Kế Môn kim hoàn ký
Đến Kế Môn, tôi được trải nghiệm bức tranh đầy màu sắc của một làng nghề cổ nhưng cực kỳ phát triển.
“THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC… LÀNG”
Cũng khá lâu rồi tôi mới trở lại Điền Môn, nơi được xem như cái nôi nghề kim hoàn Việt Nam. Làng cách trung tâm TP Huế chừng 40 cây số về phía Đông Bắc thuộc xã Điền Môn của huyện Phong Điền. Kế Môn như một phố thị giữa làng quê thanh bình. Làng có cả “đại lộ” bê tông, công viên với những khóm hoa rực rỡ, thư viện, xe hơi, trung tâm thương mại, nhà dưỡng lão tấp nập xe hơi… nên người địa phương gọi vui Kế Môn là “thành phố trực thuộc… làng”.
Bí thư, Chủ tịch xã Điền Môn Đặng Hữu Danh vào chuyện… Nếu như trước đây để đến làng Kế Môn phải đi đò, đi xe ròng rã thì nay đường làng được bê tông tươm tất, xe hơi vào đến nhà thật tiện lợi. Vùng đất này càng được thay da đổi thịt với sự chung tay đóng góp từ những người con xa quê. Kế Môn có lẽ là ngôi làng độc đáo duy nhất ở xứ ta cũng chả quá lời với đường Nguyễn Thanh Côn ở mặt tiền làng, áp ngay sau đình làng mà bà con gọi vui “đại lộ Nguyễn Thanh Côn”, nối nhịp dài bắt mắt 16 nhà thờ họ Hoàng Ngọc, Hoàng Thành, Trần Đình, Trần Duy, Trần Văn, Trần Đăng, Hồ, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đặng…khang trang, bề thế. Ông Côn người Kế Môn, thợ vàng Việt kiều ở Mỹ đã tặng làng xây con đường có ghế đá đặt dài 2,4 cây số này. Làng quy định tất tật đường xóm đều rộng 6 m, gắn bảng sơn xanh chữ in trắng nghiêm ngắn. Súc vật gia cầm lỡ phóng uế xuống đường bê tông thì gia chủ tự giác giải phóng, không thì bị phạt theo hương ước văn hóa làng đã ban.
Kế Môn có thư viện làng được quen gọi Thư viện Hồ Huệ. Ông Huệ người làng hiện ở Sài Gòn đầu tư, góp phần mọn khai trí của người con xa xứ. Chùa Một Cột trong khuôn viên tộc họ Hồ. Trung tâm thương mại Điền Môn nơi được xem là chợ làng lớn nhất nước cũng ông Hồ Huệ đứng ra quyên góp và vận động xây dựng. Rồi đình làng Kế Môn, đình làng to nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế...
Vietkings (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Hội Kỷ lục gia Việt Nam) công bố Top 20 làng nghề truyền thống Việt Nam nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo và tinh xảo, trong đó có làng nghề kim hoàn Kế Môn (Huế). Kế Môn được xem là cái nôi của nghề kim hoàn Việt Nam.
Rất nhiều ngôi nhà đẹp, tỉa tót mê ly nhưng đều cửa đóng then cài. Hỏi ra mới hay, chủ nhân hiện ở Mỹ, Úc, Canada, Sài Gòn, Đà Lạt… Tết nhất lễ lạt mới về. Làng như hội, con cháu 4 phương trời tụ họp là ngày chạp mả rằm tháng Chín âm lịch. Biệt thự Duy Xuân Viên của ông Duy Mông ở làng kiến trúc hiện đại pha trộn phong cách Âu Á ở đường Nguyễn Thanh Côn. Đóng cửa. Ông hiện ở đường Mai Thúc Loan, hiệu vàng nổi tiếng tại Huế. Thi thoảng nhà ông từ phố phóng xe con về làng.
Anh Hoàng Thành Đờn, là người quen cũ, thợ vàng Cty Vàng bạc đá quý Quảng Trị, nay hồi hưu về an cư tại làng, dẫn tôi ra cánh đồng bao la bát ngát trước mặt còn dềnh nước, áp sông Ô Lâu ra phá Tam Giang có Di tích lịch sử Cồn Nổi. Cạnh đó có xây linh vật tưởng niệm đe và búa thợ kim hoàn. Anh Đờn bảo, đã thành lệ bao đời nay, người làng trước lúc khăn gói đi lập nghiệp làm ăn xa đều ra đây khấn vái tạ từ. Ngày về, trước khi bước chân qua cổng làng, việc đầu tiên là đến Cồn Nổi này lạy làng, lạy tổ tông đã về.
CÁI NÔI NGHỀ KIM HOÀN VIỆT
Công nhận trí nhớ cụ Bùi Dây quá tuyệt, khi ở tuổi 90. Cụ nguyên Trưởng Ban điều hành làng. Cụ kể, theo sử sách xưa còn ghi lại làng Kế Môn được thành lập vào thế kỷ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông. Kế Môn nằm bên phá Tam Giang, cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá. Năm 1789, đại phá quân Thanh xong, vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân-Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề kim hoàn lúc đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng kế Môn nên sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây.
Từ đó, kim hoàn ở Kế Môn được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo nên có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác. Các kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
Cụ Bùi Dây bảo, hơn 200 trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới. Người làng Kế Môn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước. Hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn. Ở Huế, các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự.
Ngày nay, dù con dân Kế Môn đã tỏa đi xa nhưng có lẽ Huế mới thật sự là cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn phát triển khi còn giữ được dấu ấn lịch sử của một thời vang bóng. Ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ ở đất Thần Kinh thì cũng chỉ có đến Huế du khách mới có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống. Để tưởng nhớ và tôn vinh nghề kim hoàn, cụ đồ An có viết bài thơ “Tặng người thợ bạc” treo kỷ niệm tại Từ đường nhà thờ tổ. “Lò bạc nghe ra tiếng cũng thèm/ Ngày ngày luyến tiếp khách hàng sang/ Dát hàn theo thế hình long hổ/ Đầu chạm làm nên cảnh phụng loan/Lắm thuở cầm cung day mũi bạc/ Từng phen lên ngựa trải ngàn vàng/ Rao tài bủa vớt oai lừng lẫy/ Nghề nghiệp lâu dài vững đặc san”.
… Anh cán bộ trẻ Hồ Trường Thiên Vũ, phụ trách mảng văn hóa-xã hội xã Điền Môn, là người Kế Môn, đã tiếp thêm mạch lý thú hấp dẫn về làng mình rằng, về Kế Môn, có dịp đi chân trần trên bãi cát trắng tinh sơ, hít thở không khí mát rượi từ đồng lúa bạt ngàn, được nghe từ địa phương rặc mà ngay cả người Huế lâu năm về còn nghe ngờ ngợ nữa, mới thấm thía hai chữ "quê hương"...
Kế Môn có những vị học hành đỗ đạt cao, là tấm gương sáng cho con cháu muôn đời sau như Nguyễn Thanh Oai, đỗ Đại khoa Tiến sĩ năm 1843; Trần Dĩnh Sĩ, đỗ Đại khoa Tiến sĩ năm 1894… Làng có 4 Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mèo, Lê Thị Giủa, Trần Thị Con, Lê Thị Chí.
Cụ BÙI DÂY
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ke-mon-kim-hoan-ky-1789842.tpo