Kế hoạch táo bạo của Thái tử Arab Saudi

Ngay sau khi nắm Chính phủ, Mohammed bin Salman muốn bán một phần công ty dầu mỏ Ả-rập Xê-út và biến vùng sa mạc cằn cỗi thành một quốc gia hiện đại, sử dụng tiền mặt để đầu tư.

Ngay sau khi Salman lên ngôi, Mohammed quyết định đảm nhận một phần quan trọng của bài toán Saudia. Ông muốn đầu tư cho hãng hàng không một đội máy bay mới. Đó là một vụ làm ăn khổng lồ, trị giá tới 10 tỉ USD hoặc hơn.

Nhưng có một trở ngại: Ngay trước khi Vua Abdullah qua đời, Saudia đã thỏa thuận với nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus. Saudia đồng ý mua 50 máy bay chở khách mới của Airbus và PIF đang có kế hoạch tài trợ cho nó. Đó là một thỏa thuận có lợi cho hãng hàng không. Đồng ý mua trước nhiều máy bay như vậy được giảm giá nhiều.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Mohammed, có một vấn đề lớn với thỏa thuận này: Nó không liên quan tới ông. Điều đó đặc biệt có vấn đề bởi vì, trước đó nhiều tháng, một công ty đứng tên gia đình ông đã tham gia mảng kinh doanh máy bay.

Năm 2014, thông qua một loạt giao dịch, em trai của Mohammed, Turki, trở thành chủ tịch và đại cổ đông của Ngân hàng Đầu tư Lượng tử (Quantum) có trụ sở tại Dubai, nhưng trên thực tế, Mohammed mới là người kiểm soát khoản đầu tư này. Là một tổ chức tài chính, Quantum hầu như không có hồ sơ theo dõi nhưng nó gắn liền với một nhà tài phiệt Dubai lâu năm vốn tham gia sâu vào lĩnh vực tài chính Islam giáo.

Các quy tắc Islam giáo cấm cho vay lấy lãi. Trong những thập niên gần đây, các nhà tài chính tiên phong đã phát triển một số cấu trúc, được các chuyên gia Islam giáo phê duyệt, về mặt kỹ thuật cho phép cho vay tiền mà không cần lãi suất.

Nói một cách đơn giản nhất, cấu trúc này thêm phí vào hợp đồng như một sự thay thế cho các khoản lãi. Đó là một ngóc ngách chuyên biệt của thị trường, nhưng với số vốn khổng lồ có sẵn từ các nhà đầu tư chân chính và nhiều tiền từ dầu mỏ ở những nơi như Ả-rập Xê-út, UAE và Kuwait, nó đã trở thành một thị trường ngách sinh lợi.

Ngân hàng của nhà bin Salman, Quantum, cùng một công ty gần như chưa ai từng nghe đến ở Dubai, đã đưa ra một thông báo đáng ngạc nhiên: Cùng nhau, họ đang kiến tạo công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới. Công ty ít tiếng tăm nọ phát triển từ một nhóm các nhà điều hành tài chính đến từ Lebanon và Morocco, họ thành lập văn phòng tại Dubai để trở thành kênh chuyển tiền từ các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ.

 Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi - một trong những nhân vật chính trị quyền lực nhất thế giới hiện nay. Nguồn: independent.

Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi - một trong những nhân vật chính trị quyền lực nhất thế giới hiện nay. Nguồn: independent.

Chiến lược của họ là huy động tiền từ các nhà đầu tư Islam giáo để mua máy bay và sau đó cho các hãng hàng không thuê lại. Số tiền chênh lệch giữa các khoản thanh toán vay mua máy bay và phí thuê mà họ nhận được từ các hãng hàng không sẽ được tính là lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Đó là một thương vụ đặc biệt tốt cho ngân hàng Quantum của gia đình Salman vì ngân hàng nhỏ bé này phải xếp hàng để trả phí như một đại lý. Điều đó có nghĩa là Quantum được giao nhiệm vụ huy động tiền của nhà đầu tư cho quỹ và giữ một phần số tiền mà nó đã thu được. Cho dù kinh doanh cho thuê thành công hay thất bại, Quantum đảm bảo vẫn được thanh toán.

Việc Quantum gắn liền với nhà bin Salman có nghĩa là các nhà đầu tư tiềm năng muốn lấy lòng gia đình có thể làm như vậy bằng cách đầu tư. Quỹ đã huy động được hàng tỉ USD. Nhiệm vụ của Mohammed là đảm bảo luôn có khách hàng sẵn sàng thuê máy bay. Điều đó thật dễ dàng khi cha ông trở thành nhà vua.

Ngay sau khi Salman lên ngôi, Mohammed cử thuộc hạ chuyển lời với Saudia rằng họ sẽ không mua máy bay từ Airbus nữa. Thay vào đó, công ty liên kết với Quantum sẽ mua máy bay và cho Saudia thuê lại. Các điều khoản của hợp đồng cho thuê ghi rõ Saudia được thuê máy bay với mức giá thị trường bình thường cho một chiếc Airbus mới. “Đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi” Mohammed nói với bạn bè. Gia đình anh sẽ kiếm tương đối, còn Saudia nhận được máy bay mới với giá hiện hành.

[…]

Mohammed hiểu rằng tiền chính là chìa khóa mở ra quyền lực ở Ả-rập Xê-út với nhiều cấp độ. Đối với gia đình thân thiết của mình, tiền mang lại cho Salman khả năng dàn trải sự hào phóng đối với các bộ lạc vốn có nguy cơ thù địch và trả tiền cho các vị hoàng tử mới nổi, những người có thể muốn có thêm sức mạnh chính trị nhưng không sẵn sang chi ra một khoản lớn. Ở cấp độ cao hơn, việc kiểm soát các nhánh tài chính nhà nước cho phép Mohammed chọn người thắng và kẻ thua trong nền kinh tế mới của mình.

Thay vì tiếp tục giao công việc xây dựng cho Binladin và Oger, trong thời gian đó, Mohammed lại chọn các công ty xây dựng nhỏ hơn, có chủ sở hữu mềm dẻo hơn và ít dính líu tới các phe phái đối thủ của gia tộc Al Saud. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn tiền từ dầu thô. Nó góp phần mang lại một Ả-rập Xê-út hiện đại, và câu hỏi đặt ra về cách quản lý các mỏ dầu trong tương lai sẽ xác định hướng đi của vương quốc.

Mohammed có tầm nhìn rõ ràng đối với cách thức quản lý khối tài sản khổng lồ đó. Chừng nào Ả-rập Xê-út còn nguồn thu nhập chính từ việc khai thác và bán dầu, chừng đó nó còn bị phụ thuộc vào nền kinh tế cũ mà sự sống chết liên quan tới những mỏ dầu. Sống trong thời đại công nghệ, Mohammed chắc chắn nó đang suy tàn, do đó, những cải cách của ông nhằm chuyển đất nước sang các nguồn thu nhập bền vững hơn.

Mohammed nói với cha rằng ông sẽ theo đuổi kế hoạch kinh tế táo bạo nhất của mình. Ông muốn bán một phần công ty dầu mỏ Ả-rập Xê-út – tập đoàn lớn nhất thế giới và là động cơ biến vùng sa mạc cằn cỗi thành một quốc gia hiện đại – và sử dụng tiền mặt để đầu tư kinh doanh.

Là nhà đầu tư khôn ngoan ở vị trí lãnh đạo cao cấp, Mohammed lý luận, chiến lược này sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn so với chỉ có dầu. Tuy Vua Salman tin rằng đây là kế hoạch của Mohammed, nhưng nó thực ra bắt nguồn từ bản kế hoạch của người anh họ Alwaleed bin Talal vào năm 2012.

Sự khác biệt là Alwaleed vốn không có nhiều ảnh hưởng đối với chú của mình, cựu vương Abdullah. Còn Mohammed lại có thể tác động nhiều đến nhà vua đương thời vào thời điểm ông đề xuất kế hoạch. Suy cho cùng, đó là cha của ông.

Nhưng để thực hiện điều đó, Mohammed phải thường xuyên cảnh giác trước các mối đe dọa đối với quyền lực của mình từ các vị hoàng tử bất đồng chính kiến và các cận thần bất tuân. Mối đe dọa lớn nhất là Mohammed bin Nayef, thái tử và là thành viên hoàng gia Ả-rập Xê-út có mối quan hệ sâu sắc nhất với Mỹ.

Bradley Hope - Justin Scheck / Alpha Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/ke-hoach-tao-bao-cua-thai-tu-arab-saudi-post1479489.html