Kênh tiếp cận tri thức tiện ích

Nhằm khai thác có hiệu quả vốn tài liệu của sách, nâng cao nhận thức của học sinh về vai trò, ý nghĩa của sách đối với việc học tập trong nhà trường và ngoài xã hội, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể Thao TP.Thủ Dầu Một vừa phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Dầu Một tổ chức cuộc thi sách nói với chủ đề 'Từ trái tim đến trái tim' năm 2024. Đây là sân chơi ý nghĩa và bổ ích với những người yêu thích đọc sách, thích lan tỏa văn hóa đọc.

Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một trao giải cho các em học sinh

Góp thêm giá trị cho cuộc sống

Dù không tự tin giao tiếp trước đám đông nhưng đến cuộc thi với tinh thần thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của bản thân, cô Lê Thị Duyên (giáo viên trường Tiểu học Chánh Nghĩa) đã có những trải nghiệm tuyệt vời và xuất sắc đoạt giải nhất. Cô Duyên cho biết, cô rất thích cuốn sách “Sống có giá trị - Vì con cần có mẹ” gồm nhiều truyện ngắn rất hay. Vì thế cô đã thực hiện tác phẩm sách nói khái quát nội dung quyển sách và đọc lại câu chuyện mình tâm đắc nhất trong sách này. Đó là chuyện “Đôi mắt của mẹ” với câu ấn tượng “Khi bạn nhìn vào mắt của một người mẹ, bạn sẽ biết được tình yêu tinh khiết nhất mà mình có thể tìm thấy trên trái đất” (trích trong sách).

Với cô Duyên, xã hội ngày càng phát triển khiến con người ngày càng bận rộn và khoảng cách giữa cha mẹ với con cái ngày một xa. Khi đọc từng câu chuyện trong cuốn sách, bản thân cô đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc yêu thương, trách nhiệm với gia đình. Thông qua tác phẩm dự thi của mình, cô Duyên muốn khơi gợi trong các bạn trẻ về sự cảm nhận tình cảm yêu thương dành cho cha mẹ. Dù cha mẹ chưa hiểu, nhưng họ rất yêu thương chúng ta. Mỗi người con cần phải biết cảm thông, học cách yêu thương và thể hiện sự yêu thương cha mẹ nhiều hơn khi còn có thể.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thùy Dung (giáo viên trường Tiểu học Hiệp Thành) cho rằng, sau khi đọc được những câu chuyện truyền cảm hứng trong sách Dân trí, cô đã có thêm kiến thức để vận dụng vào công việc giảng dạy học sinh. Và cô Dung đã thực hiện tác phẩm sách nói với nội dung kể về một học sinh không được cô giáo yêu mến, nhưng sau khi cô tìm hiểu và cảm nhận được những khó khăn của cậu bé thì cô đã suy nghĩ cách để tạo sự hứng thú trong học tập nhiều hơn, giúp em tiến bộ hơn. Qua câu chuyện này, cô Dung đã biết cách dùng tình yêu thương, cách truyền đạt để thu hút học sinh, giúp việc dạy và học dễ dàng hơn. Cô hy vọng đây sẽ là bài học nhỏ về kỹ năng để các đồng nghiệp có thể chinh phục tất cả học sinh thân yêu của mình, kể cả với học sinh cá biệt.

Lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc

Guồng quay tất bật của cuộc sống đã vô tình khiến thời gian đọc sách của chúng ta trở nên eo hẹp. Hiểu được nhu cầu đó, sách nói đã ra đời như một giải pháp cho lịch trình bận rộn của nhiều người khi vừa giúp người dùng tối ưu hóa thời gian vừa nâng cao văn hóa đọc.

Trao đổi với chúng tôi về những tiện ích của sách nói, cô Lê Thị Duyên cho biết, bản thân rất thích đọc sách và hiểu được những giá trị từ sách mang lại. Nhưng do cuộc sống bận rộn nên cô thường nghe sách nói trên điện thoại để giải trí hoặc tìm hiểu vấn đề mình quan tâm. Và cuộc thi sách nói TP.Thủ Dầu Một là một sân chơi rất ý nghĩa vì đã tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh thể hiện khả năng truyền đạt cảm xúc, những câu chuyện hay, bài học giá trị trong cuộc sống, giúp truyền cảm hứng yêu thích đọc sách nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện nghe nhìn, sách nói (Audio book) đang trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Sách nói mang lại những lợi ích không thể phủ nhận, nhất là với trẻ em, người bận rộn, người cao tuổi, người khiếm thị. Nghe sách nói có thể thu hút sự chú ý cũng như tạo thêm động lực cho các em đọc sách. Sách nói còn hữu dụng cho người bận rộn không có thời gian đọc sách khi chúng ta hoàn toàn có thể vừa nghe vừa làm việc khác mà không cần phải chú ý đến từng chữ khi nhìn vào trang sách như khi đọc sách giấy.

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm, qua một tháng phát động, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 223 bài dự thi của các học sinh THCS và giáo viên 2 cấp tiểu học và THCS. Trong đó, Ban Tổ chức đã quyết định trao 32 giải thưởng gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Kết quả chung cuộc, cô Lê Thị Duyên (trường Tiểu học Chánh Nghĩa) đã xuất sắc đoạt giải nhất bảng dành cho giáo viên. Giải nhì thuộc về thầy Nguyễn Võ Hữu Được (trường trung - Tiểu học Pétrus Ký) và cô Đặng Vũ Quỳnh Chi (trường Tiểu học Phú Mỹ). Giải ba thuộc về cô Nguyễn Thị Thùy Dung (trường Tiểu học Hiệp Thành), cô Ngô Thị Hải Yến (trường Tiểu học Phú Lợi 2) và cô Trương Thị Mỹ Trang (trường THCS Nguyễn Văn Cừ). Ở bảng dành cho học sinh, em Lê Thanh Trúc (trường THCS Phú Hòa) đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về Bùi Trần Hoàng Minh (trường THCS Phú Hòa) và Phùng Võ Minh Đan (trường THCS Phú Mỹ).

THỤC VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/kenh-tie-p-ca-n-tri-thu-c-tie-n-i-ch-a325598.html