Kẻ trong quan tài dựng đứng và sự hiếu sát tàn ác khi còn sống (P2)
Nói về sự hiếu sát của Trần Bá Lộc, Toàn quyền người Pháp Paul Doumer khi nhận xét về Tổng Lộc cũng bày tỏ sự kinh sợ.
Chuyện kể ở Cai Lậy
Ở trung tâm TX.Cai Lậy (Tiền Giang) có 1 khu lăng mộ được người dân cung kính gọi là Lăng Tứ Kiệt, được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1999. Lăng Tứ Kiệt là nơi thờ cúng 4 vị anh hùng chống Pháp là Trần Công Thận (quê xã Long Khánh, Cai Lậy); Nguyễn Thanh Long (quê xã Cẩm Sơn, Cai Lậy); Ngô Tấn Đước (quê Tân Hội, Cai Lậy) và Trương Văn Rộng (quê Tân Lý Tây, Châu Thành, Tiền Giang). Bốn ông Thận, Long, Rộng, Đước là những người tự nộp mình để cứu hàng trăm dân lành vô tội và bị Tổng đốc Trần Bá Lộc ra lệnh xử chém vào ngày 14.2.1871 tại chợ Cai Lậy.
Theo các tài liệu lịch sử, cuộc khởi nghĩa Tứ Kiệt ở Cai Lậy do 4 ông Thận, Long, Rộng, Đước chỉ huy, diễn ra từ năm 1868 đến năm 1871. Các ông Thận, Long, Rộng, Đước thực chất là lính triều đình Huế, từng tham gia chiến đấu chống Pháp trong căn cứ Gò Tháp Mười của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Kiều. Sau khi căn cứ Đồng Tháp Mười bị quân Pháp đánh bại, 4 ông lưu lạc khắp nơi để tránh sự truy lùng của giặc Pháp. Đến năm 1868, các ông về Cai Lậy, chiêu mộ quân lập căn cứ chống Pháp.
Do đã từng kinh qua chinh chiến và thiện nghệ lối đánh du kích dựa vào đồng ruộng, bưng biền, vườn cây trái, nên dù vũ khí thô sơ, 4 ông và nghĩa quân đã gây ra nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Hai chiến công của nghĩa quân Tứ Kiệt còn được nhiều người truyền tụng là cuộc tấn công khuya 1.5.1868, đích thân 4 ông chỉ huy nghĩa quân trèo tường vào thành Mỹ Tho, phóng hỏa tiêu hủy toàn bộ kho lương thực của quân Pháp. Chiến công thứ 2 diễn ra vào đêm Giáng sinh 24.12.1870, trong lúc giặc Pháp và bọn tay chân thân tín đang say sưa ăn nhậu mừng năm mới thì 4 ông chớp thời cơ, chỉ huy nghĩa quân tấn công thiêu hủy đồn Cai Lậy và dinh Tham biện.
Không dẹp được nghĩa quân Tứ Kiệt, nên người Pháp yêu cầu Tổng đốc Lộc, lúc đó là chủ quận Cái Bè, đích thân cầm quân. Tổng đốc Lộc đem quân từ Cái Bè về Cai Lậy, dùng nhiều kẻ chỉ điểm thân tín theo dõi hành tung, các cuộc chuyển quân, những nơi đóng quân của nghĩa quân Tứ Kiệt. Tổng đốc Lộc đích thân chỉ huy nhiều lần bao vây tấn công nghĩa quân, nhưng liên tiếp nhận thất bại. Cuối năm 1870, do bị chỉ điểm nên các ông Thận, Long, Rộng, Đước cùng gần 200 nghĩa quân bị quân Pháp và quân của Tổng đốc Lộc bao vây. Sau nhiều trận giao tranh ác liệt, quân của Tổng đốc Lộc vẫn không thể đánh thắng nghĩa quân.
Nóng máu, viên Tổng đốc khét tiếng tàn ác ra lệnh bắt toàn bộ gia quyến và dân làng của các ông gồm hàng trăm người già trẻ, bé lớn đem về giam giữ tại Cai Lậy. Viên Tổng đốc Lộc ra tối hậu thư, kỳ hạn trong 3 ngày nếu 4 ông không chịu hạ vũ khí ra đầu hàng thì sẽ cho chém sạch toàn bộ con tin. Thương dân chúng vô tội bị vạ lây, 4 ông và nghĩa quân buông vũ khí đầu hàng và bị bắt giữ. Nhiều ngày liền, các quan chức người Pháp và Tổng đốc Lộc mang bổng lộc, chức tước ra dụ dỗ 4 vị chỉ huy, nhưng bị các ông mắng nhiếc thậm tệ. Không thể dụ hàng được 4 ông Tứ Kiệt, Tổng đốc Lộc ra lệnh xử chém các ông giữa chợ, bêu đầu để răn đe dân chúng.
Tàn ác lừng danh, chém người như chém chuối
Theo sử sách, ở Nam Kỳ Lục Tỉnh bất cứ cuộc khởi nghĩa nào bị quân Pháp đánh dẹp cũng có Tổng đốc Lộc dẫn quân đi theo đàn áp, từ Đồng Tháp Mười, Vũng Liêm (Vĩnh Long), Cầu Ngang (Trà Vinh) đến An Giang, Rạch Giá, Phú Quốc.... Nơi nào Tổng đốc Lộc dẫn quân đi qua, nơi đó có những cảnh tượng hết sức thương tâm: nghĩa quân, dân thường bị sát hại dã man, gia đình nhà cửa tan nát, bị đốt cháy rụi. Nhiều gia đình kinh sợ bàn tay nhuốm máu của Tổng đốc Lộc, đến mức bỏ cả nhà cửa ruộng vườn, bồng bế nhau đi lánh nạn.
Các bậc bô lão còn nhớ, khi Trần Bá Lộc vây bắt nghĩa quân của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân từ vùng Gò Công lên đến Chợ Gạo (Tiền Giang) đã gây kinh động đến mức cọp, chồn, nai chạy tán loạn vào các thôn xóm. Sau việc bắt giữ Thủ khoa Huân, Phó đô đốc Hải quân Pháp De La Grandìere khen ngợi Trần Bá Lộc như sau: “Hãy tiếp tục phụng sự nước Pháp, đất nước mà ông là 1 trong những đứa con đáng tự hào”.
Có thể kể ra đây một số “thành tích” phản nước hại dân của viên Tổng đốc “xem đồng bào là kẻ thù không đội trời chung”: vào tháng 4.1866 trực tiếp tham gia dẫn quân Pháp tấn công căn cứ Gò Tháp (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đánh tan nghĩa quân của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều. Sang năm 1868 dẫn đường cho quân Pháp ra tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang) truy bắt Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Cũng trong năm này, Tổng đốc Lộc dẫn quân từ Cái Bè, Mỹ Tho đến vùng Châu Đốc (An Giang) phối hợp cùng quân Pháp đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do các đệ tử của Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên chỉ huy ở rừng Trà Sư.
Trong năm 1871, Tổng đốc Lộc một lần nữa đích thân cầm quân phối hợp với quân Pháp tấn công đánh phá mật khu Bảy Thưa-Láng Linh (An Giang) của Quản cơ Trần Văn Thành và dẹp tan cuộc khởi nghĩa này. Tháng 2.1872, khi nghĩa quân Cầu Vòng do Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao chỉ huy phục kích giết chết viên Tham biện Vĩnh Long là Salicetti, Tổng đốc Lộc nổi giận xua quân đến tàn sát toàn bộ dân làng và thiêu rụi nhà cửa của họ, vì tội “chứa chấp bọn phiến loạn”.
Ngoài việc đánh dẹp nghĩa quân ở miền Tây Nam Bộ, Tổng đốc Lộc còn hăng hái nhận lệnh của người Pháp đưa quân ra miền Trung đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương ở Phú Yên và cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định vào năm 1887… Chính từ việc lập đại công đánh dẹp 2 cuộc khởi nghĩa này mà Tổng đốc Lộc được người Pháp ban thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh và chức Tổng Đốc Thuận Khánh.
Sách Việt Nam sử lược có ghi về Tổng đốc Lộc như sau: “Trần Bá Lộc dùng phương cách dữ dội, chém giết rất nhiều, bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên; rồi đem quân ra dẹp đảng Văn Thân ở Phú Yên và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận đem chém. Nên từ tháng 6 năm Bính Tuất (1886) đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1887) những tỉnh ở phía Nam đất kinh kỳ đã dẹp yên”. Còn Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi nhận xét về Tổng Lộc cũng bày tỏ sự kinh sợ: “Ông ta bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù, chỉ chặt đầu y như quân lịnh, chém người như chém chuối, chém không chừa một ai. Nếu muốn xử sự nhân nghĩa thì thà đừng sai hắn (ám chỉ Lộc) cầm binh”, đủ thấy mức độ tàn bạo, khát máu của ông ta.
Một viên tham biện người Pháp tên Durrwell nhận xét về Trần Bá Lộc như sau: “Lộc đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa, thẳng tay dùng bạo lực để dẹp các cuộc bạo động. Lộc chém giết các nghĩa quân dã man hơn cả người Pháp rất nhiều, nên dân chúng người Việt luôn oán hận. Để dẹp tan các cuộc khởi nghĩa, Lộc bắt cha mẹ, vợ con các lãnh tụ nghĩa quân phải chỉ chỗ họ ẩn núp, kêu họ ra đầu thú, nếu không đạt mục đích, Lộc sẵn sàng hạ sát người thân của họ. Đối với Lộc, phương tiện nào cũng tốt, miễn đạt tới mục tiêu thì thôi”.
Ngoài việc thẳng tay chém giết đồng bào, Tổng đốc Lộc còn ra sức vơ vét của cải, đất đai, trở thành viên quan giàu có nhất Nam kỳ. Trong đời, Tổng đốc lộc có 1 con trai cũng ra làm quan và cũng bạo ngược như cha. Tuy nhiên, khi 2 cha con Tổng đốc Lộc chết, toàn bộ tài sản đều tan thành mây khói, chỉ còn sự tàn ác, bạo ngược của cha con ông ta là sống mãi với thời gian.