Kế hoạch trở lại của ông Trump
Sau giai đoạn u sầu hậu thất cử, cựu Tổng thống Trump đã trở lại chứng tỏ quyền lực và ảnh hưởng trên chính trường Mỹ.
Sáng 7/11/2020, vài ngày sau cuộc bầu cử, Tổng thống Trump nhận được cuộc điện thoại từ con rể Jared Kushner, thông báo tất cả hãng thông tấn lớn của Mỹ, trong đó có cả Fox News, chuẩn bị tuyên bố đối thủ Joe Biden là người chiến thắng. Lúc này, ông Trump đang chơi golf ở Sterling, Virginia.
Khi trở vào bên trong, ông Trump nói với những người ủng hộ: "Đừng lo, mọi chuyện chưa kết thúc". Nhưng thực tế là cuộc bầu cử đã kết thúc. Thứ duy nhất còn dở dang là nhiệm kỳ mà ông đã chiến thắng 4 năm về trước.
Những ngày cuối hỗn loạn
Sau khi kết quả cuộc bầu cử đã rõ ràng, đa phần phe bảo thủ tin rằng đến cuối cùng, ông Trump sẽ hành xử có lý trí.
Phó tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel gặp ông Trump vào đầu tháng 11. Họ sau đó nói với những người khác rằng tổng thống cần thời gian để chấp nhận thất bại.
Ivanka Trump, coi gái lớn của ông Trump, rời Washington với hy vọng cha của cô sẽ mời đối thủ Joe Biden tới Nhà Trắng để tiến hành chuyển giao sau khi đã bình tâm trở lại.
Nhưng ông Trump cuối cùng không chấp nhận điều đó. Việc đội ngũ thân cận tạo không gian cho ông Trump dẫn tới kết quả các cố vấn khác như Rudy Giuliani có cơ hội chen vào.
Ban đầu, ông Trump tìm cách tác động để Bộ trưởng Tư pháp William Barr tập trung điều tra cáo buộc bầu cử. Tới ngày 1/12/2020, Bộ trưởng Barr tuyên bố không có bằng chứng về gian lận bầu cử. Hành động này khiến ông Barr trở thành mục tiêu công kích dữ dội của Tổng thống Trump.
Đầu tháng 12/2020, nhiều quan chức trong chính quyền ông Trump đã từ chức hoặc bị sa thải. Ông Barr, người được coi là tiếng nói chín chắn cuối cùng ở Nhà Trắng, từ chức vào 15/12/2020.
Khi đó, ông Trump đã sa thải hàng loạt quan chức tình báo và quốc phòng kỳ cựu, để thay bằng những người sẵn sàng chứng tỏ lòng trung thành. Không ít trong số này khiến Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley phát hoảng, nghi ngờ họ có dính líu tới tư tưởng cực hữu.
"Giờ thì hỗn loạn đã ngự trị", đó là cảnh báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo với một đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao.
Ông Pompeo thực sự hoảng sợ trước khả năng Tổng thống Trump đưa nước Mỹ vào một cuộc xung đột quốc tế để đánh bóng tên tuổi trong những ngày ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ. Để tránh nguy cơ này, Ngoại trưởng Pompeo phải điện đàm hàng ngày với tướng Mark Milley và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, cuồng phong tới tấp ập đến với ông Trump. Hai tài khoản mạng xã hội của ông trên Facebook và Twitter bị khóa. Hàng loạt quan chức Nhà Trắng nộp đơn từ chức.
Ngày 13/1, Hạ viện thông qua quyết định luận tội Tổng thống Trump vì kích động nổi loạn, với 10 phiếu từ các đảng viên Cộng hòa.
Nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa tin rằng đây có lẽ là dấu chấm hết cho tương lai chính trị của ông Trump.
Làm quen với cuộc sống hậu Nhà Trắng
Nhiều tháng từ sau khi rời khỏi Nhà Trắng, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì được sự ủng hộ to lớn từ nội bộ đảng Cộng hòa.
Các nghị sĩ Cộng hòa từng bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump ở Hạ viện trở thành đối tượng công kích của cử tri bảo thủ và các đồng nghiệp. Họ sẽ đối mặt thách thức lớn trong vòng bầu cử sơ bộ trong năm 2022.
Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa lần lượt tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, và giờ đây là câu lạc bộ golf ở Bedminster, để thể hiện sự trung thành với ông Trump.
"Hồi tháng 3, khi tôi tới thăm ông Trump ở Florida, tôi chứng kiến ông ấy trải qua giai đoạn chuyển giao cuộc sống", nhà báo Michael C. Bender của Wall Street Journal cho biết.
Từ chỗ là lãnh đạo của thế giới tự do, cựu tổng thống dần phải làm quen với vai trò một nhỏ bé hơn nhiều ở Palm Beach.
Ông Trump tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngay trong ngày 20/1, khi nhiệm kỳ chính thức kết thúc. Cựu tổng thống dường như không được chuẩn bị cho giai đoạn hậu Nhà Trắng.
"Tôi sẽ làm cái gì cả ngày bây giờ?", ông Trump hỏi một trợ lý khi lần cuối cùng bước xuống khỏi chuyên cơ Air Force One.
Cựu tổng thống thi thoảng hoài nghi liệu các bạn bè, đồng minh có trách ông vì cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1. "Các ông không nghĩ là tôi muốn chuyện đó xảy ra chứ?", ông Trump nói.
Ông Trump từng hỏi ý kiến các trợ lý về khả năng tái tranh cử vào năm 2024, nhưng không nhiều người lúc đó tin là cựu tổng thống sẽ làm vậy.
Rời khỏi Nhà Trắng là cái kết không mong đợi, khiến ông Trump rơi vào trạng thái u sầu.
Ông Trump nói với bạn bè rằng phu nhân Melania rất thích không khí ở Mar-a-Lago, và rằng bà chưa từng đẹp đến như vậy.
Cựu tổng thống hiểu rõ ông sẽ sớm phải đối mặt với những thực tế khó khăn, mà trước mắt nhất là tuổi tác ngày càng cao và bệnh béo phì. Không ít lần ông Trump hỏi các trợ lý về chứng thừa cân của ông.
Nhưng rồi thời gian cũng giúp cựu tổng thống giải tỏa. Ông Trump đánh golf mỗi ngày, tận hưởng cảm giác được chú ý mỗi khi ăn tối ở câu lạc bộ.
"Các ông hôm nay ăn thịt hay cá thế? Đồ ăn ngon cả chứ?", ông Trump nói với các vị khách ăn tối ở Mar-a-Lago.
Cựu tổng thống đã giảm cân một chút, sắc hồng và sự vui vẻ xuất hiện trở lại trên gương mặt ông.
Có thời điểm ông Trump khiến nhiều người bất ngờ khi nói ông vui vì không dùng Twitter nữa. Các thông báo chính thức của cựu tổng thống giờ được gửi qua email.
"Cách làm đó thực sự tốt hơn Twitter. Trước đây tôi không nhận ra mình đã dành quá nhiều thời gian cho Twitter. Giờ thì tôi thực sự có thời gian để gọi điện thoại, làm đủ mọi thứ khác, đọc các tài liệu mà trước đây tôi không đọc", ông Trump cho biết.
Kế hoạch trở lại
Để chuẩn bị cho tương lai, cựu tổng thống tái tổ chức nhóm cố vấn chính trị thân cận nhất. Donald Trump Jr., con trai cả của ông, đã thay thế vị trí của con rể Jared Kushner với vai trò cố vấn hàng đầu.
Ông Trump cũng giảm bớt phụ thuộc vào quản lý chiến dịch Bill Stepien, và trọng dụng Susie Wiles, người giám sát chiến dịch tranh cử của ông ở Florida.
Cựu tổng thống thường xuyên liên hệ với Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy và Thượng nghị sĩ Rick Scott, hai lãnh đạo Cộng hòa phụ trách cuộc chạy đua giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Các cố vấn khuyến nghị ông Trump cẩn trọng tích lũy quyền lực chính trị, cân nhắc thêm về khả năng chạy đua vào năm 2024, và chỉ ra quyết định sau bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022.
Dù vậy, cựu tổng thống vẫn bám sát các diễn biến trên chính trường, như cách một thương nhân theo dõi các khoản đầu tư.
Khi thăm dò dư luận cho thấy Thống đốc Florida Ron DeSantis nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri bảo thủ, ông Trump hỏi các trợ lý khả năng vị thống đốc sẽ trở thành thách thức nếu cựu tổng thống tái tranh cử năm 2024.
Và tới tuần trước, cựu tổng thống nói với Fox News rằng ông đã ra quyết định có tái tranh cử hay không, nhưng sẽ chưa vội tiết lộ.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Trump thường tránh trả lời câu hỏi trực tiếp về kế hoạch tương lai. Thay vào đó, ông quay ngược trở lại cáo buộc gian lận bầu cử.
"Lúc này, kế hoạch của ông Trump là thể hiện sức mạnh chính trị, bằng cách gây ảnh hưởng lên các cuộc chạy đua giữa nhiệm kỳ", nhà báo Michael C. Bender nhận xét.
Cựu tổng thống đã dành sự ủng hộ cho hàng chục ứng viên trong các cuộc đua ở lưỡng viện cũng như tại các tiểu bang. Các cố vấn đề nghị ông Trump chỉ công khai ủng hộ các ứng viên có khả năng giành chiến thắng, nhưng cựu tổng thống vẫn đôi lúc tạo ra ngoại lệ.
Ông Trump ủng hộ Kelly Tshibaka nhằm lật ghế thượng nghị sĩ Alaska của bà Lisa Murkowski, người từng bỏ phiếu ủng hộ luận tội. Bà Murkowski đã 3 lần chiến thắng cuộc chạy đua vị trí thượng nghị sĩ đại diện Alaska.
Ở North Carolina, ông Trump liên tục hối thúc con dâu Lara Trump chạy đua ghế thượng nghị sĩ sẽ bỏ trống, nhưng bà này từ chối. Sau đó, cựu tổng thống dành sự ủng hộ cho Hạ nghị sĩ Ted Budd.
Cựu tổng thống cũng nói với các trợ lý về việc tìm kiếm một ứng viên nhằm thách thức bà Liz Cheney, người đã bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho ghế hạ nghị sĩ đại diện Wyoming vào năm sau.
Hôm 26/6, ông Trump lần đầu tiên tổ chức cuộc tập hợp cử tri kể từ sau sự kiện ngày 6/1. Hàng nghìn cử tri đã có mặt tại khu hội chợ ở hạt Lorain, bang Ohio để lắng nghe thông điệp của cựu tổng thống.
Tại sự kiện này, ông Trump tuyên bố ủng hộ cựu trợ lý Max Miller, người sẽ chạy đua thách thức vị trí của Hạ nghị sĩ của ông Anthony Gonzalez. Bài phát biểu dài 90 phút của ông Trump dành phần lớn thời lượng để nói về kết quả cuộc bầu cử 2020.
Đội ngũ cố vấn của ông Trump chỉ có thể nhún vai trước những gì cựu tổng thống phát biểu với cử tri ở Ohio. Bản thân họ cũng phải cho ông Trump thêm thời gian để "nuốt trôi" thất bại năm 2020.
Các đồng minh hy vọng cựu tổng thống cuối cùng có thể khép lại quá khứ, bởi tương lai chính trị của ông sẽ phụ thuộc vào điều này.
"Ông ấy sẽ không bao giờ bỏ qua thất bại đó, nhưng ít nhất nó sẽ không chiếm tới một nửa thời gian bài phát biểu", một trợ lý của ông Trump nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-tro-lai-cua-ong-trump-post1236666.html