Kém sang vì quá tiết kiệm?
Tôi tiết kiệm cho gia đình để làm gì khi điều đó chỉ khiến tôi trở nên thấp hèn, xấu xí và sụt giảm giá trị trong mắt chồng?
Mẹ chồng từng bảo, nếu không nhờ tôi khéo thu vén trong ngoài, thì chúng tôi không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Là “fan” của các nhãn hiệu bình dân và thành viên trung thành của các chương trình khuyến mãi ở siêu thị, tôi tự thấy mình không sang chảnh như nhiều phụ nữ khác. Tôi rất yêu mái tóc suôn dày óng mượt của mình nên không muốn phá hỏng nó bằng các loại hóa chất để nhuộm, uốn hoặc duỗi.
Tôi có làn da trắng hồng mịn màng tự nhiên nên không muốn lạm dụng mỹ phẩm. Tôi không sơn móng tay móng chân vì ác cảm với kiểu làm đẹp này không rõ vì nguyên do gì. Với cách sống ấy, những thứ như spa, hàng hiệu, du lịch chỉ là những khái niệm xa xỉ, gia đình tôi tiết kiệm được nhiều khoản đáng kể.
Công bằng mà nói, phụ nữ mà không chưng diện, không nghiện làm đẹp, mua sắm như tôi thuộc diện “xưa nay hiếm”, huống chi giữa thời buổi mọi người đua nhau làm đẹp hình thức để trở nên sành điệu hơn người, nhất là phụ nữ.
Tôi hài lòng với phong cách tối giản của mình nên chẳng lăn tăn khi có ai đó cho rằng xuề xòa, giản dị quá cũng không tốt. Cho đến dạo gần đây, tôi thấy chồng bắt đầu thay đổi.
Có hôm, trong bữa ăn, anh cứ khen chị đồng nghiệp chịu chơi, sành công nghệ khi đổi điện thoại đời mới xoành xoạch, nghe trong lời so sánh chừng như hàm chứa cả sự ngưỡng mộ. Hôm khác, anh buột miệng chê cái váy tôi định mặc đi đám cưới và bảo cô bạn làm cùng phòng không biết mua ở đâu mấy cái váy nhìn sang thế.
Lời nói tưởng vô tình dường như được tích tụ tự bấy lâu. Chợt nhận ra dạo sau này anh ít đưa tôi đi cùng trong các dịp tiệc tùng, họp mặt. Đỉnh điểm là lần tôi phản đối anh bán cặp loa nghe nhạc đang dùng để mua cặp loa mới giá vài chục triệu đồng mà nhóm chơi âm thanh hi-end trên mạng của anh đang tâng bốc.
Anh lớn tiếng cho rằng bấy lâu nay vì tôi mà anh trở nên hèn kém, còn tôi cũng kém sang vì cứ mãi dè xẻn, tiết kiệm, mặc cho tôi ra sức phản biện rằng phải lo cho hai con đang tuổi ăn học nên chưa thể thoải mái ăn xài, hưởng thụ. Anh chốt lại bằng đề nghị tiền ai nấy xài, sau khi đóng góp những khoản chi chung cho con cái.
Sau trận cãi nhau kịch liệt hôm ấy, dẫu chúng tôi chưa thực hiện “chính sách” tiền ai nấy xài, nhưng những gì anh nói đã khiến tôi quyết định thay đổi. Tôi quán triệt câu nói “cái gì mua được bằng tiền thì cứ mua”, miễn thứ đó khiến tôi trở nên đẹp đẽ, bớt hèn kém hơn.
Tôi thuê gia sư để không phải cau có, nổi đóa khi dạy con học. Tôi nối lại liên lạc với đám bạn cũ và bắt đầu tham gia những buổi họp lớp, tụ tập. Tôi mua mới hàng loạt trang phục, giày dép, và chẳng còn quá cân nhắc khi muốn tậu một món đồ dùng trong nhà.
Tôi sẽ không hà khắc với bản thân như đã từng, bởi tôi tiết kiệm cho gia đình để làm gì khi điều đó chỉ khiến tôi trở nên thấp hèn, xấu xí và sụt giảm giá trị trong mắt chồng?