Kế hoạch đường sắt của Mỹ có khiến sáng kiến 'Vành đai và con đường' của Trung Quốc giảm nhiệt?
Các nhà phân tích cho biết kế hoạch của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông bằng cách đưa một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ lên bàn đàm phán có thể sẽ vấp phải nhiều tranh cãi.
Đề xuất đầy tham vọng của Mỹ là kết nối các nước vùng Vịnh, Saudi Arabia với Ấn Độ thông qua mạng lưới cảng và đường sắt - được ví như Sáng kiến Vành đai và Con đường hàng đầu của Trung Quốc.
Đầu tháng này, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã có mặt tại Saudi Arabia để thảo luận về kế hoạch này với Thái tử Mohammed bin Salman và các cố vấn an ninh quốc gia từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ.
Galia Lavi, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Israel cho biết, khoản đầu tư đường sắt của Washington ở Trung Đông là một minh chứng cho việc nước này tiếp tục muốn gắn kết với khu vực.
Hãng tin trực tuyến Axios đưa tin rằng, đề xuất cơ sở hạ tầng được đưa ra từ các cuộc thảo luận của Nhóm I2U2, một liên minh gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ và Israel được thành lập vào năm 2021.
Chas Freeman, cựu đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, mô tả kế hoạch này là “một chính sách đối ngoại hão huyền” chứ không phải là một sáng kiến cơ sở hạ tầng nghiêm túc và cho biết mục tiêu chính của nó là “củng cố mối quan hệ của Israel với các nước Arab vùng Vịnh”.
Freeman đặt câu hỏi về tính khả thi và nguồn tài chính của dự án, do Mỹ không nổi tiếng về xây dựng đường sắt, trong khi Ấn Độ có ngành đường sắt đáng tin cậy, nhưng không có khả năng xây dựng đường sắt cao tốc, hiện đại.
Việc Washington tái can dự với Trung Đông diễn ra sau một thập kỷ xoay trục ra khỏi khu vực để tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ không để khoảng trống ở Trung Đông cho Trung Quốc lấp đầy.
Nhưng Bắc Kinh đã mở rộng sự hiện diện của mình, tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với các nước vùng Vịnh và Ả Rập vào tháng 12 và cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng đến thương mại và công nghệ.
Phản ứng đối với kế hoạch cơ sở hạ tầng của Mỹ từ các phương tiện truyền thông ở Ấn Độ - một đối thủ của tầm nhìn vành đai và con đường của Trung Quốc - là tích cực, nhưng các nhà phân tích cho biết các nước Trung Đông có thể cảnh giác với quan hệ đối tác với xứ cờ hoa trong khi tài chính của dự án không rõ ràng.
Theo Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh của Đại học Phúc Đán, Saudi Arabia là nước hưởng lợi cao thứ hai từ các khoản đầu tư vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" vào năm 2022, trong khi đầu tư vào Trung Đông tăng trưởng mạnh khoảng 10%.
Li Shaoxian, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Ninh Hạ, cho biết các nước trong khu vực sẽ ngần ngại đầu tư số tiền lớn vào dự án, vốn không phải là ưu tiên phát triển kinh tế của họ.
“Ví dụ, ưu tiên của Saudi Arabia hiện nay là "Tầm nhìn 2030". Để chuyển đổi nền kinh tế của mình, quốc gia này vẫn sẽ cần một lượng lớn tài trợ và đầu tư trong tương lai. Chắc chắn sẽ không phải là nhà đầu tư chính của dự án Mỹ,” ông nói.
"Tầm nhìn 2030" là chiến lược của Riyadh nhằm đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ và tập trung vào các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, y tế và du lịch.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới quốc gia vùng Vịnh vào tháng 12, hai nước đã đồng ý thực hiện các hiệp lực đã được lên kế hoạch giữa “Tầm nhìn 2030” và kế hoạch Vành đai và Con đường.
Ông Li cho biết Trung Quốc sẽ không phản đối sáng kiến của Mỹ và sẽ tiếp tục cam kết trong khu vực.
Lê Na (Theo SCMP)