Kế hoạch giải cứu đại dương của Canada
Không chỉ trôi nổi trên mặt nước biển hay dạt vào các bãi cát, hiện nay, rác thải nhựa còn được phát hiện cả trong ruột của những động vật sinh sống ở những vùng nước sâu nhất trong lòng đại dương. Trong bối cảnh tình trạng 'ô nhiễm trắng' ngày càng trở nên trầm trọng, Canada đã lên kế hoạch loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần để góp sức vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải cứu và bảo vệ đại dương.
Hiện nay, đại dương và toàn bộ hệ sinh thái biển đang bị đe dọa bởi các nguồn ô nhiễm, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng rác thải nhựa xả ra môi trường thế giới lên tới khoảng 300 triệu tấn/năm, trong đó có 8 triệu tấn rác thải nhựa xả ra các đại dương trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái của biển. Trước tình hình trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa xả ra môi trường.

Rác thải nhựa đe dọa cuộc sống của các loài động vật biển. Ảnh: Getty Images.
Với mong muốn góp sức nhiều hơn nữa vào cuộc chiến chống rác thải nhựa của thế giới, sắp tới, Canada sẽ cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Theo CNN, mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, Ottawa sẽ cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như túi nilon, ống hút, thìa khuấy… vào năm 2021 nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương trên thế giới. Đánh giá về rác thải nhựa, Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh đây là “một vấn đề mà chúng ta không thể bỏ qua”. Theo Thủ tướng Canada, mỗi năm có khoảng 1.000.000 con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú trên thế giới bị thương hoặc chết vì nhầm nhựa với thức ăn. Bày tỏ quan ngại về thực trạng rác thải nhựa ở quốc gia Bắc Mỹ này, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, hiện chưa có đến 10% rác thải nhựa ở Canada được tái chế. Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Catherine McKenna khẳng định đã đến lúc phải hành động. “Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đáng lo ngại về cá, rùa biển, cá voi và các động vật biển khác bị thương hoặc chết vì rác nhựa trong đại dương", bà Catherine McKenna nói.
Những nghiên cứu về ô nhiễm rác thải nhựa đều chỉ ra rằng, rác thải nhựa đã gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật dưới nước, như: Cá, rùa, cá voi và chim biển. Tháng 3 vừa qua, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về một chú cá voi mũi khoằm Cuvier bị mắc kẹt tại vùng biển Philippines. Các nhà chức trách địa phương phát hiện khoảng 40kg rác thải nhựa trong dạ dày của nó. Đây là một trong những trường hợp xác cá voi chứa lượng rác thải nhựa lớn nhất trong 10 năm qua tại Philippines. Còn trong một nghiên cứu mới đây, nhóm chuyên gia người Anh cho biết, rác thải nhựa còn có cả trong cơ thể của những chú tôm nhỏ sinh sống ở các vùng nước sâu nhất trong lòng đại dương. Dấu vết của rác thải nhựa được tìm thấy trong cơ thể của tất cả các loài động vật ở những vùng nước sâu Thái Bình Dương như vùng rãnh đại dương ở Peru-Chile, phía Đông Nam của Thái Bình Dương, vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, New Zealand, Peru... Trong số 90 sinh vật mà nhóm chuyên gia phân tích thì có 65 sinh vật có ít nhất một tinh thể nhựa siêu nhỏ trong người.
Rác thải nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động vật. Hạn chế rác thải nhựa, tiến tới cấm hẳn loại rác này đang là mục tiêu của nhiều quốc gia. Một trong các nguyên nhân dẫn tới việc số lượng rác thải nhựa tăng nhanh là thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần của con người. Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là chính phủ các nước cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa.