Kế hoạch 'Liên minh tự nguyện' hỗ trợ Ukraine có khả thi?
Anh và Pháp đang nỗ lực phối hợp với các nước châu Âu trong một nhóm gọi là 'Liên minh tự nguyện' để đảm bảo an ninh cho Ukraine nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Nỗ lực duy trì ủng hộ Ukraine
Thủ tướng Anh cho biết, hơn 30 quốc gia từ châu Âu và các khu vực khác đã bày tỏ mong muốn tham gia vào "Liên minh tự nguyện". Trong một tháng qua, Anh và Pháp đã liên tục tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của Liên minh này để bàn về vấn đề hỗ trợ Ukraine. Ngày 27/3, hội nghị thứ 3 của "Liên minh tự nguyện" đã được tổ chức tại Paris, Pháp. Các nhà lãnh đạo từ khoảng 30 quốc gia đồng minh với Kiev, ngoại trừ Mỹ, đã thảo luận về các kế hoạch hỗ trợ cụ thể hơn dành cho Kiev trong khi tiếp tục tăng sức ép với Nga.
Tại hội nghị lần này, các nước đã thống nhất sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine về mặt tài chính và quân sự, để đảm bảo nước này có vị thế mạnh nhất trong các cuộc đàm phán tiếp theo, trong đó, Pháp đã cam kết sẽ cung cấp 2 tỷ euro viện trợ cho Ukraine. Đây là khoản tài trợ riêng của Pháp và con số này khá khiêm tốn so với 40 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong năm 2025 mà Cơ quan đối ngoại của EU đề xuất trước đó.
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Anh Starmer cho biết, các nước châu Âu nhất trí chưa thể dỡ bỏ trừng phạt Nga mà ngược lại còn phải tăng sức ép tới khi xung đột Ukraine chấm dứt.
"Chúng tôi đã nhất trí rằng, chúng tôi phải tiến xa hơn nữa ngay bây giờ để hỗ trợ tiến trình hòa bình, hỗ trợ Ukraine và tăng áp lực buộc Nga phải nghiêm túc. Điều đó có nghĩa là, trước tiên, tăng áp lực quân sự, bộ trưởng quốc phòng sẽ chủ trì nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine tiếp theo vào ngày 11/4. Thứ hai là tăng áp lực kinh tế lên Nga, đẩy nhanh các lệnh trừng phạt mới, cứng rắn hơn, gây sức ép lên doanh thu năng lượng của Nga và cùng nhau làm cho áp lực này có hiệu quả" .
Thủ tướng Anh Keir Starmer
Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ rằng, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga lúc này là sai lầm nghiêm trọng. Các nước châu Âu đưa ra quyết định này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết Mỹ đang cân nhắc nới lỏng trừng phạt Nga để thúc đẩy thực thi lệnh ngừng bắn một phần với Ukraine trên biển Đen.
"Hòa bình bằng vũ lực không bắt đầu bằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi nhận được và xem xét bất kỳ điều gì. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, câu hỏi về lệnh trừng phạt (đối với Nga) sẽ xuất hiện tại một thời điểm nào đó. Chúng tôi sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nếu không chúng tôi sẽ sụp đổ".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tổng thống Macron cũng làm rõ hơn đề xuất gửi lực lượng quân đội của châu Âu tới Ukraine trong trường hợp Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình. Pháp và Anh trước đây đưa ra ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, nhưng tại cuộc họp này, các nước châu Âu đã thay đổi cách gọi khác đối với lực lượng này, gọi đó là “lực lượng trấn an”. Thực ra, ngay từ đầu khi đưa ra ý tưởng về việc gửi quân đến Ukraine, Thủ tướng Anh đã nhắc tới tên gọi này. Điều này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận về một lực lượng mà Nga coi là một mối đe dọa nếu như được triển khai tới thực địa.
Hội nghị tại Paris là hội nghị thượng đỉnh thứ ba của nhóm Liên minh tự nguyện trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi ý tưởng thành lập Liên minh được khởi xướng. Điều này phản ánh mối lo ngại của các nước châu Âu rằng. Mỹ không còn đại diện cho một thành trì vững chắc ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột đã kéo dài ba năm qua và thể hiện mong muốn khẳng định vai trò của châu Âu trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Theo truyền thông Anh, ý tưởng về một "Liên minh tự nguyện" được Thủ tướng Anh Keir Starmer đưa ra lần đầu tiên hồi tháng 2. Theo Thủ tướng Starmer, liên minh này nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình và đảm bảo thỏa thuận không bị phá vỡ.
"Trong trường hợp có thỏa thuận hòa bình, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine để ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiến xa hơn nữa để phát triển một liên minh tự nguyện bảo vệ thỏa thuận tại Ukraine và đảm bảo hòa bình".
Thủ tướng Anh Keir Starmer
Thủ tướng Anh cho biết, ông hy vọng sẽ có hơn 30 quốc gia tham gia liên minh này nhằm bảo đảm hòa bình lâu dài ở Ukraine. Trong đó, các quốc gia có thể đóng góp theo nhiều cách, bao gồm cung cấp máy bay phản lực tốc độ cao, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần, cũng như gửi quân đội tham gia đến Ukraine.
Rào cản chính trị và kinh tế
Mặc dù các quan chức châu Âu khẳng định "Liên minh tự nguyện" đã mạnh hơn sau hội nghị tại Paris, nhưng các nhà phân tích cho rằng, Liên minh này vẫn chỉ dừng lại ở mức tượng trưng và mang tính chính trị nhiều hơn là thực tiễn. Và đề xuất về việc triển khai quân đội của Liên minh này tới Ukraine với kế hoạch không rõ ràng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Anh và Pháp cho biết, đây sẽ không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình hay thay thế quân đội Ukraine, mà là “lực lượng trấn an” chủ yếu nhằm hỗ trợ ổn định tình hình. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Âu đều sẵn sàng gửi quân. Ngoài ra, việc triển khai lực lượng đến Ukraine được cho là sẽ gặp nhiều rào cản về chính trị và kinh tế ngay từ nội bộ các nước "Liên minh tự nguyện".
Anh, Pháp và Australia đã bày tỏ mong muốn gửi quân để giúp thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine. Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã tuyên bố sẵn sàng đóng góp quân dưới một hình thức nào đó cho bất kỳ hoạt động đảm bảo hòa bình nào nếu có tại Ukraine. Các nước châu Âu khác có khả năng tham gia liên minh bao gồm Ireland, Luxembourg và Bỉ. Theo các quan chức Anh hy vọng lực lượng bảo đảm hòa bình của "Liên minh tự nguyện" sắp tới có thể bao gồm 30.000 quân.
Tuy nhiên, các quan chức Anh thừa nhận rằng, nhiều nước vẫn chưa sẵn sàng can thiệp trên thực địa. Các nước láng giềng của Nga là Phần Lan và Ba Lan vẫn chưa cam kết tham gia, với lý do nếu Nga lợi dụng lệnh ngừng bắn để tái triển khai quân đội và đe dọa lợi ích của họ, quân đội của họ sẽ phải tiếp tục đồn trú để bảo vệ lãnh thổ.
Trong khi đó, Hà Lan cần áp dụng các thủ tục nghị viện mới và Đức đang chờ thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử gần đây để thông qua quyết định triển khai quân. Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Olaf Scholz cho biết, việc tăng chi tiêu quân sự "sẽ đòi hỏi nỗ lực mà nhiều quốc gia vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ". Hiện nay đa số các quốc gia EU đều đang chịu áp lực tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh Mỹ đe dọa rút khỏi NATO, trong khi nền kinh tế đang suy giảm do lạm phát và giá nhiên liệu tăng.
Thủ tướng Italy Giorgia Meroni, người có quan hệ thân thiết với chính quyền Trump, đã tỏ ra nghi ngờ về ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 24/3, bà Meroni cho biết, việc triển khai quân đội Italy "chưa bao giờ được cân nhắc", đồng thời nói thêm rằng, một hoạt động như vậy có thể sẽ "rất phức tạp và kém hiệu quả".
Một số quốc gia đã tuyên bố rõ ràng rằng họ từ chối tham gia cùng EU, chẳng hạn như Hungary, quốc gia đã nhiều lần cố gắng ngăn cản châu Âu cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine. Quan điểm của Thủ tướng Viktor Orban tương đồng với quan điểm của Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ông Fico phản đối sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine. Cả hai nhà lãnh đạo này đều không được mời tham dự các cuộc họp của "Liên minh tự nguyện".
Yếu tố Nga và Mỹ
Khi quyết định có triển khai lực lượng đến Ukraine hay không, các quốc gia sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm sự ủng hộ chính trị trong nước đối với Ukraine, cân bằng với mối quan hệ với Nga. Sự do dự của nhiều nước châu Âu một phần là do Nga nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận một lực lượng nào từ các nước NATO hiện diện tại Ukraine. Nga coi lực lượng như vậy là mối đe dọa đối với an ninh của quốc gia. Trong khi đó, thái độ đối với Mỹ nói chung và Tổng thống Donald Trump nói riêng có thể là một yếu tố quan trọng. Mỹ gần đây đã xích lại gần Nga nên sẽ không có khả năng tham gia vào lực lượng này. Các nhà phân tích cho rằng, việc triển khai quân của "Liên minh tự nguyện" đến Ukraine sẽ là một sự mạo hiểm nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Các quốc gia muốn xây dựng "Liên minh tự nguyện" đã cân nhắc đến việc Nga nhiều lần phản đối ý tưởng triển khai quân đội NATO tại Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng, điều này giải thích cho sự do dự của nhiều nước châu Âu đối với đề xuất về liên minh này.
"Sự hiện diện của quân đội từ các nước NATO dưới bất kỳ lá cờ nào, với bất kỳ tư cách nào, trên lãnh thổ Ukraine đều là mối đe dọa tương tự (như việc NATO mở rộng),... trong bất kỳ điều kiện nào. Không ai nói chuyện với chúng tôi. Họ cứ nói không có gì về Ukraine mà không có Ukraine nhưng họ lại làm mọi thứ về Nga mà không có Nga".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov
Thực ra, bản chất và vai trò thực sự của lực lượng hỗ trợ mà "Liên minh tự nguyện" dự định triển khai đến Ukraine là gì vẫn là điều gây tranh cãi, mặc dù Anh và Pháp đã thay đổi cách tiếp cận với lực lượng này, gọi đó là lực lượng trấn an.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, ưu tiên của Moscow vẫn là tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng, đề xuất của Pháp và Anh có thể làm leo thang căng thẳng và các nước châu Âu có thể bị kéo trực tiếp vào một cuộc xung đột vũ trang nếu triển khai quân đội ở Ukraine. Lực lượng mà châu Âu triển khai đến Ukraine sẽ cần một chiến lược bao quát mạch lạc, với các mục tiêu rõ ràng. Trong khi đó, hiện nay "Liên minh tự nguyện" vẫn chưa nhất trí về các điều kiện mà lực lượng này sẽ hoạt động, bao gồm các quy tắc giao tranh rõ ràng và mức độ rủi ro chính trị và quân sự có thể xảy ra.
Về phản ứng của Mỹ trước đề xuất triển khai quân của châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối đề xuất này và cho biết sẽ không tham gia "Liên minh tự nguyện".
Tuy nhiên, về phía châu Âu, các lãnh đạo Anh và Pháp nhấn mạnh rằng, bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cho Ukraine cũng cần có sự hỗ trợ an ninh của Mỹ. Pháp cũng cảnh báo rằng, không thể đảm bảo hòa bình trừ khi Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự. Cả hai nước đều thúc giục Mỹ cung cấp hỗ trợ trên không và tình báo cho liên minh mới.
"Chúng ta phải hy vọng điều tốt nhất nhưng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Vì vậy, tôi mong muốn Mỹ tham gia cùng chúng ta và mong muốn người Mỹ hỗ trợ hoặc thậm chí tham gia tích cực vào tất cả những điều này, vì điều đó tốt cho các đồng minh châu Âu của họ, tốt cho NATO, tốt cho tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống mà họ sẽ không ở bên chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị cho cả hai trường hợp".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Mỹ hiện có năng lực quân sự quan trọng mà châu Âu không có, bao gồm thu thập thông tin tình báo tín hiệu, vệ tinh trinh sát và C2 cấp cao. Nếu không có sự tham gia của Không quân Mỹ, khả năng của châu Âu trong việc ngăn chặn hệ thống phòng không, cũng như phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo là rất hạn chế. Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Macron kỳ vọng Mỹ sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga bằng cách cung cấp thông tin tình báo chiến lược để giúp xác định và chống lại mọi mối đe dọa. Khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga sẽ được tăng cường đáng kể nếu được hỗ trợ bởi các lực lượng Mỹ triển khai các lực lượng phản ứng nhanh trên bộ của Mỹ, các tàu tiến vào Biển Đen và các cuộc tuần tra trên không của Hoa Kỳ trên khu vực hoạt động.
Trong bối cảnh một thỏa thuận hòa bình với Nga đang được Mỹ nỗ lực thúc đẩy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố. Paris và London sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch triển khai lực lượng quân sự của "Liên minh tự nguyện" tới hỗ trợ ổn định tình hình Ukraine, bất chấp sự phản đối của Nga và của một số nước châu Âu. Việc triển khai quân châu Âu chưa biết có thể giúp Ukraine củng cố vị thế trên bàn đàm phán hay không, nhưng trước mắt, có thể thấy hành động này sẽ phải đối mặt với không ít thách thức và có thể phá hoại những nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.