Kế toán trưởng Công ty AIC ra đầu thú được đề nghị xem xét khoan hồng
Sau hơn một năm bỏ trốn theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC, sau khi đầu thú, Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng được đề nghị xem xét khi lượng hình.
Bỏ trốn theo chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn
CQĐT Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án gian lận thầu trong Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, và anh trai Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng cùng 12 bị can khác bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
2 bị can còn lại bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Lương Văn Tám, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án, Sở Y tế Quảng Ninh và Lê Thị Phú, cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh.
Theo kết luận, bằng các chiêu trò gian lận đấu thầu, nâng giá các thiết bị, bà Nhàn và các bị can liên quan đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Trước khi vụ án khởi tố, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn và chỉ đạo thuộc cấp gồm Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc; Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban 3; Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phần Thư ký tài chính Công ty AIC bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Trong đó, Đỗ Văn Sơn bỏ trốn và bị truy nã từ tháng 7-2022. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết sau một năm lẩn tránh pháp luật, bị can này đã ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Thành khẩn khai báo, hợp tác với CQĐT
Tại CQĐT, Sơn đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình cũng như vai trò của các bị can khác.
Theo đó, Sơn được bà Nhàn bổ nhiệm làm kế toán trưởng Công ty AIC từ năm 2008. Tại dự án Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, theo chỉ đạo của bà Nhàn, Sơn giao cho Lê Thị Hương, Phó phòng kế toán điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính từ năm 2010-2012.
Việc điều chỉnh nhằm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn trên 1, tăng vốn chủ sở hữu của Công ty AIC và hợp thức hóa báo cáo tài chính đã chỉnh sửa số liệu. Tiếp đó, chuyển cho Công ty kiểm toán KTV tiến hành kiểm toán rồi đưa vào hồ sơ dự thầu.
Sau đó, ông Sơn chỉ đạo lại Lê Thị Hương, Phó phòng kế toán. Khi bà Hương bảo ''bây giờ làm sao điều chỉnh được'' thì ông Sơn trả lời ''mình không còn cách nào khác phải làm thôi''.
Bà Hương và ông Sơn tiến hành chỉnh sửa các số liệu rồi đưa bà Nhàn xem, duyệt ký để đưa vào hồ sơ dự thầu.
Quá trình hỏi cung, ông Sơn thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. CQĐT xác định ông Sơn giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn gian lận, cung cấp thông tin không trung thực về năng lực tài chính, đảm bảo cho Công ty AIC trúng 3 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 20 tỉ đồng.
Trong vụ án, ông Sơn và bà Hương đều bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Do ông Sơn đã thành khẩn khai báo, hợp tác với CQĐT nên kết luận đề nghị xem xét khi lượng hình.
Công ty Kiểm toán KTV không biết việc chỉnh sửa số liệu ở Công ty AIC nên CQĐT không xem xét trách nhiệm.