'Kẻ thù lớn nhất của Mỹ' trở thành gương mặt cải cách Iraq
Giáo sĩ Hồi giáo từng tuyên bố tấn công nước Mỹ là nhiệm vụ thiêng liêng của các tín đồ Shiite giờ đây là nhà dân túy chống tham nhũng
Trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Iraq sau khi đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), liên minh của giáo sĩ Hồi giáo Moktada al-Sadr đã giành số ghế cao nhất. Từ “kẻ thù lớn nhất của Mỹ tại Iraq”, ông Sadr trở thành gương mặt cải cách của Iraq với khả năng gắn kết các giáo phái trong một xã hội vốn bị chia rẽ sâu sắc.
Sau một thập kỷ, người dân Iraq vẫn bị ám ảnh bởi những kí ức về “binh đoàn đen chết chóc” lang thang dọc các con phố Baghdad để tiêu diệt người Hồi giáo Sunni.
Phần lớn các vụ thảm sát tại thủ đô được thực hiện dưới tay Moktada al-Sadr, vị giáo sĩ nổi tiếng với những bài thuyết giáo nảy lửa tuyên bố tấn công nước Mỹ là nhiệm vụ thiêng liêng của các tín đồ Shiite.
Người đàn ông “quỷ dữ” từng bị nước Mỹ coi là một trong những mối đe dọa đến sự hòa bình và ổn định của Iraq đã giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 12/5. Khối liên minh chính trị do ông Sadr dẫn đầu giành được số ghế cao nhất trong cuộc bầu cử.
Trước khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, ông Sadr, người không tham gia tranh cử chức thủ tướng, đã tuyên bố rõ những người ông coi là đối tác. Sự vắng mặt của các liên minh thân với Iran trong danh sách này cho thấy ông quyết tâm tách mình khỏi những nhà bảo trợ cũ tại Iran. Ông hiện nhìn nhận sự can thiệp của họ như một nguồn cơn bất ổn trong chính trị Iraq.
Dù ông Sahr đang chiếm lợi thế, không có gì đảm bảo việc liên minh của ông sẽ lên nắm quyền. Hiện tại, vẫn còn quá sớm để kết luận ý nghĩa của cuộc bầu cử đối với sự ổn định của Iraq hay mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền tảng giáo phái của hệ thống chính trị Iraq đang suy yếu, ông Sadr đã thay đổi hình ảnh từ một thủ lĩnh quân sự mẫu mực của người Hồi giáo Shiite thành biểu tượng không ngờ của cải cách và chủ nghĩa dân tộc Iraq. Ông đã trở thành một nhà dân túy, một người chống tham nhũng nổi tiếng với thông điệp “Iraq trước tiên”.
Đối với các thành viên của liên minh, bao gồm cả những người từng coi ông là kẻ thù, ông Sadr phải chứng tỏ sự thay đổi của mình xuất phát từ lòng chân thành và có tính lâu dài.
IS là nguyên nhân của sự thay đổi
Theo người phát ngôn của ông Sadr, sự thay đổi của ông bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị do phiến quân IS gây ra từ khi IS chiếm đóng phần lớn miền Bắc và Tây Iraq. Tình trạng bạo lực liên tiếp dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn nhận của công chúng: họ tin rằng chủ nghĩa giáo phái là mầm mống của mọi khổ đau.
Ông Sadr đã mô tả sự thay đổi trong triết lý chính trị của mình bằng những thuật ngữ thực tế. Ông chia sẻ trên kênh truyền hình riêng rằng ông sẽ đưa những chuyên gia, chứ không phải những tín đồ của giáo phái, lên nắm quyền để xây dựng những thể chế nhà nước phục vụ người dân thay vì các nhà chính trị gia.
“Chúng ta đã thử chủ nghĩa Hồi giáo và đã thất bại một cách tồi tệ”, ông Sadr tự lên án chính mình. “Vậy chúng ta hãy thử một cách khác mà trong đó, dù bạn theo giáo phái nào, chỉ cần làm việc hiệu quả thì bạn có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo”.
Bên cạnh đó, thủ lĩnh 45 tuổi còn thực hiện chính sách đối ngoại “Iraq trước tiên”. Ông không chỉ tập trung sự chống đối vào Mỹ như trước mà nay chỉ trích cả Iran, hai thế lực luôn muốn gây ảnh hưởng tại Iraq. Ông cũng xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nhà đồng minh của Mỹ tại thế giới Arab. Ông Sadr của hiện tại khác xa so với người mà cựu tổng thống Mỹ George W. Bush từng gọi là “kẻ thù lớn nhất của Mỹ tại Iraq”, xếp ngang hàng với tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Các nhà ngoại giao phương Tây, kể cả những quốc gia có binh lính từng bị lực lượng của ông Sadr sát hại, cũng sẵn sàng dẹp bỏ quá khứ để hướng tới mục đích chung là ngăn chặn ảnh hưởng của Iran.
Nhiều người dân Iraq, đặc biệt là những người Hồi giáo Sunni, tỏ ra ngờ vực trước lập trường mới của ông Sadr. Tuy nhiên, một số người Sunni vẫn bỏ phiếu cho liên minh của ông Sadr trong cuộc bầu cử. Một liên minh cầm quyền bao gồm đại điện của cả hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni chính là biểu tượng cho sự kết nối của một xã hội bị chia rẽ sâu sắc bởi giáo phái.
Bộ mặt trong quá khứ
Người dân Iraq lần đầu tiên biết đến cái tên Moktada al-Sadr sau khi Mỹ chiếm quyền kiểm soát Baghdad năm 2013. Giữa bạo loạn, ông Sadr hiện lên như người hùng Robin Hood khi điều động dân quân phân phát thức ăn cho người nghèo và bảo vệ người Hồi giáo Shiite khỏi hành động “xâm lược” của Mỹ.
Tuy nhiên, sự tôn trọng dành cho ông Sadr giảm dần theo thời gian. Lực lượng của ông được biết đến nhiều hơn với các hoạt động xã hội đen như bắt cóc tống tiền kể cả khi đang ở trong khu dân cư người Shiite. Sự phẫn nộ của người dân đã khiến ông Sadr phải qua Iran tránh nạn năm 2007.
Vào năm 2008, cuộc chiến đẫm máu giữa lực lượng dân quân và lực lượng an ninh Iraq, điều động bởi cựu thủ tướng Maliki, đã khiến gần một nghìn người thương vong. Ông Sadr sau đó ra lệnh cho lực lượng của mình “ngủ đông” nhưng yêu cầu họ không dỡ bỏ vũ khí.
Đến năm 2012, ông Sadr sau khi trở về từ Iran đã lấy lại được tầm ảnh hưởng và dẫn đầu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông Maliki. Cuộc vận động này đã kéo Iraq vào cuộc khủng hoảng mới.
Mối liên minh kì lạ
Sau đó, cuộc khủng hoảng toàn quốc khác nổ ra vào năm 2014 khi IS chiếm hơn 1/3 lãnh thổ Iraq. Ông Sadr đã kêu gọi lực lượng dân quân của mình quay trở về tuyến đầu và song hành cùng lực lượng an ninh Iraq và binh lính Mỹ nhằm chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó, ông dành sự chú ý cho phong trào biểu tình quy mô nhỏ tại thủ đô được điều hành bởi phe cánh tả và những người theo chủ nghĩa thế tục. Ông Sadr đã tìm thấy tiếng nói chung trong các cuộc biểu tình diễn ra tại quảng trường Tahrir ở Baghdad nhằm chống lại sự bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng và sự thiếu vắng của các nhu cầu thiết yếu như điện và bảo hiểm y tế xã hội.
Họ đã bị chính quyền Iraq phớt lờ, nhưng ông Sadr nhìn nhận những yêu cầu của họ như một phần của mục tiêu cải thiện công việc và dịch vụ chính trị của ông. Vì vậy, ông đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với những nhóm này bất chấp sự khác biệt về giáo phái.
Trợ lý thân cận nhất của ông Sadr, ông Dhia’a Assadi, đánh giá hành động này là chân thành và hợp lý. “Ông ấy luôn sẵn sàng trở thành tiếng nói của người dân nghèo”, ông Assadi nói. “Ông Sadr nhận định rằng vì lợi ích chung của người dân Iraq, những người có cùng lý tưởng phải sát cánh cùng nhau".
Trong hai năm qua, những người ủng hộ ông Sadr đã đồng hành cùng các tầng lớp trong các hoạt động biểu tình. Sau cùng, mỗi thành viên đều hiểu rằng Iraq cần một thủ lĩnh như ông Sadr để hướng tới sự biến chuyển rõ rệt trong kinh tế và chính trị.
“Moktada al-Sadr là hiện thân của cải cách thì sao?”, ông Fahmi nói. “Tôi không quan tâm, miễn là có cải cách. Ông ấy có khả năng thúc đẩy và khuyến khích hàng triệu người”.
“Nếu xã hội của chúng tôi được cải thiện nhờ ông ấy”, ông nói thêm. “Tôi sẽ là người đầu tiên chúc mừng ông Sadr”.