Kẻ khóc, người cười với chuỗi nhà thuốc

Chuỗi Pharmacity và An Khang đang thu hẹp khi kinh doanh kém hiệu quả, trong khi chuỗi Long Châu ngày một mở rộng số lượng cửa hàng.

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đang có sự cạnh tranh cao, với gần 60.000 nhà thuốc

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đang có sự cạnh tranh cao, với gần 60.000 nhà thuốc

Thị trường nhà thuốc quy mô lớn nhưng phân mảnh

Nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế từ phòng ngừa tới chữa bệnh của người dân có xu hướng gia tăng, trong bối cảnh Việt Nam có dân số đông (100 triệu người), thu nhập được cải thiện và người dân ngày càng quan tâm hơn tới việc tăng cường sức khỏe.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD/năm. Trong đó, kênh đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế (ETC) chiếm 70% thị phần, 30% thị phần còn lại dành cho các nhà thuốc bán lẻ, tương đương 1,6 tỷ USD.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) ước tính quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam lớn hơn, đạt khoảng 6 - 7 tỷ USD/năm. Trong đó, hơn 70% thuộc về kênh ETC, còn thị trường bán lẻ dược phẩm có quy mô gần 2 tỷ USD đang có sự cạnh tranh của gần 60.000 nhà thuốc.

“Tính đến nay, cả nước có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi hiện đại, chiếm khoảng 5%, còn lại tới 95% thuộc về các cửa hàng nhỏ”, MBS cho biết.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) chia sẻ, hệ sinh thái sức khỏe có tiềm năng lớn khi quy mô thị trường tiêm chủng ước đạt 1 - 3 tỷ USD, quy mô thị trường nhà thuốc khoảng 7 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số.

MBS đánh giá, thị trường bán lẻ dược phẩm chưa có đơn vị dẫn đầu về thị phần và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn, bởi dân số có xu hướng già hóa, nhu cầu quan tâm đến sức khỏe của người dân tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 và Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia có nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trong môi trường cao nhất thế giới, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe.

Pharmacity và An Khang thu hẹp, Long Châu mở rộng chuỗi nhà thuốc

Cùng nhận thấy cơ hội, nhưng có chuỗi nhà thuốc tiếp tục mở rộng hoạt động, có chuỗi nhà thuốc thu hẹp quy mô.

Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity) là doanh nghiệp phát triển chuỗi nhà thuốc với quy mô lớn đầu tiên và nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đối tác, quỹ đầu tư khi tham gia góp vốn để phát triển chuỗi nhà thuốc Pharmacity.

Cụ thể, chuỗi nhà thuốc Pharmacity được thành lập năm 2011, mục tiêu mở rộng lên 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025 và nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau khi liên tục mở rộng số lượng lên 1.041 nhà thuốc vào cuối năm 2022, Dược phẩm Pharmacity có động thái thu hẹp quy mô khi tháng 2/2023 giảm số lượng cửa hàng xuống 936 và tính tới cuối tháng 8/2024 còn 898 cửa hàng.

Không chỉ giảm số lượng cửa hàng thuốc, Dược phẩm Pharmacity có sự biến động ở vị trí lãnh đạo cấp cao: năm 2022, nhà sáng lập là ông Chris Blank rời vị trí Tổng giám đốc, người thay thế là bà Trần Tuệ Tri; sang 2023, Công ty có Tổng giám đốc mới là ông Deepanshu Madan.

Tương tự, năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) tuyên bố thâm nhập thị trường dược phẩm. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư Thế giới di động bày tỏ tham vọng sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm thông qua hình thức M&A với 500 cửa hàng, từ 10 - 15 cửa hàng ban đầu.

Để thực hiện tham vọng này, năm 2018, Đầu tư Thế giới di động đã rót vốn vào Công ty cổ phần Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (An Khang), đơn vị quản lý khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP.HCM. Trong giai đoạn đầu, thay vì mua đứt và nắm quyền kiểm soát với 51% cổ phần như kế hoạch ban đầu, Đầu tư Thế giới di động sở hữu 49% cổ phần An Khang.

Đến cuối năm 2021, Đầu tư Thế giới di động quyết định nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang lên 99,99% và đặt ra những mục tiêu tăng tốc cho hệ thống này, kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tích cực hơn.

Tuy nhiên, sau khi Đầu tư Thế giới di động nâng sở hữu lên 99,99% và nắm quyền chi phối chuỗi nhà thuốc An Khang, tình hình kinh doanh của đơn vị này không hiệu quả như mong đợi: năm 2022 lỗ 306,2 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 342,9 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2024 lỗ thêm 172,1 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2024, chuỗi nhà thuốc An Khang có lỗ lũy kế 833,67 tỷ đồng.

Về số lượng cửa hàng thuốc, ngay khi nâng tỷ lệ sở hữu tại An Khang lên gần 100%, Thế giới di động đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng cửa hàng nên tháng 2/2022 đạt 205 cửa hàng, tháng 12/2022 tăng lên 500 cửa hàng, tháng 6/2023 đạt 537 cửa hàng, nhưng tháng 12/2023 giảm xuống 527 cửa hàng, đến tháng 7/2024 chỉ còn 387 cửa hàng.

Chia sẻ về việc đóng cửa nhiều nhà thuốc An Khang trong năm 2024, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Đầu tư Thế giới di động cho biết: “Giống như các chuỗi đàn anh, đàn chị (Điện máy xanh, Bách hóa xanh, Thế giới di động), An Khang đang thực thi tái cấu trúc để xem xét lại từng nhà thuốc, cân nhắc đóng cửa hàng không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Định hướng của Công ty sẽ thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất, tiếp đó sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh để đạt được kết quả hòa vốn rồi mới nghĩ đến tăng tốc mở rộng sau”.

Trái ngược với hai đơn vị trên, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail tiếp tục được mở rộng và có tham vọng mở rộng hệ sinh thái sức khỏe sang y tế dự phòng, chẩn đoán bệnh…

Năm 2017, FPT Retail chính thức tham gia lĩnh vực dược phẩm khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu - một thương hiệu lâu đời và có tiếng trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm tại TP.HCM.

Tính tới cuối tháng 6/2024, FPT Long Châu có 1.706 nhà thuốc, tăng 209 nhà thuốc so với cuối năm 2023, đồng thời mở rộng mạng lưới tiêm chủng vaccine để hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.

Trước khi đẩy mạnh mở rộng, FPT Long Châu đã đưa 2 kho tổng chuẩn GDP, GSP vào hoạt động, với diện tích 35.000 m2 tại huyện Mê Linh, TP. Hà Nội và 45.000 m2 tại huyện Hoài Đức, tỉnh Long An. Kho tổng FPT Long Châu được xem là kho bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam cả về diện tích và quy mô, đây là cơ sở để Công ty gia tăng số lượng cửa hàng trong những năm qua.

Về kết quả kinh doanh, chuỗi nhà thuốc Long Châu lãi trước thuế 4,9 tỷ đồng năm 2021, sau đó lợi nhuận liên tục tăng cao: năm 2022 lãi 200,4 tỷ đồng, năm 2023 lãi 510,5 tỷ đồng, nửa đầu năm 2024 lãi 491 tỷ đồng.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ke-khoc-nguoi-cuoi-voi-chuoi-nha-thuoc-post352893.html