Kế hoạch gần 380 tỷ USD của ông Biden liên tiếp bị ngáng đường

Kế hoạch xóa nợ trị giá gần 380 tỷ USD cho các khoản vay sinh viên của Tổng thống Joe Biden liên tiếp bị phe Cộng hòa kiện, đồng thời gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ.

Chỉ trong một tuần, phe Cộng hòa đã 3 lần nộp đơn kiện nhằm tìm cách đình chỉ kế hoạch xóa nợ dành cho sinh viên mà chính quyền Tổng thống Biden công bố hồi tháng 8. Sau đơn kiện mới nhất gửi đi hôm 21/10, Tòa án phúc thẩm liên bang số 8 đã quyết định tạm đình chỉ kế hoạch xóa nợ.

Phe Cộng hòa chống đối quyết liệt

Kế hoạch xóa nợ đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden có thể giúp khoảng 43 triệu người Mỹ từng vay nợ để học đại học và cao học hưởng lợi, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, nhiều cử tri Cộng hòa phản ứng dữ dội với kế hoạch xóa nợ, bởi xét cho cùng khoản nợ không tự nhiên mất đi, vẫn sẽ có người phải chi tiền cho những khoản nợ ấy.

Phe Cộng hòa cho rằng ông Biden đã đẩy gánh nặng trả nợ từ người vay nợ để học đại học, đối tượng trực tiếp thụ hưởng, sang những người lao động đóng thuế đã học đại học mà không vay tiền, hay thậm chí những người không học đại học.

Giữa tháng 9, thống đốc từ 22 tiểu bang đã gửi thư tới Nhà Trắng đề nghị Tổng thống Biden rút lại quyết định xóa nợ cho sinh viên, theo NPR.

 Tổng chưởng lý Arkansas Leslie Rutledge dẫn đầu 6 tiểu bang khởi kiện chính quyền ông Biden. Ảnh: Reuters.

Tổng chưởng lý Arkansas Leslie Rutledge dẫn đầu 6 tiểu bang khởi kiện chính quyền ông Biden. Ảnh: Reuters.

"Với tư cách thống đốc, chúng tôi ủng hộ xây dựng nền giáo dục dễ dàng tiếp cận hơn, chi phí hợp lý hơn cho sinh viên. Nhưng chúng tôi phản đối kế hoạch buộc người đóng thuế trả nợ cho một thiểu số", các thống đốc viết trong bức thư.

Nhóm thống đốc cũng cho rằng việc vay nợ là lựa chọn của "những người trưởng thành", đồng ý và tự nguyên vay nợ đổi lấy việc được đến trường.

"Một tấm bằng đại học đắt đỏ không phải chìa khóa cho giấc mơ Mỹ, mà đó là lao động chăm chỉ và trách nhiệm cá nhân", các thống đốc viết.

Phe Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại việc xóa các khoản nợ sinh viên có thể khiến các trường đại học tăng học phí, làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính cho đa số người dân. Họ cho rằng giải pháp không nên là xóa khoản nợ đã vay, mà là tìm cách giảm tiền học phí và giảm lãi suất cho vay trong tương lai.

Trong đơn kiện gửi tới các tòa án tuần qua, phe Cộng hòa cùng một số nhóm bảo thủ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã vượt quá thẩm quyền khi ra quyết định xóa nợ trên phạm vi toàn quốc mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

"Kế hoạch này sẽ tạo ra gánh nặng bất công với các gia đình thuộc tầng lớp lao động", Chris Nuelle, người phát ngôn của văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang Missouri, nói.

Theo NBC News, kế hoạch xóa nợ sinh viên gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ. Đặc biệt, các chính trị gia chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã tự tách mình khỏi chính sách gây tranh cãi của Nhà Trắng.

"Giáo dục đại học nên là cơ hội cho mọi người. Tuy nhiên, việc xóa nợ cho những người vốn đã trên con đường đạt đến ổn định tài chính sẽ gửi thông điệp sai lầm tới hàng triệu người lao động không có bằng đại học", Hạ nghị sĩ Dân chủ Tim Ryan của bang Ohio nói.

Cuộc chiến pháp lý

Hôm 29/9, các tiểu bang Nebraska, Missouri, Arkansas, Iowa, Kansas và South Carolina đã nộp đơn khởi kiện chính quyền Tổng thống Biden, đề nghị tòa án đình chỉ kế hoạch xóa nợ cho sinh viên toàn quốc.

Sau khi bị tòa án sơ thẩm St. Louis bác đơn với lý do các tiểu bang không có tư cách khởi kiện và tòa án không có thẩm quyền giải quyết, 6 tiểu bang đã nộp đơn lên Tòa án phúc thẩm liên bang số 8, theo New York Times.

Hôm 20/10, Hiệp hội Người đóng thuế hạt Brown, tiểu bang Wisconsin nộp đơn kiện tới Tòa án Tối cao, đề nghị thực thi biện pháp khẩn cấp ngăn chặn kế hoạch xóa nợ.

Trong vụ kiện của 6 tiểu bang, các luật sư của chính quyền Tổng thống Biden cho rằng Bộ Giáo dục Mỹ "có thẩm quyền quản lý các chương trình hỗ trợ tài chính của liên bang dành cho sinh viên".

Căn cứ mà chính quyền Biden dựa vào là Đạo luật Cơ hội hỗ trợ giáo dục bậc cao cho sinh viên (HEROES) năm 2003, cho phép bộ trưởng Giáo dục xóa nợ hoặc thay đổi điều kiện vay nợ cho sinh viên trong thời chiến hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia. Mỹ hiện vẫn trong tình trạng khẩn cấp quốc gia vì Covid-19.

 Các nhóm cấp tiến ủng hộ kế hoạch xóa nợ. Ảnh: New York Times.

Các nhóm cấp tiến ủng hộ kế hoạch xóa nợ. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng các tác giả đạo luật HEROES không có ý định cho phép đạo luật được sử dụng để xóa nợ trên phạm vi toàn quốc như cách mà chính quyền Biden áp dụng.

Trong đơn kiện của mình, 6 tiểu bang lập luận đạo luật HEROES được dùng chủ yếu để xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà liên quan khoản nợ sinh viên của người phục vụ trong quân đội.

"Không có thiết chế nào cho phép Tổng thống Biden đơn phương xóa bỏ nghĩa vụ trả tiền của hàng triệu người trước đó đã tình nguyện vay nợ", đơn kiện của 6 tiểu bang lập luận.

Từ cuối tuần trước, hệ thống để người Mỹ đăng ký xin xóa nợ đã đi vào hoạt động. Đến nay, khoảng 22 triệu người đã nộp đơn đề nghị xóa nợ.

Theo kế hoạch xóa nợ của Tổng thống Biden, chính phủ Mỹ sẽ xóa 10.000 USD nợ từ thời sinh viên cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm, hoặc hộ gia đình thu nhập dưới 250.000 USD/năm. Bộ Giáo dục Mỹ ước tính kế hoạch xóa nợ sẽ tiêu tốn 379 tỷ USD, kéo dài trong 10 năm.

Trong phán quyết đưa ra hôm 21/10, Tòa phúc thẩm liên bang số 8 đã đình chỉ kế hoạch xóa nợ, đồng thời yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden đệ trình phản hồi chính thức với đơn kiện từ 6 tiểu bang.

Theo New York Times, kế hoạch xóa nợ là một trong những thành tựu nổi bật của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh giá hàng hóa leo thang. Vì thế, việc kế hoạch này bị cuộc chiến pháp lý trì hoãn sẽ ảnh hưởng lớn đến đảng Dân chủ ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-gan-380-ty-usd-cua-ong-biden-lien-tiep-bi-ngang-duong-post1367656.html