Kẻ lãng du với cây đàn guitar (Kỳ cuối)

'Một nghệ sĩ thực thụ thì không chỉ thừa kế, an bài và thừa hưởng những thành tựu của thế hệ đi trước' – quan điểm ấy đã khiến nghệ sĩ Việt Anh chọn cho mình một lối đi khác biệt. Sáng tạo với cây đàn guitar.

Đàn guitar 21 dây và cuộc chơi lãng mạn của chàng trai lãng tử Việt Anh. (Ảnh: MH)

Đàn guitar 21 dây và cuộc chơi lãng mạn của chàng trai lãng tử Việt Anh. (Ảnh: MH)

Ngưng chén trà, Việt Anh nói: "Tần tảo nuôi 6 anh em tôi nên bà chẳng có nhiều thời gian để quan tâm chi tiết đến từng đứa con, nhưng bà luôn tán thành và ủng hộ tôi".

Dừng câu chuyện, anh xin phép chạy vào săn sóc mẹ già. Anh bảo: “Mẹ tôi cả đời lam lũ, tảo tần, buôn bán nhỏ. Cảm ơn mẹ nhiều nhất lại là cái phước mà tôi được hưởng từ sự hiền hậu, nhân từ, làm ăn tuyệt đối trung thực của bà”.

Lãng du cùng New Flamenco

Nói về cái tên Lãng Du mà anh chọn cho ban nhạc của mình, cũng như phong cách flamenco làm chủ đạo, Việt Anh chia sẻ: “Thực ra cái tên đã thể hiện hết tính cách, cuộc đời của tôi. Tôi quan niệm, cuộc đời và sự nghiệp chỉ là một cuộc dạo chơi ở cõi tạm. Vậy hãy cố gắng chơi sao cho tốt, cho đẹp, trung thực, thiện lành mà hoan hỷ. “Lãng” là lãng mạn , “Du” là chơi - một cuộc chơi lãng mạn.

Thứ hai là, trước khi thành lập ban nhạc, tôi từng lang thang nhiều nơi, tham gia nhiều ban nhạc, chơi các thể loại nhạc khác nhau… Miễn có chương trình, có thù lao sinh sống là tôi tham gia, như một lính đánh thuê vậy. Nên cái tên Lãng Du đã có hình bóng một kẻ lang thang trong đó rồi.

"Còn lý do tôi chọn Flamenco làm vai trò chủ đạo, trước tiên đó là cảm nhận, cảm xúc mạnh mẽ của tôi khi được nghe dòng nhạc này đã từ lâu mà chưa có dịp thực hiện. Bên cạnh đó là nhận thức, tôi tham gia nhiều chương trình như lính đánh thuê, cảm giác như những thành công ấy dù có vang dội đến đâu cũng không đọng lại gì, chẳng có gì của mình.

Được ảnh hưởng bởi truyền thống guitar của gia đình bác Phạm Ngữ, một ông vua guitar cổ điển Việt Nam, tôi muốn giữ vững và phát triền truyền thống này. Tôi muốn tìm lại gốc gác sâu xa, giọng điệu hồn cốt của guitar, đó chính là nhạc Flamenco. Nhưng dù muốn tiếp nối truyền thống guitar của gia đình, tôi vẫn quyết định đi một lối đi riêng để phát triển, đó là dòng New Flamenco mà tôi đã chọn” - anh nói thêm.

Việt Anh chia sẻ rằng, anh rất e ngại khi nhiều khán giả cũng như nhiều anh em đồng nghiệp gọi anh là số 1 của dòng nhạc Flamenco này. Anh bảo, có lẽ anh được yêu quý với lối chơi nhiệt huyết, hết mình. Mặc dù anh khiêm tốn nói vậy, nhưng trên thực tế, không thể phủ nhận việc anh đã cùng Lãng Du giương cao ngọn cờ thổi hồn cho một xu hướng mới cho khá đông các bạn trẻ hướng tới và chơi flamenco khá rộng rãi hiện nay.

Anh tâm sự: “Tôi không cần ai đó phải công nhận điều gì. Tôi thấy vui vì bản thân được chiêm nghiệm, trắc nghiệm tư duy, lựa chọn của mình đúng sai ra sao... Bố tôi luôn dạy, trong mọi vấn đề, con đừng tự khoác cho mình một chiếc áo rộng rồi cứ cố khuỳnh người ra để cho nó vừa. Cứ rong chơi cuối trời phiêu lãng. Việc gì đến sẽ đến. Hữu xạ tự nhiên hương”.

Luôn là chính mình

Có thể nhận thấy, sự nhiệt huyết và hồn nhiên ấy của Lãng Du, tuy không náo nhiệt, Trời cũng không phụ lòng người, Lãng Du có nhiều dịp được giao lưu, biểu diễn tại những chương trình rất trang trọng, nhưng không khoa trương, mà lại là nơi hội tụ rất nhiều điều mà Việt Anh cho là “hay ho và tinh khôi”...

Festival Huế là mộ ví dụ. Đây là lễ hội văn hóa nghệ thuật quốc tế, được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nhiều nước. Các chương trình lớn nhỏ của Festival Huế diễn ra khắp nơi và hoàn toàn tự do. Riêng sự kiện diễn ra tại Cung An Định là nơi duy nhất bán vé vào xem, nơi chỉ có các nghệ sĩ quốc tế và các nghệ sĩ hạng A của Việt Nam biểu diễn. Và, Lãng Du rất vinh dự khi được nhiều lần biểu diễn tại đây.

Việt Anh chia sẻ: “Trong những lần biểu diễn và giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi không có gì nhiều để nói vì âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, thông qua âm nhạc để cảm nhận để hiểu nhau. Dòng nhạc mà chúng tôi chơi cũng không có gì lạ với bạn bè quốc tế. Họ đồng cảm với chúng tôi và thẳng thắn chia sẻ rằng, ở Việt Nam mà chúng tôi dám chơi loại nhạc mình thích, không hùa theo sự thịnh hành của số đông là điều rất đáng trân trọng, nhưng phải chấp nhận sự thiệt thòi".

Lại một lần nữa gián đoạn câu chuyện để vào săn sóc mẹ, Việt Anh mang trong nhà ra cây đàn guitar 21 dây để bên cạnh bàn trà. Trông thấy nó, tôi thực sự choáng ngợp. Nếu như trong ảnh, tôi choáng ngợp một phần thì nhìn thực tế, tôi ngây ngất 10 phần.

Anh bảo: “Với quan điểm cá nhân của tôi, một nghệ sĩ thực thụ thì không chỉ thừa kế, an bài và thừa hưởng những thành tựu của thế hệ đi trước. Ta phải đi đến tận cùng để nắm được và khai thác những điều hay đã có và tìm ra điều xem còn thiếu hoặc còn làm gì để phát triển hơn nữa, để lại cho thế hệ sau này những kiến thức hoàn thiện hơn, phù hợp hơn”.

Ngoài tinh thần trách nhiệm ấy của người nghệ sĩ, theo nghệ sĩ Việt Anh, một cây đàn guitar bình thường cũng có những giới hạn nhất định, không đáp ứng sự thỏa mãn âm nhạc trong anh. Anh bảo, linh giác của anh cảm nhận như bản thân được giao phó, được dìu dắt và có một sứ mệnh để tìm ra điều mình mong muốn. Bởi vậy nên suốt bao năm qua, Việt Anh luôn đau đáu tìm tòi, khám phá, học hỏi để làm ra những cây đàn có thể thỏa mãn đam mê.

Sáng tạo với guitar

Nâng cây đàn guitar 21 dây lên một cách cẩn trọng, anh nói, âm thanh của nó khó tả hết bằng lời. Trong âm nhạc, tạm gọi là hình thức âm nhạc đầy đủ và hình thức âm nhạc không đầy đủ, mà ta vẫn hay gọi là nhạc đơn âm và nhạc đa âm, đơn điệu hay hợp điệu.

Trong âm nhạc đầy đủ luôn có ba yếu tố cơ bản và vững chắc: giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Cho dù chơi độc tấu, tam tấu, hay dàn nhạc vài chục hay vài trăm người... vẫn phải xoay quanh 3 yếu tố này. Âm nhạc cất lên muốn hay được thì còn phải phụ thuộc vào âm thanh, với ba yếu tố là dải tần Bass, Mid, Treb (thấp, trung, cao)

Anh phân tích: “Trong vô số các kiểu, các phong cách chơi đàn guitar, chỉ có hai cách là chơi hòa tấu và chơi độc tấu. Nếu chỉ chơi hòa tấu như nói ở trên thì cây guitar truyền thống đã rất đầy đủ đến hoàn hảo để thực hiện điều đó rồi. Vậy độc tấu thì sao? Cây đàn truyền thống, từ khi ra đời đến giờ vẫn chơi độc tấu vì nó tạo nên được cả ba yếu tố là giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Tuy nhiên, cây đàn guitar truyền thống lại bị hạn chế về âm vực. Đó là điều mà tôi muốn thay đổi”.

Trước khi dừng lại ở cây đàn 21 dây, Việt Anh đã thử nghiệm cả chục cây đàn, từ 24 dây đến 28 dây với các hình thái khác nhau. (Ảnh: MH)

Trước khi dừng lại ở cây đàn 21 dây, Việt Anh đã thử nghiệm cả chục cây đàn, từ 24 dây đến 28 dây với các hình thái khác nhau. (Ảnh: MH)

Trước khi dừng lại ở cây đàn 21 dây, Việt Anh đã thử nghiệm cả chục cây đàn, từ 24 dây đến 28 dây với các hình thái khác nhau. Anh học hỏi và làm theo những cây đàn tương tự của các nghệ sĩ trên thế giới mà tôi rất hâm mộ bởi sự tiên phong cũng như tài năng của họ.

Anh nói: “Thời gian đầu, tôi cũng rất choáng ngợp bởi những nhạc cụ này và sau khi trải nghiệm, tôi mới nhận ra, bên cạnh những điều tuyệt vời để diễn tấu cho số thể loại âm nhạc, cụ thể phù hợp. Tuy nhiên, những cây đàn này không làm tôi thỏa mãn khi chơi cho các hình thái âm nhạc khác (vì thiếu tính thiện chiến)”.

“Không phải cứ thật nhiều dây mới phong phú, điều tôi muốn chỉ cần đủ nhiều và quan trọng là được phân bổ ra sao để luôn thích nghi được với các thể loại âm nhạc khác. Hơn nữa, cây đàn không chỉ đơn thuần có nhiều dây để mở rộng âm vực mà nó cần được chia thành nhiều âm khu khác nhau với những âm sắc khác nhau, tương phản nhau, tựa như có nhiều nhạc công với những nhạc cụ khác nhau trong cây đàn 21 dây này của tôi. Bởi vậy tôi đã quyết định tạo ra nó” - anh phân tích.

Vừa giải thích cho tôi về công năng mới của cây đàn guitar 21 dây, nghệ sĩ Việt Anh vừa chơi một vài đoạn nhạc để thị phạm. Nhờ một chút hiểu biết về âm nhạc mà tôi thấy nó thực sự khác biệt và ấn tượng.

Anh tâm sự: “Không biết tôi có tham lam quá không nhưng tôi vẫn chưa cho nó được dừng lại ở đó. Tôi muốn mang đến cho nó công năng như một cây đàn keyboard để có được cả ngàn âm sắc của hầu hết các loại nhạc cụ đã có trên đời.

Nó có thể trở thành một cây đàn mộc, không chỉ để độc tấu mà còn mô phỏng được một ban nhạc khoảng bốn người chơi, mà âm nhạc và âm thanh luôn đảm bảo về chất và lượng, diễn tấu đa dạng, âm thanh dày dạn, âm sắc, màu sắc phong phú. Nó phải đạt được từng đấy tiêu chí tôi mới tạm dừng”.

Câu chuyện cứ thế kéo dài mãi, tôi như bị kéo theo sự đam mê của chàng nghệ sĩ tài hoa này, còn Việt Anh thì đang bị những đam mê âm nhạc kéo đi trên con đường dài bất tận. Điều đó thật dễ hiểu bởi những nghệ sĩ chân chính, giàu sức sáng tạo đều chọn con đường khó khăn, và hay đơn độc.

Minh Hòa

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ke-lang-du-voi-cay-dan-guitar-ky-cuoi-252586.html