Kế hoạch đại tu giáo dục tư nhân làm chao đảo TTCK Trung Quốc
Từ mục tiêu tăng dân số, các biện pháp mạnh tay đối với ngành giáo dục tư nhân tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán nước này.
Theo Bloomberg, hôm 28/7, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã họp khẩn cấp với các giám đốc ngân hàng đầu tư lớn để xoa dịu tâm lý lo ngại trên thị trường.
Cụ thể, một số giám đốc ngân hàng nhận được thông điệp rằng chính sách mới đối với ngành giáo dục tư nhân sẽ không gây tổn hại đến các lĩnh vực khác.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng nhanh chóng đăng tải thông tin đợt bán tháo đã kết thúc. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích suy đoán các quỹ đầu tư nhà nước đã bắt đầu can thiệp để hỗ trợ thị trường, theo Bloomberg.
Ngay sau đó, chứng khoán đại lục và Hồng Kông nhanh chóng hồi phục. Ở phiên giao dịch ngày 29/7, chỉ số CSI 300 đã tăng 1,5%, dẫn đầu là ngành nguyên vật liệu và y tế; Hang Seng Index tăng 2%; cổ phiếu Tập đoàn Meituan cũng tăng 8,5%, cổ phiếu ngành bất động sản và công nghệ đều giao dịch đều lạc quan trở lại. Hang Seng Tech Index tăng 6,3%. Đặc biệt, cổ phiếu của New Oriental bứt phá 8,6% và Koolearn Technology tăng 6%.
Ít ngày trước, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch đại tu đối với lĩnh vực giáo dục tư nhân, với lý do “bảo vệ quyền được nghỉ ngơi của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục ở trường và giảm gánh nặng cho phụ huynh”.
Kế hoạch đề xuất rằng các công ty giáo dục giảng dạy các môn học trong chương trình chính khóa như toán, khoa học và lịch sử cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 9 sẽ bị cấm tạo lợi nhuận và phải chuyển thành các tổ chức phi lợi nhuận. Các công ty đó cũng bị cấm niêm yết, huy động vốn và cung cấp dịch vụ dạy kèm trong các ngày cuối tuần và ngày lễ.
Chi phí giáo dục ngày một leo thang được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi Trung Quốc không muốn có nhiều con, từ đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng của nước này.
Mặc dù quy định mới giúp giảm đáng kể áp lực cho phụ huynh và học sinh nhưng có những tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp giáo dục tư nhân trị giá 100 tỉ USD của Trung Quốc.
“Không ai ngờ được chính sách siết chặt đến mức cao như vậy”, Jenny Tsai, nhà phân tích chứng khoán tại công ty đầu tư Morningstar viết.
Đối mặt với nguy cơ bị siết chặt như tình cảnh của những tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba và Didi, cổ phiếu của các công ty công nghệ giáo dục niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và New York, trong đó có TAL Education, Gaotu Techedu, New Oriental Education & Technology Group, bị bán tháo mạnh, một số giảm giá đến 40%.
Làn sóng bán tháo sau đó đã lan rộng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ trong 3 ngày, vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này đã bị ‘thổi bay’ 800 tỉ USD./.