Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Theo đó, Ban Thư ký của MRCS đã nhận được công văn thông báo chính thức từ phía Campuchia ngày 8.8.2023 về dự án đường thủy nội địa kênh đào Phù Nam - Techo.
Thông báo nêu rằng mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng tuyến đường thủy dài 180km. Dự án là mở rộng và đào sâu các kênh hiện có, đào một số đoạn mới nối biển với sức tải 1.000 DWT và 3 âu thuyền đường thủy để duy trì mực nước cho giao thông.
Ông Trần Đức Phú, chuyên viên MRCS cho biết sau khi được thông báo, Việt Nam thông qua Văn phòng thường trực Ủy hội Sông Mê Kông Việt Nam đã gửi công văn yêu cầu bổ sung thông tin và dữ liệu do những sự quan ngại của các bên liên quan về các vấn đề tác động của kênh đào này môi trường ở ĐBSCL.
Dự án giao thông thủy Phù Nam - Techo là dự án xây dựng kênh đào nối sông Mê Kông với biển ở Campuchia. Dự án này được chính phủ Campuchia khởi xướng vào năm 2022 với mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay mỗi năm hàng chục triệu tấn hàng hóa Campuchia xuất khẩu đi nước ngoài qua lối sông Cửu Long ở Việt Nam.
Tuyến giao thông thủy dự kiến ở Campuchia có tổng chiều dài khoảng 180km, trên tuyến có 3 cống âu. Kênh được chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 kênh nối sông Mê Kông và sông Bassac dài khoảng 10km, đoạn 2 là sông Bassac (vốn có) dài khoảng 55km, đoạn 3 là kênh nối sông Bassac ra biển dài khoảng 125km.
Các đại biểu dự buổi tham vấn có nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như sau: Phù Nam - Techo dự án lớn và chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông chắc chắn sẽ tác động lớn đến môi trường Campuchia và Việt Nam; dự án thiếu còn thông tin; biến đổi khí hậu và nguồn nước bị chia sẻ với số lượng cực lớn sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường và nông nghiệp ĐBSCL…
PGS-TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ cho rằng trong tình cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, dự án Phù Nam - Techo khi đi vào hoạt động có thể rút mất khoảng 30% lưu lượng nước về sông Tiền, sông Hậu, tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang ngày càng tăng ở ĐBSCL. Dự án này sẽ ảnh hưởng xấu tới đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp chúng ta mới phát động, mà nguyên nhân chính là thiếu nuớc
Mặc dù dự án mới chỉ là "thông báo" nhưng kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac (nối với sông Hậu tại Việt Nam, cùng là phân lưu chính của sông Mê Kông) nên sẽ gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học về tác động xuyên biên giới của dự án này.
Ông Thim Ly, chuyên gia Ban Thư ký MRCS của Camphuchia cho rằng các đập thủy điện ở Campuchia từ trước đến nay khi Campuchia tiến hành đều có tham vấn với các nước liên quan. Kế hoạch tiếp theo, chủ đầu tư chia sẽ thông tin thiết kế và các tài liệu liên quan nước liên quan. Ban Thư ký MRCS và các quốc gia thực hiện dự án ra soát các tài liệu đã được chủ đầu tư cung cấp và rà soát việc thực hiện, đáp ứng kiến nghị đã được đưa ra trong các tuyến bố và kế hoạch hành động chung.