Kênh nước thải bất ngờ xả, nước sông lại chuyển màu đen kịt
Dòng kênh tập trung một lượng nước thải khổng lồ vốn đang được 'khóa chặt' bằng hệ thống trạm bơm thì bất ngờ mở cửa xả đáy, đẩy hết nước thải ra sông Pheo khiến dòng sông này lập tức chuyển màu đen và bốc mùi nồng nặc.

Tấm chắn tại trạm bơm đã được kéo lên để nguồn nước trong dòng kênh ô nhiễm chảy thẳng ra sông Pheo (Ảnh chụp chiều 28/3).
Kênh nước thải mở cống, nước sông Pheo lập tức chuyển màu
Báo Kinh tế & Đô thị đã có hai bài viết phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Pheo, đe dọa Lễ hội bơi Đăm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội – một lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của quốc gia. Trong loạt bài trên, phóng viên đã phát hiện một con kênh nằm tại địa phận giáp ranh giữa thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức và xã Tân Lập, huyện Đan Phượng là nơi tập trung một lượng chất thải khổng lồ từ các nguồn dân sinh và nhà máy, xí nghiệp khu vực lân cận.
Nước dòng kênh bị rút cạn khi trạm bơm mở cống xả ra sông Pheo (Video do người dân cung cấp; quay vào chiều 27/3).
Con kênh này nối liền với sông Pheo nhưng rất may đã được “khóa chặt” bởi hệ thống trạm bơm. Dòng kênh ô nhiễm bị “cách ly” cộng với việc trạm bơm Đan Hoài tiếp nước sạch vào rửa trôi trong những ngày qua đã giúp sông Pheo dần sạch trở lại, người sân làng Đăm, phường Tây Tựu đã rất phấn khởi vì điều này.
Tuy nhiên, ngày 27/3, không hiểu vì lý do gì, dòng kênh ô nhiễm trên bất ngờ được “mở khóa” khiến toàn bộ nguồn nước thải đen kịt, bốc mùi ở đây chảy thoát ra ngoài sông Pheo. Hệ quả ngay lập tức xảy ra, dòng nước sông Pheo mới tạm thời bớt ô nhiễm đã đổi màu và bốc mùi trở lại khiến người dân làng Đăm lại hoang mang, lo lắng.

Mực nước trên dòng kênh vẫn khá cạn vào sáng 28/3.
Theo hình ảnh và clip người dân cung cấp, chiều 27/3, mực nước trên dòng kênh này đã bị rút cạn trơ đáy, những cống xả thải trực tiếp vào dòng kênh này cũng gần như “hiện nguyên hình”. Trong đó, cống xả từ trong khu đô thị Tân Tây Đô và cống xả từ mương nước chạy dọc QL32, đi qua khu vực nhà máy hóa chất nằm gần khu đô thi Tân Tây Đô lộ rõ dòng nước thải nhiều máu sắc, đổ thẳng vào dòng kênh.
Để kiểm chứng nguồn thông tin mà người dân cung cấp, sáng 28/3, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại khu vực trạm bơm của dòng kênh ô nhiễm này. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, khu vực trạm bơm vẫn đang mở cửa xả đáy, nước từ trong dòng kênh ô nhiễm vẫn đang chảy đều đặt ra bên ngoài rồi men theo kênh dẫn chảy thẳng ra sông Pheo. Phía trong dòng kênh, mực nước đã xuống thấp thấy rõ, lộ ra những mảng bùn đen kịt bám vào hai bên bờ kênh và những gốc cây thủy sinh sống dưới dòng kênh.

Mực nước trong dòng kênh xuống thấp phát lộ rõ dòng nước thải đen kịt từ đầu cống mương nước chảy qua khu vực nhà máy hóa chất (Ảnh chụp chiều 28/3).
Đi ngược lên phía thượng nguồn con kênh, chúng tôi giật mình khi phát hiện tại đầu cống xả nối liền với mương nước thải chảy dọc QL32 và đi qua khu vực nhà máy hóa chất đang tuồn ra dòng nước đen xì, đặc quánh. Chúng tôi quyết định đi ngược mương nước, đến điểm lộ thiên tại khu vực sát mặt đường QL32 thì ghi nhận dòng nước ở đây khá trong, khác hẳn với màu nước đặc quánh, đen xì chảy ra dòng kênh ở đầu cống xả. Không biết trong hành trình từ điểm tiếp giáp với QL32 đến dòng kênh, con mương này có tiếp nhận thêm nguồn thải nào khác hay không mà khiến màu nước trở nên đen kịt như vậy.
Cận cảnh dòng nước thải đen xì từ đầu cống nối liền với mương nước thải chạy qua khu vực nhà máy hóa chất (Video quay sáng 28/3).
Cũng ở khu vực đầu cống xả này, hòa với dòng nước đen này là một vệt nước mày trắng đục, chảy ra từ đầu cống sát với mép đường QL32. Theo người dân ở đây cho biết, dòng nước trắng đục này chảy từ phía đầu nguồn con kênh phía bên kia đường QL32, nơi có một nhà máy bánh kẹo. Ngoài màu trắng đục, dòng nước thải chảy ra từ đây còn bốc lên mùi hôi xen lẫn chua nồng – thứ mùi đặc trưng của nguồn nước bị ô nhiễm chất thải hữu cơ.

Màu nước ở khu vực sát QL32 lại khá trong.
Trước những gì ghi nhận ở dòng kênh ô nhiễm này, phóng viên Kinh tế & Đô thị lập tức liên lạc với ông Đoàn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu để cập nhập về tình hình dòng nước sông Pheo tại làng Đăm. Ông Hùng cho biết, sáng 28/3, màu nước sông Pheo - khu vực sẽ tổ chức Lễ hội bơi Đăm đã có dấu hiệu chuyển màu, tuy chưa chuyển hẳn màu đen nhưng màu nước bắt đầu sẫm lại. Ông Hùng cho biết, trong buổi chiều 28/3 sẽ cử người ra ghi nhận lại hiện trạng nước sông Pheo một lần nữa rồi cập nhập cho phóng viên biết.
Cận cảnh dòng nước chảy trên con mương ở khu vực sát QL32 khá trong (Video quay chiều 28/3).
Tuy nhiên, ngay trong chiều 28/3, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trực tiếp về làng Đăm để khảo sát. Khoảng 15h30, có mặt tại sông Pheo, khu vực trạm bơm Tân Lập, chúng tôi nhận thấy màu nước sông đã chuyển màu đen sẫm thấy rõ. Tiếp tục xuôi dòng về tới làng Đăm, tại đoạn sông sẽ diễn ra Lễ hội bơi Đăm, một dòng nước đen kịt đã bao trùm hết khúc sông. Cùng với màu đen là một thứ mùi hôi, tanh bốc lên nồng nặc.

Nước sông Pheo, khu vực đầu làng Đăm chuyển màu đen kịt (Ảnh chụp vào chiều 28/3).
“Hàng xóm” sẽ hỗ trợ hết mức cho Lễ hội bơi Đăm
Để làm rõ thêm thông tin liên quan đến dòng kênh ô niễm đổ nước thải ra sông Pheo, chiều 28/3, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, nơi đặt vị trí trạm bơm của dòng kênh. Ông Ngô Duy Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, dòng kênh ô nhiễm mà phóng viên nhắc đến có tên là kênh T1-2, chảy qua địa bàn nhiều xã, huyện và khu vực trạm bơm ở xã Tân Lập là điểm cuối của dòng kênh này. “Tân Lập là xã cuối cùng của huyện. Tất cả nước thải từ đầu nguồn đều đổ dồn hết xuống đây” – ông Quý cho biết.

Nước sông Pheo tại khu vực trạm bơm Tây Lập đã chuyển màu đen (Ảnh chụp chiều 28/3).
Khi được hỏi tại sao lại mở cống xả ở khu vực trạm bơm để nguồn nước thải trong con kênh chảy ra sông Pheo, ông Quý cho hay, địa phương không phải đơn vị quản lý, vận hành kênh T1-2 cũng như trạm bơm của kênh này nên không nắm được. “Kênh đó do Công ty Thủy lợi sông Đáy quản lý” – ông Quý nói.
Về khu vực nhà máy hóa chất nằm gần khu đô thị Tân Tây Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, đây là xí nghiệp hóa chất của Bộ Quốc phòng. Trước đây, trong xí nghiệp này làm mạ nhưng hiện xí nghiệp đã dừng hoạt động sản xuất, chỉ còn kho xưởng và 2 nhân viên bảo vệ ở đó.

Đoạn sông Pheo, nơi sẽ diễn ra Lễ hội bơi Đăm, nước chuyển màu đen kịt vào chiều 28/3.
Khi phóng viên cho xem hình ảnh mương nước chảy qua khu vực xí nghiệp này đổ ra kênh T1-2 thứ nước đen xì, ông Quý cũng tỏ ra khó hiểu: “Xí nghiệp hóa chất này tôi khẳng định chắc chắn bây giờ họ chỉ để kho hàng thôi, họ không sản xuất gì. Không biết cái nước thải đó ở đâu ra” – ông Quý khẳng định.
Liên quan đến lo ngại về việc nước sông Pheo ô nhiễm ảnh hưởng đến Lễ hội bơi Đăm, ông Quý khẳng định quan điểm của xã Tân Lập là rất chia sẻ và sẵn sàng phối hợp với phường Tây Tựu để tìm ra giải pháp tốt nhất, hài hòa lợi ích của cả hai địa phương. “Chúng tôi cũng tạo điều kiện hết sức cho bên Tây Tựu vì lễ hội của họ gần chục năm mới tổ chức một lần” – ông Quý nói.

Cận cảnh nước sông Pheo, khu vực sẽ diễn ra Lễ hội bơi Đăm đã chuyển màu đen (Ảnh chụp chiều 28/3).
Cũng theo ông Quý, vừa qua, khi phía phường Tây Tựu tổ chức đóng cống, không cho nước sông chảy vào nơi chuẩn bị tổ chức Lễ hội bơi Đăm để thực hiện việc vệ sinh, thanh thải dòng thì phía xã Tân Lập đã xảy ra tình trạng nước ngập lúa của người dân. Do đó, trong thời gian qua chính quyền hai địa phương vẫn thường xuyên có sự trao đổi, phối hợp để tìm ra phương án tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả hai nơi.
“Làm sao vừa không ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, vừa không ảnh hưởng đến lễ hội truyền thống của làng Đăm. Các bên đều phải hỗ trợ nhau. Còn về lễ hội truyền thống của phường Tây Tựu thì đương nhiên xã Tân Lập sẽ ủng hộ” – ông Quý khẳng định.
“Khu đô thị Tân Tây Đô có 3 trạm xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Trường hợp trạm xử lý nước thải chưa đáp ứng được chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra vì nước thải của khu đô thị không thuộc thẩm quyền của chúng tôi mà thuộc huyện, chúng tôi chỉ quản lý về con người” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng Ngô Duy Quý
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kenh-nuoc-thai-bat-ngo-xa-nuoc-song-lai-chuyen-mau-den-kit.html