Kế hoạch gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ D.Trump vừa công bố 'Kế hoạch hòa bình Trung Đông' sau nhiều lần trì hoãn. Kế hoạch được người đứng đầu Nhà trắng coi là 'Thỏa thuận thế kỷ' này không nằm ngoài dự đoán về sự thiên vị dành cho Israel, gây tranh cãi trong dư luận quốc tế cũng như vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine.

Phần kinh tế gồm 30 trang đã được ông chủ Nhà trắng đưa ra hồi năm 2019, theo đó đề xuất các nước tài trợ và nhà đầu tư đóng góp hơn 50 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế cho Palestine và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan trong 10 năm tới. Phần chính trị, là phần cốt yếu trong bản kế hoạch dài 80 trang vốn được dư luận quan tâm hơn, vừa được công bố với đề xuất giải pháp "hai nhà nước một cách thực tế" cho Israel và Palestine.

Theo đề xuất của Tổng thống D.Trump, Nhà nước Palestine được thành lập với thủ đô là một số khu vực ở Ðông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, trong khi tiếp tục công nhận Jerusalem là "thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng" của Israel, điều mà Palestine kiên quyết phản đối. Bản kế hoạch của ông D.Trump cũng công nhận các khu định cư Do thái của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine ở khu Bờ Tây, vốn bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Ðổi lại, Israel sẽ đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng bốn năm. Ðiều này đồng nghĩa với việc người đứng đầu Nhà trắng củng cố lập trường của ông về việc tiếp tục công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu Bờ Tây, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Palestine cũng như cộng đồng quốc tế.

Mặc dù Tổng thống D.Trump khẳng định kế hoạch mà ông công bố là "một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Ðông", song thực tế những đề xuất của ông lại "gây bão" trong dư luận quốc tế.

Palestine cùng hàng loạt quốc gia ở khu vực lên tiếng phản đối mạnh mẽ bản kế hoạch của Tổng thống D.Trump, thậm chí coi đây là động thái kéo lùi "con tàu hòa bình Trung Ðông" vốn đang lâm vào thế bế tắc. Các nhà lãnh đạo Palestine bác bỏ các cách tiếp cận của Tổng thống D.Trump và kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch của Mỹ bởi đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Palestine luôn bảo vệ đến cùng quan điểm về một giải pháp hai nhà nước, với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, dựa trên cơ sở các đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Ðông năm 1967 và thủ đô là Ðông Jerusalem. Người Palestine quyết tâm theo đuổi cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi quyền tự quyết và các quyền cơ bản. Trong khi đó, Liên hợp quốc, Liên đoàn A-rập (AL), Liên hiệp châu Âu (EU) đều kêu gọi duy trì đối thoại và cho rằng đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thật sự, nghiêm túc và cân bằng.

Kế hoạch hòa bình Trung Ðông của Tổng thống D.Trump cũng vấp phải sự phản đối trong chính các nghị sĩ đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ E.Warren, ứng cử viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, lên án kế hoạch này không mang lại tương lai thật sự cho một quốc gia Palestine, đồng thời cho biết, bà sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch nào giống như kế hoạch của Tổng thống D.Trump được đưa ra mà không có sự tham gia của các nhà đàm phán Palestine. Thượng nghị sĩ V.Hô-len thậm chí gọi đề xuất của Tổng thống D.Trump là "kế hoạch chống hòa bình" và ông cho rằng đó là thỏa thuận một bên, gây bất lợi cho người Palestine. Các đề xuất của chính quyền Tổng thống D.Trump còn bị cho là "một tiết mục xiếc chính trị", khi được người đứng đầu Nhà trắng công bố vào thời điểm ông đang ở "tâm bão" của cuộc điều tra luận tội tại Thượng viện Mỹ cũng như đang trong giai đoạn quan trọng của chiến dịch tái tranh cử. Ðộng thái này được cho là nhằm phân tán sự chú ý của dư luận đối với cuộc điều tra luận tội Tổng thống D.Trump mà đảng Dân chủ đang thúc đẩy, cũng như giúp ông D.Trump "ghi điểm" nhằm giành sự ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tiến trình hòa bình Trung Ðông mà Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế thúc đẩy bấy lâu nay đều hướng tới giải pháp hai nhà nước nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh các nỗ lực trung gian của Mỹ cho tiến trình hòa bình này, song phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự công bằng, không thiên vị, nhằm đưa hai phía xung đột trở lại bàn đàm phán sau nhiều năm trì hoãn. Việc đưa ra một bản kế hoạch gây tranh cãi không phải là giải pháp hiệu quả mà còn có nguy cơ cản trở các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông vốn đã gặp quá nhiều trắc trở.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43085102-ke-hoach-gay-tranh-cai.html