Kê khai, giám sát tài sản của cán bộ là cách phòng tham nhũng hiệu quả nhất
Việc kê khai tài sản và thực hiện giám sát việc kê khai sẽ là một trong những cách phòng, chống hiệu quả đối với tham nhũng
Chính phủ định hướng hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đang được Thanh tra Chính phủ trình được kỳ vọng sẽ là bước đi quyết liệt góp phần phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Đức Thụ - Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:
“Phòng chống tham nhũng đang là vấn đề có thể nói là nóng, bức xúc trong những năm gần đây.
Chính vì vậy, Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân.
Ngăn chặn và phòng chống tham nhũng có hiệu quả sẽ xác lập môi trường xã hội, môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng, từ đó để thu hút tốt nhất các nguồn lực để đầu tư phát triển quốc gia.
Trong những năm gần đây, có thể nói công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta có nhiều tiến bộ, phát hiện và xử lý nhiều vụ án hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, vấn đề phòng chống tham nhũng không chỉ thực hiện trong một thời điểm mà đó là cả một quá trình trong sự vận hành phát triển của đất nước. Vì vậy, công tác phòng chống tham nhũng luôn phải là nhiệm vụ thường xuyên”.
Phân tích cụ thể, ông Bùi Đức Thụ cho rằng: “Vấn đề đặt ra từ thực tế cho thấy, làm thế nào để phòng chống tham nhũng có hiệu quả và hợp lý? Đây là một công cuộc cần tổng thể các giải pháp.
Từ vấn đề nhân sự, phải làm thế nào đó giáo dục cho người dân, cán bộ phải liêm khiết, không được tham nhũng, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng.
Vấn đề thứ 2, theo tôi chính là việc xác lập môi trường xã hội phản đối, thể hiện sự không đồng tình, giám sát của toàn bộ nhân dân.
Điều thứ 3, điều đặc biệt quan trọng là phải tạo lập lên được cơ chế để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Mọi hành vi, hành động, biểu hiện của tham nhũng phải được phát hiện kịp thời.
Cơ chế đó cần có những quy định của pháp luật như thế nào. Kiểm soát cái gì, quy trình gồm những bước nào và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong việc thực thi quy trình đó như thế nào, tránh tình trạng bịt chỗ này, lại phát sinh chỗ kia.
Chúng ta đã và đang hiện thực hóa Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130 ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tôi cho rằng là những bước đi rất đúng đắn”.
Ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh: " Ở những môi trường nào, lĩnh vực nào dễ xảy ra tham nhũng thì phải kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản đã thực hiện được một số năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa đi vào thực chất của vấn đề. Cần có sự tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, đối với những người tham gia ứng cử, chuẩn bị được đề bạt, cất nhắc thì những hồ sơ của các cán bộ này không chỉ được thẩm định ở mặt lý lịch, không chỉ thẩm định ở quá trình, năng lực, chất lượng công tác, quá trình công tác mà còn phải xem xét đến các vấn đề tài sản của họ.
Trong vấn đề tài sản của họ có những đột biến thì phải lý giải nguồn gốc tài sản tăng đột biến đó, nếu có sự bất minh cần phải đưa ra ánh sáng để xử lý theo pháp luật. Đối với những cán bộ có tài sản bất minh, tuyệt đối không cân nhắc, không bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn hoặc những vị trí có thể dễ phát sinh tiêu cực.
Vấn đề tài sản thông qua kê khai, giám sát là vấn đề cần thiết, nhưng tôi cho rằng cơ chế giám sát mới là cơ chế quan trọng.
Đề án phải bao trùm được mọi ngóc ngách của vấn đề để mà nhận diện được kịp thời các hành vi tham nhũng.
Tránh tình trạng khi phát hiện ra hành vi tham nhũng nhưng tài sản đã được tẩu tán, mất hàng năm những vẫn không thể thu hồi được tài sản. Hiệu quả của việc ngăn chặn những hành vi tham nhũng này đã bị hạn chế.
Việc kê khai mới chỉ là bước đầu, quan trọng nhất là xử lý kê khai này như thế nào. Cơ chế giám sát đến đâu.
Công tác thẩm tra, thẩm định cũng phải hết sức vô tư, khách quan và đảm bảo”.
Ông Thụ cũng nêu ra vấn đề cụ thể: “Trong quá trình tôi làm đại biểu quốc hội, khi tiếp xúc với cử tri, nhân dân chỉ ra rất nhiều tài sản, nhà đất… của cán bộ nhưng khi kiểm tra trong hồ sơ thì rất ít, và không thấy đâu.
Nên công tác thẩm định trung thực, khách quan là vô cùng quan trọng và tôi cho rằng ở một mức độ nào đó cũng cần phải công khai tài sản.
Tài sản anh làm hợp pháp đó là thành quả lao động của anh, không có vấn đề gì anh phải che giấu cả.
Việc minh bạch tài sản của cán bộ sẽ góp phần vào quá trình đánh giá cán bộ vừa trúng, vừa đúng và đảm bảo không bị lọt những cán bộ thoái hóa, biến chất “chui sâu, leo cao” vào tổ chức và cũng làm mất đi cơ hội của những cán bộ vừa tâm huyết và vừa có năng lực.
Với thông tin chính phủ xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ và hi vọng đề án sẽ bao trùm được các vấn đề đã phát sinh và có thể sẽ phát sinh trong việc phòng chống tham nhũng. Qua đó sẽ ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi tham nhũng”.
Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mong Văn Tình – Đại biểu quốc hội khóa 14 – nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.
Những năm qua, công tác này đã được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018…
Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Năm 2021, theo đánh giá của Chính phủ, tham nhũng "tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm" nhưng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
"Có thể thấy, công tác phòng chống tham nhũng có những dấu hiệu được kiềm chế, ngăn chặn là những tín hiệu hết sức đáng mừng tuy nhiên còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Việc kê khai tài sản của cán bộ và dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản của cán bộ sẽ giúp cơ chế giám sát của nhân dân, các cấp thẩm quyền sẽ được đi vào thực tế”.
Ông Mong Văn Tình cũng cho biết cá nhân ông rất ủng hộ và mong chờ Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đi vào thực tế đời sống xã hội và kỳ vọng đề án sẽ là một bước tiến lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.