'Kế hoạch thời chiến' để đánh bại Covid-19
Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) phải họp hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để tìm biện pháp ứng phó với những hậu quả nghiêm trọng do dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) gây ra.
Thế giới đang trong “tình trạng chiến tranh và chưa chiến thắng”
Cơn bão đại dịch Covid-19 vẫn đang càn quét qua mọi ngõ ngách trên Trái đất, sức mạnh tàn phá của nó liên tục gia tăng, đến mức khiến người ta phải bất ngờ. Những con số thống kê chỉ ra rằng, phải mất 3 tháng, thế giới mới có 100 nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Nhưng 100 nghìn ca tiếp theo chỉ trong 12 ngày. Thêm 100 nghìn ca nữa chỉ trong 4 ngày. Chỉ cần một ngày rưỡi nữa, con số này đã lên tới 400 nghìn ca. Và sáng 27-3 đã trở thành một cột mốc buồn trong cuộc chiến với Covid-19, khi trên toàn thế giới ghi nhận hơn nửa triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 24 nghìn người tử vong.
Thực trạng đó khiến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phải thốt lên rằng: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với một loại virus và chưa chiến thắng”. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20, ông Antonio Guterres cảnh báo: “Đây là sự gia tăng theo cấp số nhân và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Nhìn lại những thách thức mà thế giới phải đối mặt từ đầu thế kỷ đến nay, theo các nhà phân tích, đại dịch Covid-19 còn khó khăn gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Vấn đề là không chỉ đe dọa trực tiếp sinh mạng con người, đại dịch Covid-19 còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Các nỗ lực nhằm ngăn chặn virus lây lan đang làm suy yếu hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhanh chóng đẩy nền kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái mới. Các chuyên gia LHQ cảnh báo rằng, tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 có thể dẫn tới “sự sụt giảm thảm họa” của đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) toàn cầu, vốn là thước đo đầu tư trong lĩnh vực tư nhân xuyên biên giới.
Theo một báo cáo mới nhất của Hội nghị LHQ về thương mại, đầu tư và phát triển (UNCTAD), FDI toàn cầu có thể thấp hơn 40% so với các dự báo hồi tháng 1, thời điểm các chuyên gia dự báo FDI sẽ tăng 5% trong năm nay và năm tới. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra cách đây 2 tuần, theo đó trong trường hợp xấu nhất, FDI sẽ chỉ giảm 15% so với dự báo tháng 1.
Hơn một thập kỷ trước đây, trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), số người thất nghiệp trên thế giới lên tới 22 triệu người. Còn hiện nay, theo một quan chức cấp cao của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), số lượng việc làm bị mất trên toàn thế giới do khủng hoảng Covid-19 có thể “cao hơn nhiều” so với con số 25 triệu mà tổ chức này ước tính một tuần trước. Trước đó, ILO dự báo số lượng người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 - 25 triệu người, dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việt Nam khẳng định hợp tác và phối hợp toàn cầu chống Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức lớn nhất với thế giới hiện nay. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Nếu không hành động quyết liệt tại tất cả các quốc gia, hàng triệu người sẽ chết. Tác động đến toàn bộ xã hội, nền kinh tế và chính trị sẽ chỉ là vấn đề thời gian”. Chính vì thế, theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, G-20 phải chuẩn bị một “kế hoạch thời chiến” để chống đại dịch Covid-19.
Đề xuất của Tổng thư ký LHQ bao gồm một chiến lược chung, một cơ chế ứng phó phối hợp trong G-20, do WHO hướng dẫn. Theo đó, tất cả các nước phải phối hợp xét nghiệm, truy vết, cách ly và điều trị bệnh một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn virus lây lan, đồng thời phải phối hợp chiến lược thoát hiểm nhằm duy trì khả năng ngăn chặn dịch cho đến khi bào chế được vaccine.
Liên quan đến hành động của WHO, Tổng Giám đốc tổ chức này đưa ra 3 đề xuất. Đầu tiên là “chiến đấu mạnh tay, chiến đấu hết mình, chiến đấu như thể cuộc sống của mình phụ thuộc vào đó”. Thứ hai là đoàn kết vì không quốc gia nào có thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ba là khuyến khích sản xuất trên toàn cầu những công cụ để cứu sự sống; khuyến khích phát triển vaccine và thuốc điều trị; khuyến khích một phong trào toàn cầu để đảm bảo điều này không tái diễn.
Về vai trò của G-20 trong cuộc chiến chống Covid-19, Tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đưa ra 4 điểm nổi bật cần nhắc lại. Thứ nhất là hợp tác chống đại dịch: G-20 cam kết trao đổi dữ liệu dịch tễ học và các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu và phát triển các vật tư thiết yếu; mở rộng sản xuất hàng hóa y tế. Cho tới tháng 4, các bộ trưởng Y tế G-20 sẽ xây dựng một gói biện pháp chống lại đại dịch.
Thứ hai là các biện pháp phòng ngừa: G-20 cam kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine, tận dụng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác khoa học quốc tế. Thứ ba là bảo vệ nền kinh tế thế giới: Các thành viên G-20 lên kế hoạch chi 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Thứ tư là hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, để đối phó với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được mời tham dự hội nghị. Chia sẻ ý kiến với các nhà lãnh đạo tại hội nghị trực tuyến G-20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ thực tiễn kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo G-20 nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó dịch Covid-19, như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G-20...
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ke-hoach-thoi-chien-de-danh-bai-covid19/848361.antd