Kế hoạch sáp nhập 4 xã vào TP. Điện Biên Phủ: Chủ trương lớn và những trải lòng (bài 2)
Bài 2: Những trải lòng từ cơ sởĐBP - Theo chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, trong tương lai các xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn và Nà Tấu của huyện Điện Biên sẽ được sáp nhập vào TP. Điện Biên Phủ. Là một thành viên của đoàn cán bộ Điện Biên tham dự buổi làm việc với Bộ Nội vụ và một số bộ, ngành liên quan, ông Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy họp bàn chủ trương triển khai thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Trung ương. Thời gian rất gấp, chỉ trong vòng 2 tháng, Ban Thường vụ Thành ủy Điện Biên Phủ họp thống nhất chủ trương, phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị tư vấn xây dựng đề án. Thành phố có 2 đơn vị hành chính (xã Thanh Minh và xã Tà Lèng) không đảm bảo về quy mô dân số và diện tích nên đồng thời lập đề án sáp nhập xã Thanh Minh và Tà Lèng thành một xã. Trên cơ sở đó, định hướng quy hoạch vùng lấy 4 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Điện Biên: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang và một phần diện tích của các xã: Hua Thanh, Thanh Nưa, Thanh Hưng và Thanh Luông.
Tổ chức lấy ý kiến người dân bằng hình thức bỏ phiếu kín về việc sáp nhập xã Mường Phăng vào TP. Điện Biên Phủ, tại bản Co Khô, xã Mường Phăng.
Nhưng xét tình hình thực tế, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Điện Biên Phủ đã họp bàn với Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Biên để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trong giai đoạn I, chỉ lấy một phần diện tích của xã Thanh Hưng và một phần diện tích của xã Thanh Luông. Lý do là nếu lấy một phần diện tích của xã Thanh Nưa và một phần diện tích của xã Hua Thanh, thì 2 đơn vị này lại không đảm bảo diện tích, dân số và sẽ ảnh hưởng đến địa giới hành chính của huyện Điện Biên; thống nhất theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh là lấy một phần diện tích của xã Thanh Hưng, một phần diện tích của xã Thanh Luông với lý do bao trọn Sân bay Điện Biên Phủ đã thực hiện theo quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông - Vận tải. Xây dựng đề án xong, thành phố tổ chức lấy ý kiến các tổ dân phố, bản có liên quan; kết quả phường Nam Thanh có 96,37% cử tri đồng ý, phường Thanh Trường 94,26%, xã Nà Nhạn 81,85%, xã Nà Tấu 86,94%, xã Mường Phăng 74,9%, xã Pá Khoang 88%, xã Thanh Luông 89,57%, xã Thanh Hưng 96,11% cử tri đồng ý. Tổng số có 18.911/21.933 (gần 86,23%) cử tri các xã, phường liên quan đồng ý với chủ trương sáp nhập để mở rộng địa giới thành phố. HĐND cấp xã, phường đến HĐND cấp thành phố hoàn thiện thủ tục hồ sơ, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã thông qua tại kỳ họp thứ 11 (bất thường) ngày 26/8/2019, của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Khi được hỏi về những vấn đề còn băn khoăn, ông Phạm Khắc Quân chia sẻ: Do triển khai bài bản, đúng quy trình nên cơ bản đề án được đại biểu HĐND thành phố nhất trí, thông qua, hầu hết dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Khi sáp nhập diện tích thành phố tăng lên xấp xỉ 310km2, dân số tăng lên trên 80.000 người (nhân khẩu); có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường: Him Lam, Mường Thanh, Nam Thanh, Noong Bua, Tân Thanh, Thanh Bình, Thanh Trường và 5 xã: Thanh Minh, Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang. Lẽ thường một khi quy mô dân số tăng thì đương nhiên cơ cấu kinh tế thay đổi, định hướng cho nghị quyết đại hội Đảng sắp tới cũng sẽ thay đổi. Mặt khác, xác định sau khi sáp nhập các xã, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thành phố tăng, cơ cấu kinh tế và tỷ trọng nông nghiệp cũng sẽ khác... Trước đây tỷ trọng nông nghiệp của thành phố chỉ chiếm 2%-3%, nhưng sắp tới có thể tăng lên đến 10%... nên phải định hướng lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 4 xã trên nói riêng và thành phố nói chung... Và nhiệm vụ đối với các cơ quan chức năng thành phố là điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định hướng 5 năm tới.
Đối với 2 xã: Thanh Minh và Tà Lèng, tinh thần chung là sáp nhập toàn bộ 15,45km2 diện tích tự nhiên, 1.173 người của xã Tà Lèng và 24,89km2 diện tích tự nhiên, 2.208 người của xã Thanh Minh để thành lập một xã lấy tên là xã Thanh Minh. Trung tâm hành chính của xã Thanh Minh mới đóng tại trung tâm hành chính xã Thanh Minh hiện giờ. Vấn đề cần quan tâm và xử lý thận trọng, đó là tính toán cân nhắc lượng cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, sau khi sáp nhập xã Thanh Minh (mới) có 21 cán bộ thuộc diện dôi dư, chúng tôi sẽ xin ý kiến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Sở Nội vụ, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc sắp xếp lượng cán bộ dôi dư có thể mất vài năm, theo quan điểm của thành phố, một trong các giải pháp là điều chuyển số cán bộ này tới những vị trí phòng, ban của thành phố hiện chưa đủ chỉ tiêu biên chế.
Để có thêm thông tin, chúng tôi tới UBND xã Mường Phăng (1 trong 4 đơn vị hành chính cấp xã sẽ sáp nhập vào TP. Điện Biên Phủ). Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, ông Mùa A Kềnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Điện Biên, UBND xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Kết quả toàn xã có 74% người dân đồng thuận việc sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, theo ông Mùa A Kềnh, không ít cán bộ, công chức của xã bày tỏ lo ngại về cách thức hoạt động ở thành phố khác ở xã, trình độ chuyên môn đòi hỏi cao hơn, nhiều anh em lo lắng không theo kịp, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Mường Phăng là xã nông nghiệp, nhưng về thành phố lại không có phòng nông nghiệp thì việc chỉ đạo sản xuất, điều tiết nước tưới tiêu ruộng đồng ra sao...
Ông Lường Văn Pản, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mường Phăng cho biết: Toàn xã hiện chỉ có khoảng 10% số hộ được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); khi sáp nhập về thành phố, người dân lo lắng những biến động về đất đai đô thị, thủ tục... sẽ không có điều kiện để hoàn thiện thủ tục làm sổ đỏ. Ngoài ra, trên địa bàn xã có một số công trình đầu tư còn dang dở, chưa chi trả đền bù những thiệt hại về đất đai, tài sản (sụt lún ruộng, ao hồ...) cho người dân như tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng; tuyến đường Nà Tấu - Pá Khoang. Rồi đây, liệu thành phố có giải quyết cho người dân không, hay người dân lại đứng giữa thành phố và huyện Điện Biên? Sau khi sáp nhập, quy mô giữa các bản và tổ dân phố không đồng đều, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao mà việc huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới cũng như giữ chuẩn nông thôn mới, có thể sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, từ động thái hầu hết ý kiến nhân dân ủng hộ, có thể thấy trước những thuận lợi trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng địa giới TP. Điện Biên Phủ. “Vạn sự khởi đầu nan”, ban đầu có thể có những khó khăn về mặt này mặt khác, song sự đồng tâm hiệp lực không chỉ tạo nên thuận lợi mà còn là động lực để vượt qua những trở ngại, thách thức...