'Kênh' trợ vốn hiệu quả cho các hợp tác xã
Được tăng cường tài chính từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo dự kiến, trong tháng 11 tới đây, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sẽ thu hoạch khoảng 100 tấn hành tím. Sản lượng vụ mùa này tăng hơn gấp đôi so với vụ trước, hứa hẹn mang đến thu nhập đáng kể cho các thành viên. Do mới thành lập được hơn nửa năm nay, có số lượng 21 thành viên với diện tích đất sản xuất 12ha, nên hợp tác xã cần vốn cho hoạt động sản xuất.
Tháng 6 vừa qua, nắm bắt thông tin nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki đã làm hồ sơ, cụ thể phương án hoạt động và được duyệt vay 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư mua giống hành tím, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu nông sản cho thành viên. Mùa vụ trước, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki đã cung cấp ra thị trường hơn 40 tấn hành tím, trong đó, có 9 tấn được xuất khẩu sang Nhật Bản. Mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ của hợp tác xã được đánh giá có nhiều triển vọng, hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát (xã Kế Thành, huyện Kế sách, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Với 500 triệu đồng vốn vay từ quỹ, Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng mạnh dạn hỗ trợ cho thành viên mua lúa giống, phân bón… Ông Nguyễn Văn Đậm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát chia sẻ: “So với các ngân hàng thương mại, thủ tục vay từ quỹ nhanh gọn, đơn giản hơn. Lãi suất cho vay ưu đãi (6%/năm). Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, còn được giãn hoặc hoãn thời gian trả nợ. Được trợ giúp về nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi mới mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho việc sản xuất, kinh doanh. Sau 2 năm làm ăn thuận lợi, hiện chúng tôi chỉ còn dư nợ 150 triệu. Theo quy định, thời gian vay của quỹ là 3 năm, nếu thời gian vay được lâu hơn thì các hợp tác xã sẽ linh hoạt sử dụng vốn giúp cho việc sản xuất, kinh doanh phát triển hơn”.
Cũng là một trong những đơn vị điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ, đại diện Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu cho biết, đầu năm 2020, hợp tác xã đã vay 500 triệu đồng để mua con giống, thuốc, thức ăn thủy sản... Sau hơn 2 năm sử dụng vốn vay, thu được lợi nhuận gần 400 triệu đồng, hiện dư nợ vay từ quỹ của hợp tác xã còn khoảng 300 triệu đồng. Khi đã giải quyết khó khăn về vốn, Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng bắt tay mở rộng quy mô sản xuất, giúp các thành viên tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Giữa năm 2021, sau khi tiếp cận vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã xây dựng nhà xưởng, mua máy sản xuất dây nhựa phục vụ cho việc đan đát, gia công các sản phẩm bàn, ghế, sọt giả mây. Năm trước, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hợp tác xã vẫn duy trì hoạt động, xuất bán trên 100.000 sản phẩm đến các tỉnh, thành phố lân cận, thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Nguồn vốn nâng lên, hợp tác xã tích cực mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khai thác lĩnh vực sản phẩm đan đát hàng thủ công mỹ nghệ tạo ra sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi.
Có thể nói, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng đã mang lại hiệu quả đáng kể cho hoạt động của các hợp tác xã. Đồng chí Nguyễn Thế Cường - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cho biết, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng ra đời vào năm 2009 và được chuyển giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh quản lý, điều hành vào ngày 13/6/2019, với vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, có 12 hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ quỹ với tổng dư nợ là 4,9 tỷ đồng.
“Hiện toàn tỉnh có 219 hợp tác xã và nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động và phát triển của các đơn vị này. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng là một kênh trợ vốn hiệu quả, tuy nhiên, nhu cầu về vốn của hợp tác xã khá lớn, trong khi đó nguồn vốn của quỹ chỉ đáp ứng được một phần. Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ 20 tỷ đồng cho quỹ” - đồng chí Nguyễn Thế Cường cho biết.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thế Cường, để đảm bảo các hợp tác xã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng đã lập đoàn kiểm tra, thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng vốn ở các hợp tác xã được vay. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng Đề án Đổi mới mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, liên kết và thống nhất cơ chế hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương.