Lite đang làm việc tại một nhà máy thông minh ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: SCMP)

Tuần trước, Hội nghị Robot Thế giới 2024 đã diễn ra tại Bắc Kinh, giới thiệu hơn 600 sản phẩm robot từ khắp nơi trên thế giới, thu hút hơn 1,3 triệu người tham dự. Có 27 robot hình người được trưng bày, với khả năng ứng dụng trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, quản lý hộ gia đình và giải trí.

Khi trí tuệ nhân tạo (AI ) trở thành xu hướng công nghệ hàng đầu, các nhà nghiên cứu nhận định sự cạnh tranh trong ngành robot có thể trở thành cuộc đua toàn cầu mới trong thế kỷ này. Các doanh nhân trong ngành robot nhận định trong vòng 5 đến 10 năm tới, robot sẽ được sản xuất hàng loạt và sẽ là bước tiến công nghệ lớn tiếp theo sau sự kiện ChatGPT được ra mắt.

Trong những năm gần đây, hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân tại Thung lũng Silicon cùng nhiều nơi khác đã nhận định robot hình người là một ngành công nghiệp quan trọng có thể thúc đẩy tăng trưởng hàng chục tỉ USD trong những năm tới.

Các chính sách phát triển công nghệ robot của Trung Quốc

Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn về phát triển robot và ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong cuộc sống hàng ngày. Quốc gia này đã thiết kế các chính sách nhằm kích thích và duy trì các sáng kiến robot trong vài năm tới. Ngoài các hướng dẫn cấp nhà nước, các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Ninh Ba đã thành lập các trung tâm sáng kiến robot hình người.

Các trung tâm này nhằm mục đích thu thập nguồn tài chính và nhân tài nghiên cứu để đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ này. Trung Quốc hiện cũng đang tích hợp AI vào các trường tiểu học và trung học để ươm mầm nguồn nhân lực tham gia lực lượng lao động trong tương lai.

Cam kết của Trung Quốc đối với ngành robot được phản ánh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó hình dung robot sẽ được tích hợp sâu vào cuộc sống hàng ngày vào năm 2035. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn cụ thể hơn về việc phát triển robot hình người vào tháng 10 năm ngoái.

Các hướng dẫn này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, nêu rõ rằng đến năm 2025, một hệ thống đổi mới cơ bản cho robot hình người sẽ được thiết lập. Đến năm 2027, chuỗi cung ứng của ngành sẽ được tăng cường, hình thành nên một hệ sinh thái toàn cầu có tính cạnh tranh.

Kế hoạch này kêu gọi hình thành các công ty và cụm công nghiệp có ảnh hưởng toàn cầu, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới. Kế hoạch nhấn mạnh vào việc tăng cường đổi mới bằng cách thành lập các phòng thí nghiệm và thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và học viện, đồng thời xây dựng một cộng đồng toàn cầu cho robot hình người.

Mặc dù, Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận chip AI và các mô hình ngôn ngữ lớn từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư lớn vào nghiên cứu chip, cùng với các mô hình nguồn mở, đã và đang giúp Trung Quốc tiến bộ trong lĩnh vực AI, robot. Thị trường rộng lớn và các phương án ứng dụng đa dạng cũng sẽ thúc đẩy việc thu thập dữ liệu quy mô lớn, giúp đào tạo các hệ thống AI đối với robot.

 Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: SCMP)

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: SCMP)

Tại hội nghị Robot Thế giới 2024 vừa qua, khán giả đã vô cùng kinh ngạc khi những mẫu robot này chơi bóng đá, chế biến hamburger, chơi nhạc cụ, viết thư pháp và thể hiện khả năng hỗ trợ phẫu thuật. Những mẫu robot khác đã thể hiện tiềm năng của chúng trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc người già.

Theo đó, robot hình người Walker S series của công ty UBTECH có trụ sở tại Thâm Quyến đã thể hiện khả năng kiểm tra lốp xe chính xác cho những chiếc xe do Audi và FAW hợp tác sản xuất, làm nổi bật sự hợp tác giữa ngành công nghiệp ô tô và lĩnh vực robot hình người tại Trung Quốc.

Được biết, trung tâm đổi mới robot hình người Bắc Kinh, Audi-FAW và UBTECH đã hợp tác để tích hợp robot hình người vào dây chuyền sản xuất ô tô, tập trung vào các nhiệm vụ như xử lý vật liệu và kiểm tra chất lượng.

Một khía cạnh đáng chú ý của hội nghị là sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên trong suốt thời gian triển khai sự kiện. Các trường học và phụ huynh ngày càng cởi mở hơn về việc áp dụng các công nghệ như gia sư AI và robot chơi cờ. Những robot này hiện đã có sẵn để mua trực tuyến, cung cấp cho các gia đình những công cụ mới để nâng cao việc học của trẻ em.

Hội nghị cũng có các cuộc thi robot dành cho học sinh, thúc đẩy sự đổi mới về robot và lập trình trong giới trẻ tại Trung Quốc. Các chuyên gia tại hội nghị đề xuất rằng hoạt động đào tạo về kỹ thuật robot nên được cung cấp tại các trường học, trang bị cho học sinh kiến thức để phát triển trong một thế giới tích hợp robot.

Vào tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chính sách tập trung vào việc tạo ra 184 cơ sở giáo dục AI để thí điểm tích hợp AI. Các trường tiểu học và trung học được lựa chọn này sẽ kết hợp AI vào các môn học như công nghệ thông tin, tăng cường nguồn lực giáo dục kỹ thuật số và cung cấp đào tạo giáo viên chuyên biệt. Mục tiêu là phát triển các phương pháp tối ưu nhất để có thể triển khai trên toàn quốc trong tương lai.

Do AI hiện đã có thể giải quyết phần lớn các bài tập trên lớp, nên một nền giáo dục nuôi dưỡng sự tư duy, đổi mới, hợp tác và chấp nhận đương đầu với thử thách sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Chương trình giảng dạy phải thích ứng với việc phát triển các kỹ năng quản lý, giao tiếp giữa các cá nhân và đạo đức công nghệ.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ke-hoach-cua-trung-quoc-de-tro-thanh-cuong-quoc-ve-robot-post177948.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat