Kế hoạch xả 1 triệu tấn nước nhiễm xạ ra biển của Nhật gây báo động
Bộ Kinh tế Nhật Bản đề xuất xả dần hoặc làm bay hơi lượng nước nhiễm xạ 'khổng lồ' của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị phá hủy trong thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lần đầu tiên đưa ra đề xuất này hôm 23/12, sau khi tham khảo hội đồng chuyên gia. Các phương án xử lý nước nhiễm thải đã được thu hẹp. Fukushima từ lâu đã “đau đầu” tìm kiếm giải pháp khi gần hết không gian chứa nước để không vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng.
Gần 9 năm sau thảm họa thiên tai làm nổ 3 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, số nước nhiễm xạ vẫn được lưu trữ để làm mát lõi lò phản ứng (nơi chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân) và giảm thiểu rủi ro.
Suốt nhiều năm qua, hội đồng chính phủ Nhật Bản vẫn thảo luận về cách xử lý khủng hoảng, trấn an ngư dân và người dân nếu xả lượng nước nhiễm xạ “khổng lồ” ra đại dương.
Trong dự thảo vừa đề xuất, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị “xả nước có kiểm soát” ra Thái Bình Dương, làm nước bay hơi hoặc kết hợp cả hai phương pháp này, theo Nikkei.
Bộ này cho biết việc xả nước có kiểm soát ra biển là lựa chọn tốt nhất vì nó sẽ được “pha loãng và phân tán” - phương pháp đã được Ủy ban Khoa học Liên Hợp Quốc về Tác động Bức xạ Nguyên tử (UNSCEAR) chứng thực. Phương pháp này đồng thời tạo điều kiện cho việc theo dõi mức độ bức xạ trong môi trường.
Bộ này cũng lưu ý rằng phương pháp bốc hơi đã được thử nghiệm và chứng minh sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island năm 1979, nơi phải mất hai năm để loại bỏ 87.000 tấn nước nhiễm phóng xạ tritium.
Trước đó, chính phủ và nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), không thể xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ đã được xử lý và lưu trữ do vấp phải sự phản đối của ngư dân địa phương và người dân.
TEPCO cho biết không gian lưu trữ của họ chỉ chứa được tối đa 1,37 triệu tấn nước và sẽ đạt đỉnh vào mùa hè năm 2022, làm dấy lên đồn đoán rằng nước có thể được xả sau Thế vận hội Tokyo mùa hè tới.
Các chuyên gia, gồm cả đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã kiểm tra các kế hoạch của Fukushima và đồng tình rằng việc xả nước có kiểm soát vào đại dương là lựa chọn thực tế duy nhất, mặc dù phải mất hàng thập kỷ.
Hội đồng chính phủ trước đó đã đưa ra 5 phương án, bao gồm xả nước ra biển, làm bốc hơi, chôn cất dưới lòng đất và tiêm vào các lớp địa chất sâu ngoài khơi.
Hội đồng cũng đã thảo luận về phương án lưu trữ nước nhiễm xạ trong các bể công nghiệp lớn bên ngoài nhà máy, nhưng đề xuất này nhanh chóng bị loại trừ. Lý do là các rủi ro rò rỉ có thể xảy ra trong trường hợp bể bị ăn mòn, gặp sóng thần hoặc các thảm họa thiên tai khác, cũng như các thách thức kỹ thuật về vận chuyển nước.