Kênh đầu tư sáng cửa trong vòng xoáy biến số; Tiền gửi chảy mạnh về chứng khoán
Lãi suất huy động tại công ty chứng khoán ngót 10%/năm đang thu hút dòng tiền, Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, truy tìm kênh đầu tư hiệu quả, phán đoán tỷ giá - lãi suất cuối năm… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Lãi suất xấp xỉ 10%/năm, nhiều công ty chứng khoán "hút" tiền gửi đầu tư
Vừa qua, một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ còn được hưởng lãi suất 6,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 3,3 - 4,1%/năm. Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất cao hơn khoảng 1 - 2%/năm tùy từng kỳ hạn, song tất cả các ngân hàng đều đã đưa lãi suất huy động về mức dưới 8%.
Lãi suất huy động thấp khiến nhiều người gửi tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có sản phẩm đầu tư tại các công ty chứng khoán dưới dạng hợp đồng cho vay.
Nếu gửi tiền đầu tư tại các công ty chứng khoán, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất khá cao. Đơn cử, với sản phẩm eInvest của VPBanks, khách hàng đầu tư 1 tháng lãi suất 7,1%/năm, 6 tháng 9%/năm và 12 tháng là 9,8%, thậm chí đầu tư chỉ 3 ngày cũng được hưởng lãi suất 5,3%/năm. Hay tại VNDirect, khách hàng có tiền nhàn rỗi tham gia gói hỗ trợ lãi suất D-Money của VNDirect, gửi tiền kỳ hạn 29 ngày được hưởng lãi suất 5,8%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất lên tới 7,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 8,5%/năm. Tại Công ty Chứng khoán PSI, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 7 ngày là 5%/năm, 1 tháng là 6%/năm, 6 tháng là 8,5%/năm và 12 tháng là 9,2%/năm…
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng nữa so với mức cuối quý II/2023.
Việc công ty chứng khoán nâng lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư là nhằm phục vụ nhu cầu vay margin tăng cao chóng mặt.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết - đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cho thấy, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường ở mức 143.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng 20,5% so với cuối quý I/2023. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 chỉ thấp hơn khoảng 41.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của VDSC, lợi suất của chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Đơn cử như vàng, về cơ bản không mang lại lợi nhuận kể từ đầu năm và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất cao trong suốt năm 2023 khiến giá vàng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm.
Theo bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, khi các nền kinh tế trong ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Fed, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu năm 2023. Theo dự báo của HSBC, trong quý III/2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024.
Chung quan điểm, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm sâu thêm nữa, bởi khi đó sẽ làm chênh lệch lãi suất USD - VND bị âm sâu.
Thực tế, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang chững lại. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9 tới, để tránh làm tổn thương hơn nữa các nền kinh tế thành viên, vốn đang "vật lộn" để tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích HSCB cũng cảnh báo các nước ASEAN cần thận trọng với cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, chuyên gia HSBC lo ngại việc các ngân hàng Trung ương trong ASEAN cắt giảm lãi suất sớm, tự tách khỏi lộ trình của Fed có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn.
Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, có lẽ chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. Một điểm cần lưu ý là nếu không có gì thay đổi, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024.
Theo HSBC, khu vực đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá "lạc nhịp" với Fed. Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, Fed đã không nương tay và triển khai liên tiếp 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Kết quả là, một lượng lớn vốn đã chảy khỏi ASEAN, các đồng nội tệ phải chịu áp lực.
"Ngoài ra, còn những biến động liên quan đến lạm phát do tỷ giá hối đoái và sự ổn định tài chính. Các ngân hàng trung ương ASEAN cần bám sát Fed và các đợt tăng lãi suất, mặc dù mức độ ở mỗi nước một khác", chuyên gia HSBC cảnh báo.
Các quốc gia có thặng dư dồi dào có thể trụ vững trước các động thái của Fed vì họ không quá cần vốn nước ngoài, lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu của các quốc gia này có thể đủ để chi trả cho nhu cầu nhập khẩu.
"Chúng tôi kỳ vọng cán cân của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai thuận lợi hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước", chuyên gia HSBC nhận định.
Lãi suất cho vay giảm dần về cuối năm
Chính phủ yêu cầu ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 đó là Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.
NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.
Đồng thời, triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ảm đạm. Vì thế, khi mặt bằng lãi suất huy động giảm dần trong thời gian gần đây được kỳ vọng tác động tích cực lên lãi vay.
Đồng thời, các dự báo đưa ra từ HSBC, UOB, Standard Chartered cũng đư ra dự báo, khả năng ngân hàng sẻ giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm sẽ là điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nơ toàn ngành chỉ mới tăng trưởng 4,7% so với mục tiêu đưa ra cho cả năm nay là 14%.
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho hay, có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Tú, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.
Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ lụy là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng
TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa cuối năm sẽ giảm nhanh hơn 2 quý đầu năm nay khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao.
Tuy nhiên, theo TS Huân,trước mắt chưa thể kỳ vọng lãi vay giảm mạnh, bởi các ngân hàng vẫn chưa tiêu thụ hết vốn huy động giá cao từ quý III/2023, do sức hấp thụ vốn của kinh tế nửa đầu năm nay yếu. Đồng thời, theo TS Huân, dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Bởi chính sách tiền tệ đã được nới trong hai quý đầu năm hỗ trợ kinh tế.
Đánh giá được đưa ra từ HSBC cũng cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất, động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi.
Theo HSBC, Việt Nam và Philippines đều có những mối lo ngại rõ rệt trong nước – nhưng vì những lý do trái ngược nhau. Việt Nam đồng thời phải đối mặt với suy thoái thương mại và tín dụng suy giảm. Do đó, tăng trưởng đã chậm lại và NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
"Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, NHNN có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023, sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại", các nhà phân tích của HSBC đưa ra nhận định.
Tín dụng tăng chậm trong nửa đầu năm nay khi tăng trưởng dư nợ ngành ngân hàng vào cuối tháng 7/2023 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6/2023 của NHNN, báo cáo của SSI trích dẫn. Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp.
Trước đó, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/6 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so cùng kỳ. Còn tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 4,7%, chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng 9,35% của cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù nguyên nhân tín dụng tăng chậm không chỉ từ phía ngân hàng mà còn cả doanh nghiệp, song để có thể hoàn tất được chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm 2023 các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, nhất là những tháng còn lại của năm khi room tín dụng không còn khan hiếm và cầu vốn dự báo tăng.
Vì thế, một loạt ngân hàng đã thông báo triển khai mới hoặt mở rộng các gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Theo TS Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sắp giải thể, VietinBank rao bán khoán nợ 312 tỷ với giá 137,4 tỷ đồng
Đây là khoản nợ của Công ty cổ phần NIVL có tổng dư nợ (nợ gốc, lãi và lãi trên dư nợ gốc quá hạn) 312,6 tỷ đồng. Ngân hàng muốn bán đấu giá với giá khởi điểm bằng nợ gốc.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM (VietinBank TP. HCM) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần NIVL.
Toàn bộ dư nợ (nợ gốc, lãi và lãi trên dư nợ gốc quá hạn) của công ty này tại VietinBank TP.HCM phát sinh từ Hợp đồng tín dụng ký ngày 17/1/2014 (theo tỷ giá quy đổi ngày 8/8/2023 là 23.802 VND/USD) là gần 312,6 tỷ đồng (gồm cả tiền VND và USD). Trong đó, nợ gốc 137,4 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn và quá hạn là hơn 175,1 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng 1.800m2 đất ở cùng với 8.372,7m2 đất sản xuất kinh doanh và 4.471,9m2 đất trồng cây lâu năm tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Nga cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Mẫn.
Tài sản đảm bảo cũng bao gồm quyền sử dụng 4.500 m2 đất sản xuất kinh doanh tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Việt Ấn.
VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 137,4 tỷ đồng (bằng dư nợ gốc) tạm tính theo tỷ giá quy đổi ngày 8/8/2023 là 23.802 VND/USD.
Thành lập năm 2007, hoạt động theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài và từng có thời kỳ hoàng kim, song CTCP NIVL (Bến Lức, tỉnh Long An) dần rơi vào khó khăn trầm trọng. Năm 2014, công ty bị nông dân tố cáo nợ nông dân hàng trăm tỷ đồng tiền mua mía. Tiếp đó, Công ty vướng vào lình xình nợ thuế, nợ lương công nhân.
Đến nay, Công ty vẫn còn nợ thuế hơn 152 tỷ đồng và đang làm thủ tục giải thể.
HSBC cảnh báo: Nguy cơ chảy vốn khi "Fed một đường, các nước ASEAN một nẻo"
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa công bố Báo cáo ASEAN Perspectives mới nhất với tựa đề “Fed một đường, ASEAN một nẻo?
Theo các chuyên gia nghiên cứu của HSBC, chính sách tiền tệ của các nước ASEAN có thể tách độc lập khỏi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tới đâu cũng quan trọng trong việc quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất
Khi lạm phát giảm dần, vấn đề giảm lãi suất chính sách sẽ sớm được các ngân hàng trung ương ASEAN đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, mấu chốt của cuộc tranh luận chính là liệu các ngân hàng trung ương ASEAN có thể tiến hành giảm trước Fed. Theo quan điểm của HSBC, tình hình sẽ khá đa dạng.
HSBC nhận thấy, ngay cả các nước ASEAN có thâm hụt tài khoản vãng lai cũng có động thái khác nhau. Ví dụ, HSBC tin rằng, Indonesia có thể cắt giảm lãi suất trước Fed vì lãi suất chính sách thực tế vốn đang cao hơn mức trước đại dịch trong khi tài khoản vãng lai của nước này đang ở vị thế thuận lợi hơn trước.
Tuy nhiên, Philippines lại không có mức độ tự do như vậy khi nói đến chính sách tiền tệ. Các điều kiện trong nước cần thêm thời gian để hạ nhiệt và ổn định, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương Philippines sẽ chỉ cắt giảm lãi suất sau khi Fed có động thái giảm lãi suất.
Giữa các nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai cũng không giống nhau. Tài khoản vãng lai của Malaysia nhiều khả năng sẽ trở lại mức trước đại dịch, giúp nước này có thêm tự do trước Fed. Với lạm phát trong vòng kiểm soát, HSBC cho rằng Malaysia sẽ giữ nguyên các lãi suất.
Thặng dư của Thái Lan nhiều khả năng sẽ thu hẹp hơn trước, buộc ngân hàng trung ương nước này phải giữ các lãi suất cao hơn mức trước đại dịch. Ngược lại, Singapore có dư địa để đưa ra động thái khác với Fed nhưng chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng khi lạm phát cơ bản hạ nhiệt.
Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Các vấn đề trong nước được đặt nặng hơn so với các vấn đề bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam đã cắt giảm lãi suất trước các nước ASEAN khác, tương lai có khả năng sẽ còn một đợt giảm nữa.
Tự do tiền tệ trước Fed sẽ ảnh hưởng đến thời điểm các ngân hàng trung ương ASEAN có thể cắt giảm lãi suất. “Tự do chính sách tiền tệ. Vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây không phải là nguyên tắc cốt lõi của tự do chính sách tiền tệ. Chúng tôi đang nói đến mấu chốt của vấn đề đối với các ngân hàng trung ương ASEAN chính là mức độ tự do trong chính sách tiền tệ mỗi nước có được trước Fed”, HSBC đưa ra nhận định.
Dựa trên lãi suất chính sách thực tế, HSBC tin rằng, Indonesia có nhiều dư địa nhất để cắt giảm lãi suất chính sách còn Việt Nam và Philippines thì ngược lại.
Lãi suất chính sách thực tế - là lãi suất được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát – đóng vai trò lớn quyết định dòng vốn sẽ đi về đâu.
Lạm phát ở Philippines và Singapore vẫn duy trì ở mức cao. Nhưng ở hầu hết các nước ASEAN, HSBC cho rằng, lạm phát trong năm 2023 và 2024 sẽ ổn định trong phạm vi mục tiêu/phạm vi dự báo lạm phát tương ứng của từng thị trường do các đợt tăng lãi suất năm ngoái làm lạm phát hạ nhiệt. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Indonesia và Malaysia.
HSBC cũng đưa ra dự đoán lạm phát sẽ tăng ở Thái Lan và Việt Nam đâu đó trong năm 2024, nhưng không đủ cao để kích thích tăng lãi suất. Chẳng hạn, chỉ số CPI ở Thái Lan hiện đang ở dưới mức mục tiêu 1-3% của BoT.
HSBC cho rằng, áp lực về giá do nhu cầu sẽ bắt đầu có ảnh hưởng khi du lịch phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ không thể đẩy lạm phát đủ cao để vượt trần mục tiêu của BoT. Đối với Việt Nam, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên mức khoảng 3% trong nửa cuối năm 2024, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% của NHNN.
Lãi suất này giảm mỗi lần ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách hoặc nếu lạm phát tăng lên. Vì vậy, nếu lãi suất chính sách thực tế của một thị trường bám quá sát với lãi suất chính sách thực tế của Fed (hoặc thậm chí thấp hơn), biên chính sách thực tế thu hẹp khiến dòng vốn chảy ra ngoài do nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác.
Với biên độ giữa lãi suất chính sách thực tế của Ngân hàng trung ương Indonesia (Bank of Indonesia - BI) và lãi suất thực tế của Fed hiện tại rộng hơn mức trước đại dịch, BI có dư địa để cắt giảm lãi suất sớm hơn. Thực tế, HSBC kỳ vọng BI bắt đầu chu kỳ nới lỏng ngay khi cảm nhận được lãi suất của Fed đã tới đỉnh, bắt đầu bằng một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong quý IV/2023.
Ngược lại, các nền kinh tế ASEAN khác có lãi suất chính sách thực tế thấp hơn lãi suất của Fed.
Điều đó khiến các nước này dễ bị chảy vốn khi ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách và tách khỏi lộ trình của Fed. Điều đó đặc biệt đúng trong trường hợp của Philippines và Việt Nam, trong đó, Việt Nam đang trong quá trình cắt giảm lãi suất chính sách. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng vốn chảy mất thì sao? Tình trạng chảy vốn có thể sẽ nghiêm trọng tới mức nào hay ngay từ đầu đã ồ ạt luôn?
Đáp án cho câu hỏi trên chính là chìa khóa để xác định thời điểm các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, theo HSBC, tự tách khỏi lộ trình của Fed quá sớm có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn.
Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, có lẽ chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. Một điểm cần lưu ý là nếu không có gì thay đổi, chúng tôi dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024.
Gần đây, chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá "lạc nhịp" với Fed. Từ tháng 6 tới tháng 11/2022, Fed đã không nương tay và triển khai liên tiếp bốn đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Kết quả là một lượng lớn vốn đã chảy khỏi ASEAN. Các đồng nội tệ phải chịu áp lực. Ngoài ra lại còn những biến động liên quan đến lạm phát do tỷ giá hối đoái và thậm chí là sự ổn định tài chính. Các ngân hàng trung ương ASEAN cần bám sát Fed và các đợt tăng lãi suất, mặc dù mức độ ở mỗi nước một khác nhưng thực tế là vậy.
Câu chuyện của cả năm ngoái chủ yếu xoay quanh vấn đề làm sao để theo kịp Fed. Tuy nhiên, đến nửa sau của năm 2023, tình hình lạm phát lại đảo chiều – chủ yếu nhờ áp lực giảm lạm phát do kinh tế Trung Quốc đại lục suy giảm gây ra. Cắt giảm lãi suất giờ đang là vấn đề lớn tiếp theo cần quan tâm, vì vậy, để đánh giá sơ bộ được thời điểm diễn ra đợt cắt giảm, HSBC xem xét nền kinh tế nào có tự do chính sách tiền tệ nhất để có thể cắt giảm lãi suất sớm và tự tách mình độc lập khỏi Fed mà không xảy ra nguy cơ chảy vốn ồ ạt.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu của HSBC, mức độ gián đoạn do chảy vốn nghiêm trọng tới đâu tùy thuộc vào mức độ độc lập của một nền kinh tế đối với vốn nước ngoài và khả năng giảm thiểu gián đoạn của ngân hàng trung ương.
“Đầu tiên, chúng ta cần xem xét phạm vi ảnh hưởng. Một điều hiển nhiên là khi nói đến vốn nước ngoài, các nền kinh tế ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Biểu đồ 3 cho thấy tất cả, ngoại trừ Singapore, có hơn một nửa đầu tư cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài đến từ Mỹ. Tuy nhiên, tầm quan trọng của vốn nước ngoài đối với quy mô nền kinh tế cũng là vấn đề cần quan tâm. Biểu đồ 5 so sánh cán cân vãng lai trước đại dịch của mỗi nền kinh tế với dự báo của chúng tôi cho năm 2023 và 2024”, HSBC lý giải.
Vị thế tài khoản vãng lai của Singapore, Malaysia và Việt Nam sẽ mang lại một chút tự do về chính sách tiền tệ. Với những nước có thặng dư tài khoản vãng lai, tất cả đều có nhiều tự do hơn trong chính sách tiền tệ so với Philippines. Nhưng mức độ tự do ở mỗi nước một khác. Khác với Malaysia và Singapore, tự do về chính sách tiền tệ của Thái Lan đã giảm bớt so với trước. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ giữ lãi suất cao hơn mức trước đại dịch ở mức 2,25% ít nhất là đến năm 2025. Ngược lại, Việt Nam lại may mắn chứng kiến đồng VND ổn định nhờ cải thiện tình hình tài khoản vãng lai.
Xét trong bối cảnh trong nước, nếu lãi suất chính sách ảnh hưởng tín dụng thì có thể kích thích cắt giảm lãi suất. Điều đó đối lập với nội dung nêu trên, phần nói về những biến động tài chính do tiền tệ mất giá mạnh trước các động thái thắt chặt của Fed.
Cho đến nay, hầu hết các nền kinh tế ASEAN không vội vàng cắt giảm lãi suất do chỉ số tín dụng gia tăng. Mặc dù biên độ chênh lệch CDS kỳ hạn 5 năm ít nhiều đang tăng lên trên khắp ASEAN, nhưng không tăng đến mức đáng lo ngại, đặc biệt nếu chúng ta so với mức tăng khi bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tựu trung lại, tình hình có vẻ đang tốt.
Nhưng Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Biểu đồ 14 cho thấy tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất, động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi
Việt Nam và Philippines đều có những mối lo ngại rõ rệt trong nước – nhưng vì những lý do trái ngược nhau. Việt Nam đồng thời phải đối mặt với suy thoái thương mại và tín dụng suy giảm. Do đó, tăng trưởng đã chậm lại và NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặt khác, Philippines vẫn có thể cần hạ nhiệt thêm một chút để giảm lạm phát và duy trì cân bằng trong nước (tiết kiệm = đầu tư). Singapore cũng vậy, ở một mức độ nhất định, bị hạn chế bởi lạm phát cao và có thể cần phải thắt chặt tiền tệ trong một thời gian. HSBC kỳ vọng, MAS sẽ chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý II/2024.
Lãi suất tiết kiệm giảm, tiền gửi dân cư chậm lại
Biểu lãi suất của các ngân hàng đầu tháng 8/2023 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3 - 7,8%/năm. Riêng với kỳ 6 tháng, có ngân hàng quốc doanh giảm về 5%/năm, tương đương lãi suất thời điểm dịch Covid-19.
Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. VPBank đang niêm yết lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%. Tại ABBank, lãi suất các kỳ hạn từ 13-36 tháng chỉ còn 5,4%/năm (ngang mức lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước), giảm thêm 0,5-1,1 điểm % so với hồi cuối tháng 7.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Thị trường chịu tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trước xu hướng giảm lãi suất huy động, theo các nhà phân tích, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Do đó, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
Phát biểu tại một hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cũng nhận định, từ giờ đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhưng không quay về mặt bằng trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất tiền gửi thời kỳ Covid-19 cao nhất khoảng 7,5%/năm; tăng vọt lên 10,5%, thậm chí 11%/năm cuối năm 2022; hiện giảm khoảng 1%, xuống còn 9,5%/năm.
Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng, mà chuyển dịch sang chứng khoán… Tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.
Đây là số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố và cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính chung 5 tháng đầu năm nay, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Tiền gửi dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao. Sang năm 2023, lãi suất bắt đầu giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với trước Covid-19. Từ tháng 4 năm nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi bớt hấp dẫn.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế lại rút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 5/2023, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm 3,45% so với hồi đầu năm. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản, còn nhóm doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
Một chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất giảm mạnh thời gian qua thôi thúc dòng tiền chuyển hướng từ tiết kiệm sang chứng khoán. Nếu từ nay đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động giữ mức như hiện nay và giảm thêm, sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, giúp thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, cần phải xem động thái của các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu cơ chứng khoán mang tính chất ngắn hạn, nên khả năng thị trường chứng khoán sẽ trồi sụt, chứ không hoàn toàn tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là thấp hơn khu vực, nhưng thực ra vẫn cao.
“Định giá P/E của doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi, không thấp hơn khu vực, nên không hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Tôi nhận ra điều này khi tiếp xúc với một số nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm thị trường Việt Nam”, vị chuyên gia cho biết.
Ông cho rằng, hiện nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhiều. Đa số nhà đầu tư Thái Lan là nhà đầu tư cá nhân, nên tính chất đầu cơ rất cao. Nhà đầu tư Đài Loan và Trung Quốc cũng vậy. Còn những nhà đầu tư về giá trị cũng cân nhắc khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi mức định giá cao không hấp dẫn đầu tư giá trị.
Ba lý do khiến tỷ giá khó sốt trở lại, dư địa giảm lãi suất vẫn còn
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi vay vẫn còn cao là một trong các rủi ro lớn của nền kinh tế. Dù vậy, áp lực tỷ giá giảm là cơ hội để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
Phán đoán xu hướng chính sách tiền tệ cuối năm là một trong những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất vào thời điểm này.
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) chiều nay, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ngân hàng ADB cho rằng, nửa cuối năm nay và năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, ít nhất là chưa giảm lãi suất song kinh tế Mỹ vẫn tương đối tố, dự báo không bị suy thoái năm nay.
Trong khi đó, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu suy thoái. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc – hàng xóm của Việt Nam và cũng là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực - không phục hồi như kỳ vọng sau khi mở cửa nền kinh tế “hậu Covid 19”. Quốc gia này đã pải chuyển hướng sang chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một “vòng xoáy” nữa mới xuất hiện là đang có sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu trong khi Mỹ, Châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.
“Tựu trung lại, môi trường kinh tế quốc tế đang có rất nhiều khó khăn và chúng ta phải dựa vào nội lực của mình là chính”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.
Với kinh tế Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá – song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).
Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định.
“Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa nhận xét.
Trên thế giới, chỉ số ngành sản xuất PMI toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay.
Về lãi suất, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023: “Bơi trong dòng xoáy”
Đây là chủ đề Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức diễn ra chiều nay (8/8) tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…
Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.
“Trong bối cảnh ấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao việc Báo Đầu tư lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam, với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”. Với các phiên thảo luận chuyên sâu để “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”, tôi hy vọng rằng, các diễn giả tham dự Diễn đàn sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, chúng ta đang trong một môi trường đầu tư, kinh doanh với rất nhiều biến số cần giải mã. Chỉ trong vòng một năm, nền kinh tế thế giới và trong nước chứng kiến sự đảo chiều liên tục của những dòng chảy thông tin, dự báo và sự kiện. Những lo sợ về cơn bão lạm phát và bóng ma suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”. Nhưng liệu những lo lắng đó có là thái quá hay sự lạc quan có đến hơi sớm vẫn cần được cắt nghĩa và giải đáp.
“Môi trường đó giống như một dòng xoáy buộc các nhà đầu tư, kinh doanh phải ngụp lặn để truy tìm cơ hội – những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên, nhóm ngành nào sẽ vượt lên thời gian tới, đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới nhưng không hề dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Trong các vùng xoáy đó, những cố vấn tài chính chuyên nghiệp, tài năng và tâm huyết như vậy sẽ là một sự lựa chọn hữu ích để tiếp cận các kênh đầu tư hiện đại, đầy tiềm năng với tỷ suất sinh lời cao nhưng giảm bớt được rủi ro”, Tổng Biên tập Lê Trọng Minh khẳng định.
Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư. Đồng thời, Diễn đàn thu hút lượng lớn người xem trực tuyến trên các báo điện tử baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư, cũng như các nền tảng mạng xã hội facebook.com/baodautu, facebook.com/tinnhanhchungkhoan và kênh https://youtube.com/@TaichinhKinhdoanhTV của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, với 220.000 thành viên.
Mục tiêu mà Diễn đàn hướng tới là nhằm giúp các nhà đầu tư cá nhân kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn để chủ động nắm bắt thông tin, linh hoạt, chủ động tìm kiếm cơ hội, lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả với các sản phẩm đầu tư từ các đơn vị uy tín.
Trong hai phiên thảo luận “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội” diễn ra chiều nay, các diễn giả sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.
Lãi suất giảm, kênh đầu tư nào “sáng cửa“ hút dòng tiền
Dòng tiền gửi ngân hàng tăng chậm lại khi lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Đầu tư vào đâu để sinh lời tốt nhất trong bối cảnh thị trường bất động sản èo uột, thị trường chứng khoán sau thời gian dài tăng giá có nguy cơ điều chỉnh đang là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngày càng là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi đầu tư tư nhân trong những quý tới, đồng thời cũng làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi so với kênh đầu tư chứng khoán.
Chưa có số liệu mới nhất, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng chỉ tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng trong 4 tháng đầu năm. Đây cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, trong 2 tháng gần đây, tăng ròng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục giảm.
Ở chiều hướng ngược lại, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh. Sự tăng trưởng của dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán phản ánh phần nào sức nóng của thị trường. Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay margin của 10/10 công ty chứng khoán có thị phần cho vay margin lớn nhất đều tăng mạnh, với tổng mức tăng gần 24% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tăng 60-70%.
Ngoài yếu tố lãi suất rẻ, dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán từ đầu năm đến nay còn bởi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản, trái phiếu… đều kém khả quan.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023.
Điều tương tự cũng xảy ra với vàng trang sức, khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý II/2022, xuống còn 3,7 tấn vào quý II/2023 (giảm 18% so cùng kỳ năm trước).
Kinh tế khó khăn 6 tháng đầu năm, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường bất động sản, thanh khoản thấp… là những yếu tố khiến nhà đầu tư chán nản với vàng.
Với bất động sản, dù thị trường dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và đã trải qua thời điểm khó khăn nhất, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sớm nhất phải đến đầu năm 2024, thị trường mới phục hồi. Sở dĩ bất động sản phục hồi chậm do nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu (nhu cầu vay mua nhà giảm), thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn…
Hiện nay, chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn là ẩn số lớn. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là liệu các quốc gia lớn có xoay chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, giống như nhiều nước châu Á đang làm?
Theo dự đoán của các chuyên gia, cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, đồng nghĩa đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.
Tuy vậy, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, hiện tại, Fed mới chỉ hàm ý tạm ngưng chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này không có nghĩa là sẽ chuyển sang nới lỏng. Lạm phát của Mỹ vẫn còn cao sau giai đoạn bơm tiền “trực thăng” và lệnh cấm xuất khẩu gạo mà nhiều nước đưa ra mới đây có thể kích hoạt lạm phát toàn cầu tăng trở lại khiến Mỹ phải thận trọng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá xa so với kỳ vọng, nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba lần từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thị trường tăng một mạch hầu như không có đợt điều chỉnh nào trong những tháng gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Do đó, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư giảm dư nợ margin, giảm nắm giữ “hàng nóng”.
“Vì thị trường đã có hiện tượng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ), nên sự điều chỉnh là cần thiết để tăng trưởng bền vững hơn. Song theo quan điểm của tôi, thị trường nếu có điều chỉnh cũng không làm thay đổi xu hướng tăng trung, dài hạn. Chính vì vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu tốt nếu không sử dụng đòn bẩy”, ông Khánh khuyến nghị.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đã đi từ giai đoạn tích lũy sang giai đoạn tăng nghi ngờ và chuyển sang giai đoạn tăng, cùng sự xuất hiện những dấu hiệu FOMO. Dự báo, thị trường khó tránh đợt điều chỉnh trong tháng 8, tháng 9 năm nay, do đó, nhà đầu tư cần thận trọng với lệnh mua mới, hoặc chấp nhận đầu tư dài hạn.
Nhìn về vĩ mô, thông điệp chính sách trong nước đã rõ nét. Chính phủ liên tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn, “thúc” ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay, bơm tín dụng ra nền kinh tế. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng đã và đang được triển khai. Vấn đề còn lại chỉ là hiệu quả thực thi.
Ngay cả khi chính sách tiền tệ các nước lớn thắt chặt hơn, thì Việt Nam cũng khó có khả năng đảo chiều từ nới lỏng hiện nay sang thắt chặt, do sức cầu của nền kinh tế yếu. Nói cách khác, lãi suất trong nước thời gian tới vẫn sẽ đứng ở mức thấp và sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tốt hơn nhờ loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đang tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư. Nhìn về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn “sáng” so với các kênh đầu tư khác.
Mặc dù thị trường đang có nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn, song đầu tư vào đâu để đồng tiền sinh lời một cách hiệu quả đang là câu chuyện làm đau đầu các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư muốn rót vốn vào kênh chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 30% từ đáy và đã vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm, song lại đang bị chi phối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ không biết cách phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, nên dễ bị yếu tố tâm lý đám đông chi phối. Chính vì vậy, nếu không có nền tảng phân tích cơ bản, các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm đến các cố vấn tài chính.
Riêng với thị trường bất động sản, dù đã rục rịch ấm lên, song các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư chỉ nên nhắm đến phân khúc phục vụ nhu cầu thật, có hạ tầng kèm theo, bởi đây là phân khúc có thanh khoản tốt nhất thời điểm này.
Doanh nghiệp chật vật vì biến số lãi suất
Chi phí tài chính hạ nhiệt đáng kể nhờ tỷ giá ổn định trong quý II/2023, nhưng lãi vay vẫn là gánh nặng lớn với các doanh nghiệp, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý và sự thu hẹp nợ vay của các doanh nghiệp.
Cuối tháng 4/2023, không lâu sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ được ban hành, một hội nghị về công tác tín dụng với sự tham gia của các ngân hàng đã được tổ chức dưới sự chủ trì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không riêng việc cơ cấu lại nợ, tâm điểm của hội nghị là câu chuyện lãi suất cho vay. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ mặt nêu tên từng ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân vượt xa mặt bằng chung.
Ở nhiều cuộc họp sau đó, “hạ nhiệt” lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục là vấn đề được nhắc đến. Đặc biệt, sau 4 lần hạ lãi suất trong tháng 3 (hai lần) và tháng 5, tháng 6, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động, cũng như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Số liệu của NHNN cho thấy, trong tháng 6/2023, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,3 - 11,1%/năm. Con số này hồi tháng 3 là 9,6 - 11,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên từ khoảng 4,5%/năm vào tháng 3 giảm còn khoảng 4,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi bình quân đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm tới 1 điểm phần trăm.
Theo lãnh đạo của một ngân hàng vẫn neo lãi suất cho vay ở mức cao, tổ chức này đang trong quá trình giảm lãi suất huy động. Dù cam kết sẽ giảm lãi suất, nhưng vị này cũng cho biết, sẽ chậm hơn và có thể phải đến cuối năm mới có thể kéo về mặt bằng chung của ngành.
Chưa kể, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho giảm giá..., việc bù đắp rủi ro mà ngân hàng phải chịu có thể khiến lãi suất tính thêm phần bù rủi ro này.
Thực tế cho thấy, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê trên gần 900 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chi phí tài chính kỳ này đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, chi phí tài chính chỉ còn tăng 7,7%.
Tuy nhiên, kết quả trên có được phần nhiều nhờ sự ổn định của tỷ giá, nhất là khi so sánh với những biến động mạnh của các cặp tiền tệ trong quý II/2022. Nếu tính riêng, chi phí lãi vay quý II và nửa đầu năm đều tăng quanh mức 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng chính tại các công ty này, tổng dư nợ cho vay ngắn và dài hạn thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm ngày 30/6/2022.
VN30 - nơi tập hợp các tổ chức niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường, thỏa mãn các điều kiện về thanh khoản hiện có 16 doanh nghiệp phi tài chính. Tại các ông lớn này, chi phí lãi vay tiếp tục tăng tới 31,1% trong quý II và gần 35% trong nửa đầu năm 2023, dù chỉ có 3 doanh nghiệp mở rộng quy mô vay nợ qua kênh tín dụng/trái phiếu trong một năm qua.
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (đơn vị đã huy động thêm hơn 11.000 tỷ đồng trong năm qua) là doanh nghiệp tăng nợ vay nhiều nhất, với gần 1.786 tỷ đồng lãi vay ghi nhận trong quý II, tăng 66% so với cùng kỳ. Nợ vay tại một số doanh nghiệp khác cũng tăng đáng kể, trực tiếp tăng gánh nặng lãi vay quý vừa qua.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp giữ nguyên, thậm chí giảm mạnh vốn vay, nhưng chi phí lãi vay chưa thể giảm tương ứng. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) là trường hợp hiếm hoi chi phí lãi vay quý II giảm tới 32% so với cùng kỳ, nhưng cũng nhờ thu hẹp quy mô nợ tới 2.190 tỷ đồng, tương đương mức giảm 27%.
Trong bối cảnh hiện tại, lãi vay không phải là khó khăn duy nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Sức cầu tiêu thụ yếu ở cả trong nước và các thị trường xuất khẩu đang tác động đến doanh thu và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) - doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu hàng loạt chuỗi kinh doanh lớn gồm Thế giới Di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… - ghi nhận biên lợi nhuận ròng quý II/2023 thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2014. Cứ 100 đồng doanh thu, công ty này chỉ thu về 18,5 đồng lợi nhuận gộp và 0,06 đồng lãi ròng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn ở mức 21,4%.
Chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp như trên, doanh thu của hệ thống này vẫn giảm tới 14,2% so với cùng kỳ. Gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua tăng 5.647,3 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn tăng, tương ứng mức tăng 34% so với đầu năm, chi phí tài chính cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận MWG giảm sâu 1,5% con số đạt được trong quý II/2022.
Khả quan hơn MWG khi doanh thu vẫn giữ được tăng trưởng, Công ty cổ phần Ô tô TMT cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh của lợi nhuận. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đã triển khai các chính sách giảm giá để thúc đẩy bán hàng. Lợi nhuận gộp do đó giảm gần 38%. Dù nhiều khoản chi phí khác được tiết giảm, lãi vay cao gấp đôi cùng kỳ tiếp tục “ăn mòn” đáng kể phần lợi nhuận của Công ty. Dư nợ vay tăng và lãi suất cao là 2 lý do được chỉ ra. Nguyên nhân khiến Công ty phải tăng vay nợ tín dụng cũng bởi các đối tác nhà cung cấp đã hạn chế bán chịu, không cho chiếm dụng vốn như các thời điểm trước đây.
Đã có những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua khi nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay để đẩy đầu ra tín dụng. Thực tế, cần hành động sớm bởi gỡ bớt phần khó cho doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các trung gian tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế.