Kền kền đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Rất khó để yêu kền kền. Với cái đầu trọc lóc, sở thích rỉa xác thối, cùng với cái mác 'thợ xử lý rác' của thế giới loài chim, chúng trở thành những kẻ vô cùng đáng ghét. Nhưng trước tình trạng số lượng kền kền đang ngày càng suy giảm, các nhà bảo tồn đang kêu gọi cộng đồng chung tay cứu loài chim săn mồi vốn không được yêu thích này.
Vào đầu những năm 1990, các nhà môi trường ở Ấn Độ bắt đầu nhận thấy kền kền đang suy giảm với tốc độ chưa từng thấy.
Lúc đầu, các nhà bảo tồn cứ tưởng đó là thông tin sai lệch: kền kền là một trong những loài chim có khả năng thích nghi nhất thế giới, có thể tụ tập gần khu vực sinh sống của con người, chúng đóng vai trò như lực lượng dọn dẹp ở thành thị và nông thôn.
Nhưng chỉ trong 15 năm, từ năm 1992 đến 2007, tại Ấn Độ, số cá thể ở ba loài kền kền phổ biến nhất đã giảm từ 97% đến 99,9%. Hậu quả thật thảm khốc: chỉ khi kền kền biến mất, mọi người mới nhận ra công việc quan trọng mà chúng đã làm: dọn dẹp xác chết của gia súc và động vật hoang dã. Xác thối rữa gây ô nhiễm nguồn nước, khiến số lượng chuột và chó hoang quanh quẩn cũng tăng lên, dẫn đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người.
Hơn một thập kỷ sau đó, các nhà khoa học mới phát hiện ra nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất này. Kền kền châu Á chết vì suy thận, do ăn xác động vật có chứa diclofenac, một loại thuốc chống viêm thường được dùng cho gia súc nhưng gây độc cho chim.
Giờ đây, câu chuyện tương tự đang lặp lại ở châu Phi, nơi sinh sống của 11 trong số 16 loài kền kền trên toàn thế giới. Có thể tìm thấy chúng ở các thị trấn và thành phố cũng như trên thảo nguyên, nơi chúng vẫn cần mẫn dọn dẹp xác chết mỗi ngày.
Chết do bị nhiễm độc
Từ Kenya đến Ethiopia, Botswana và Nam Phi, sự hiện diện của những con chim này mang đến cho người dân cảm giác yên tâm, rằng xác động vật sẽ được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng giờ đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy quần thể kền kền Châu Phi cũng đang lao dốc với tốc độ đáng báo động.
Hơn 2.000 kền kền đội mũ (hooded vulture) - một con số đáng kể nếu so với số cá thể kền kền còn sót lại trên toàn thế giới - đã chết ở Guinea-Bissau vào tháng Ba. Nguyên nhân cái chết là do ngộ độc, và các báo cáo cho thấy cái chết của chúng liên quan đến việc buôn lậu các bộ phận của kền kền - nhiều người tin rằng đầu của kền kền là một loại bùa may mắn, giúp họ chống lại các thế lực xấu xa.
Sau hàng loạt vụ việc như vậy, kền kền đội mũ được xếp vào loại “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ. Hiện có 12 loài kền kền được xem là có nguy cơ tuyệt chủng, hay nói cách khác, kền kền là một trong những nhóm chim bị đe dọa nhất trên hành tinh.
Đối với những kẻ săn trộm voi, việc kền kền tụ tập đông đúc quanh xác voi chết có thể đánh động cơ quan kiểm lâm. Vì vậy, bọn chúng thường đầu độc để giết hàng trăm con chim cùng một lúc. Andre Botha, một thành viên của tổ chức Endangered Wildlife Trust Nam Phi, kể lại: “Vào tháng 6 năm 2013, ở vùng Zambezi thuộc Namibia, người ta phát hiện xác của một chú voi. Nhưng điều đáng sợ là xung quanh đó còn có xác của hàng trăm con kền kền đã bị đầu độc.” Gần đây hơn, vào tháng 6 năm ngoái, xung quanh xác một chú voi gần công viên quốc gia Chobe ở Botswana, có 537 con kền kền thuộc 5 loài khác nhau đã chết vì bị đầu độc. Tiến sĩ Steffen Oppel, nhà bảo tồn lâu năm thuộc tổ chức RSPB, người chuyên nghiên cứu về kền kền, cho rằng bên cạnh những vụ cố tình đầu độc, còn có nhiều trường hợp khác là do vô ý. “Để bảo vệ đàn gia súc của mình, người nông dân đã đầu độc chó hoang, sư tử và linh cẩu. Nhưng vô tình, kền kền khi ăn phải xác các loài động vật chết cũng bị ngấm thuốc độc theo.”
Theo Linda van den Heever, người quản lý dự án kền kền của tổ chức BirdLife Nam Phi, tốc độ đô thi hóa tại nhiều quốc gia châu Phi cũng là một yếu tố dẫn đến cái chết của kền kền. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ kéo theo việc xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm. Kền kền – với kích thước lớn – dễ bị va chạm với tua-bin gió, hoặc bị điện giật khi đậu lên đường dây điện.
Chung tay hành động
Các nhóm bảo tồn trên khắp miền đông và miền nam châu Phi đang phối hợp với nhau để giảm thiểu số lượng kền kền chết vì ngộ độc. Họ tổ chức tập huấn cho các nhà quản lý và kiểm lâm cũng như nhanh chóng dọn dẹp xác các loài động vật chết vì nhiễm độc - mặc dù với những khu vực rộng lớn như vậy, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Các chương trình giáo dục cho cộng đồng nông thôn và kế hoạch điều chỉnh, xem xét độ an toàn của các cơ sở hạ tầng hiện nay cũng là những hướng tiếp cận dài hạn khác.
Những hoạt động này đều được nêu ra trong Kế hoạch Hành động nhằm Bảo tồn Kền kền Phi-Á-Âu. Tất cả các quốc gia châu Phi đều sẽ áp dụng kế hoạch này, đồng thời đề xuất một lộ trình để ngăn chặn sự suy giảm cá thể kền kền trong 12 năm tới.
Trước đây, các nước châu Á đã áp dụng những kế hoạch tương tự thành công. Dựa vào đó, một số tổ chức bảo tồn trên khắp miền Nam châu Phi đã hợp tác với nhau để lập nên một liên minh duy nhất, cùng xây dựng hàng loạt Khu vực An toàn dành cho Kền Kền. Họ khuyến khích chủ sở hữu các vùng đất rộng lớn tuân thủ những khuyến nghị nhằm giữ an toàn cho loài chim này, kèm theo đó là đưa ra biện pháp chống nhiễm độc, các dự án giáo dục và đề xuất cách ngăn chặn tình trạng mất môi trường sống – một yếu tố khác gây suy giảm kền kền.
Bước tiếp theo, Botha nói, là vận động chính phủ các quốc gia tham gia hỗ trợ. Để thuyết phục họ, các tổ chức cần nêu ra được những lợi ích lâu dài đối với việc bảo tồn kền kền châu Phi.
Cho đến hiện tại, mọi người vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kền kền, Beckie Garbet thừa nhận. “Kền kền đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, nhưng chúng làm một cách lặng thầm, nên người ta cho rằng việc bảo tồn chúng là không quan trọng. Những gì đã diễn ra ở châu Á là minh chứng rõ ràng nhất về tương lai của chúng ta, nếu số cá thể kền kền ở châu Phi vẫn sẽ suy giảm như tình hình hiện nay.”