Kẻ lừa đảo dán mã QR tài khoản cá nhân lên hòm từ thiện để mọi người chuyển nhầm

Người đàn ông này đã bị phát hiện dán đè mã QR tài khoản ngân hàng của mình lên mã QR ở các hòm từ thiện. Do đó, khi có người quét mã và chuyển tiền mà họ nghĩ là dành cho công việc từ thiện thì tiền đó lại được chuyển thẳng tới tài khoản của kẻ lừa đảo. Đến cư dân mạng cũng choáng vì kiểu gian lận mới và tinh vi này.

Có những kiểu lừa đảo mà nếu không có bằng chứng thì đúng là ít người nghĩ ra được.

Mới đây, một người đàn ông Indonesia đã bị phát hiện dán những hình mã QR lên các thùng từ thiện ở một số cơ sở tôn giáo tại Jakarta. Anh ta thực hiện việc này vào ngày 6/4, nhưng phải vài ngày sau mới bị phát hiện, theo kênh tin tức Berita Satu.

Trong hình ảnh từ camera, người này tiến tới các hòm từ thiện của cơ sở tôn giáo, nhìn ngó xung quanh rồi nhanh tay dán những tấm đề-can (sticker) có mã QR đè lên mã được dán sẵn ở các hòm đó.

Dán rất nhanh. Ảnh: Instagram.

Dán rất nhanh. Ảnh: Instagram.

Thực tế, hẳn đã không ai chú ý đến việc này nếu không có một người thấy có tấm đề-can in mã QR được dán cả trên tường nên hỏi người quản lý cơ sở tôn giáo ấy. Người quản lý thừa nhận rằng mình không biết ai đã dán mã QR lên tường. Thế nên họ mới kiểm tra và nhận ra những tấm đề-can in mã QR “dỏm" đã được dán lên các hòm từ thiện đặt tại cơ sở.

Sự việc được báo cảnh sát và 2 ngày sau, thủ phạm đã bị bắt, theo CNN Indonesia.

Thủ phạm dán mã QR "dỏm" ở nhiều nơi. Ảnh: Kompas TV.

Thủ phạm dán mã QR "dỏm" ở nhiều nơi. Ảnh: Kompas TV.

Người này khai đã in mã QR tài khoản ngân hàng của mình thành các miếng đề-can và dán tại 38 nơi khác nhau, bao gồm các cơ sở tôn giáo lớn, ngân hàng và trung tâm thương mại. Trên mã QR mà người này dán ở cơ sở tôn giáo - nơi đã phát hiện sự việc - còn có in dòng chữ: “Trùng tu cơ sở tôn giáo”, nên chắc chắn những người muốn chuyển tiền từ thiện sẽ chẳng nghi ngờ gì.

Mã "dỏm" (bên trái) và mã thật (bên phải) - nhưng nhìn mã QR thì đâu có ai phân biệt được thế nào là "dỏm". Ảnh: Instagram.

Mã "dỏm" (bên trái) và mã thật (bên phải) - nhưng nhìn mã QR thì đâu có ai phân biệt được thế nào là "dỏm". Ảnh: Instagram.

Phía cảnh sát cho biết, thủ phạm tên là Mohammad Iman Mahlil Lubis, từng là nhân viên của Bank Rakyat Indonesia (BRI) - một trong những ngân hàng lớn nhất ở Indonesia - trong 12 năm, thậm chí còn giữ chức vụ quản lý trong 5 năm. Sau đó, anh ta chuyển sang làm giám đốc điều hành ở bộ phận Kiểm tra và Điều tra Gian lận Kinh doanh của công ty AFL.

Hiện chưa biết Mohammad đã nhận được bao nhiêu tiền do lừa đảo bằng mã QR. Phía cảnh sát nói anh ta mới bắt đầu dán những mã QR này từ đầu tháng 4, nhưng đã có một số nạn nhân báo cáo là đã chuyển tiền theo mã QR “dỏm” đó rồi.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/ke-lua-dao-dan-ma-qr-tai-khoan-ca-nhan-len-hom-tu-thien-de-moi-nguoi-chuyen-nham-post1526139.tpo