Kế thừa và phát huy truyền thống Báo chí Vùng mỏ
Ngày 13/1, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm ra đời báo Than (1928-2023), 60 năm Báo Quảng Ninh ra số đầu (1964-2024), 40 năm phát sóng truyền hình Quảng Ninh (1983-2023) và 5 năm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (2019-2024).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; lãnh đạo các báo Đảng, Đài Phát thanh-Truyền hình các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm nêu bật: “Lửa báo than sáng niềm tin thợ mỏ, sáng trong tim người làm báo Quảng Ninh” - ngọn lửa ấy là kim chỉ nam cho bao thế hệ những người làm báo Vùng mỏ tiếp bước cha anh giữ đúng niềm tin chân lý, giữ đúng tôn chỉ mục đích là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, trong Kỳ họp thứ 7 đã nhất trí thông qua Nghị quyết "Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới" lấy tên là tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 31/12/1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh có Nghị quyết số 03-NQ/TU đổi tên tờ báo Vùng mỏ - cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam khu Hồng Quảng thành Báo Quảng Ninh - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Ngày 2/1/1964, số báo Quảng Ninh đầu tiên đã ra mắt bạn đọc.
Tổng biên tập, Giám đốc Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn cho biết, trong lịch sử báo chí cách mạng, Báo Than là tờ Báo Đảng địa phương đầu tiên của Việt Nam, là tiền thân của Báo Quảng Ninh ngày nay; từ số ra đầu tiên, đến nay báo in Quảng Ninh đã tròn 60 năm ra số đầu,
Gắn mình với thực tiễn phong phú, sôi động của tỉnh và hơn 35 năm đổi mới, Báo Quảng Ninh không ngừng phát triển, xứng đáng là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh, xứng đáng kế tục và phát huy truyền thống báo chí cách mạng có bề dày 95 năm của Vùng mỏ bất khuất.
Đến nay, thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện, bên cạnh phát huy thế mạnh, ưu thế riêng, báo in Quảng Ninh từng bước có sự đổi mới trong cách đưa tin, tiếp cận thông tin, nhất là tích hợp giữa các loại hình, thực hiện đa phương tiện, đa nền tảng để thu hút công chúng.
Nhiều tác phẩm báo in được dựng E-magazine, Infographic… tích hợp với báo điện tử, điện thoại thông minh, đăng tải trên các trang mạng xã hội, được đông đảo bạn đọc truy cập. Lượng phát hành báo cũng tăng nhanh từ 5.000 đến 6.000 bản mỗi kỳ năm 1999 lên 7.700 bản năm 2001 và hiện nay là 8.000 bản mỗi kỳ.
Không chỉ là địa phương sớm ra đời báo chí cách mạng với tờ Báo Than, truyền hình Quảng Ninh cũng ra đời sớm nhất ở phía bắc, chỉ sau Truyền hình Việt Nam và trước cả truyền hình Hà Nội, Hải Phòng. Với thời lượng phát sóng liên tục 24/24 giờ/ngày, đến nay, 2 kênh truyền hình QTV1, QTV3 đã chuẩn hóa tiêu chuẩn phát sóng HD bảo đảm an toàn, tương đồng với các kênh sóng của các Đài truyền hình lớn trong cả nước. Tất cả các chương trình, sự kiện của tỉnh luôn có cánh sóng truyền hình Quảng Ninh đồng hành, góp phần đưa hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo, đổi mới và đầy khát vọng đến với mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.
Năm 2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động sau khi hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Phòng Biên tập, Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đây là Trung tâm Truyền thông cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước hoạt động theo Luật Báo chí và Quy hoạch Báo chí quốc gia nhằm phát triển sự nghiệp thông tin, tuyên truyền, báo chí của tỉnh, thực hiện có hiệu quả mô hình "Tòa soạn hội tụ”.
Với mô hình “Tòa soạn hội tụ”, Trung tâm hiện đang duy trì ổn định các kênh truyền thông trên cả 4 loại hình báo chí truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, gồm: 2 kênh truyền hình (QTV1, QTV3), 2 kênh phát thanh (QNR1, QNR2), Báo in Quảng Ninh hằng ngày, Báo Quảng Ninh cuối tuần, Báo Hạ Long, Đặc san Hoa Sen, Báo Quảng Ninh điện tử, App Quảng Ninh Media, kênh youtube- Quảng Ninh TV, Fanpage-QMG Tin tức Quảng Ninh 24/7, kênh Tiktok, Zalo và vận hành trang chủ Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chúc mừng 4 dấu mốc quan trọng của báo chí Quảng Ninh trong suốt chặng đường phát triển của mình; khẳng định, báo chí Quảng Ninh đi những bước rất sớm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam và có một lịch sử rất hào hùng.
Đồng chí nêu rõ, những thành tựu của báo chí Quảng Ninh trong suốt chiều dài lịch sử không phải cơ quan báo chí nào cũng đạt được. Đặc biệt, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sau 5 năm thành lập đã khẳng định hướng đi đúng, thành công và hoạt động hiệu quả với mô hình Tòa soạn hội tụ.
Đồng chí Lê Quốc Minh cũng lưu ý, trong xu thế phát triển báo chí hiện đại ngày nay với công nghệ số và các nền tảng xã hội, các cơ quan báo chí chính thống cần tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, định hướng dư luận, đặc biệt là luôn làm tròn sứ mệnh của mình là tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Đồng chí mong muốn báo chí Quảng Ninh tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong suốt chiều dài phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân vùng mỏ và cả nước.
Chúc mừng kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: nói đến sự phát triển của Quảng Ninh không thể không nói đến đóng góp của những người làm báo của tỉnh đó là sự lớn mạnh cả về đội ngũ, loại hình, phạm vi ảnh hưởng, số lượng, chất lượng gắn với các tên gọi thân quen Báo Than, Báo Hải Ninh, tờ Vùng Than, tờ Vùng Mỏ và sau này là Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh là một dấu mốc đặc biệt quan trọng nằm trong xu thế vận động, phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông hiện đại dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; chứa đựng tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị đúng đắn của tỉnh; được Trung ương đồng tình, ủng hộ.
Việc tổ chức hoạt động của một mô hình mới, chưa có tiền lệ, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn trao trách nhiệm chính trị để qua khó khăn, thử thách, áp lực công việc hằng ngày trở thành cơ hội để rèn luyện, tôi luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực, năng lực sáng tạo, năng lực chuyên môn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Trung tâm.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ báo chí Quảng Ninh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã trao tặng tập thể cán bộ, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết-Sáng tạo-Bản lĩnh-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nhân văn-Hiện đại”.
Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tặng bằng khen cho các tập thể, cán bộ, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ke-thua-va-phat-huy-truyen-thong-bao-chi-vung-mo-post791917.html