Kế hoạch tham vọng khoan sâu 10.000 m vào vỏ Trái Đất của Trung Quốc
Các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu khoan một lỗ sâu 10.000 mét vào lớp vỏ Trái Đất, với hy vọng khám phá những ranh giới mới trên và dưới bề mặt hành tinh xanh.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, công trình xây dựng đã được khởi công vào ngày 30/5 tại khu vực Tân Cương giàu dầu mỏ của nước này.
Theo bài viết, trong quá trình khoan, thiết bị nặng 2.000 tấn gồm mũi khoan và ống khoan sẽ đi sâu vào lòng đất, xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa hay các lớp kiến tạo đá, tiếp cận lớp kỷ phấn trắng trong vỏ Trái Đất với phần đá có niên đại khoảng 145,5 triệu năm.
Quá trình khoan xuyên qua các lớp đá trong lòng đất có thể gặp khó khăn vì công trình khoan đang thực hiện ở lưu vực Tarim, một vùng đất cứng. Lưu vực Tarim là một vùng đất trũng rộng lớn do sông Tarim rút cạn. Khí hậu xung quanh thường khô hạn và ở giữa lưu vực là sa mạc TaklaMaTaklamakankan - một trong những vùng sa mạc lớn nhất thế giới và lớn nhất Trung Quốc.
Sun Jinsheng, nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết những khó khăn mà dự án khoan gặp phải có thể được so sánh với hình ảnh một chiếc xe tải lớn chạy trên hai dây cáp thép mỏng.
Trước đó, trong một bài phát biểu trước các nhà khoa học hàng đầu trong nước vào năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi cần nỗ lực đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc khám phá sâu bên trong Trái Đất. Những dự án như vậy có thể xác định các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đồng thời giúp đánh giá rủi ro của các thảm họa môi trường, chẳng hạn như động đất và núi lửa phun trào.
Hiện hố khoan siêu sâu Kola của Nga vẫn đang giữ kỷ lục là hố nhân tạo sâu nhất trên thế giới, với độ sâu 12.262 mét hoàn thành vào năm 1989 sau 20 năm khoan.