Kenzo Takada và 'giấc mộng Á Đông' chinh phục kinh đô thời trang thế giới
'Huyền thoại thời trang' Kenzo Takada đã yên nghỉ ở tuổi 81 nhưng di sản và giấc mộng Á Đông của ông vẫn được những nhà thiết kế của Kenzo trân trọng và kế thừa.
Rạng sáng ngày 5/10, truyền thông Pháp đưa tin ông Kenzo Takada – người sáng lập ra thương hiệu thời trang đình đám thế giới Kenzo đã qua đời tại một bệnh viện gần thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 4/10. Ông hưởng thọ 81 tuổi.
Người đại diện của nhãn hàng cho biết nhà thiết kế Nhật Bản nhập viện vào ngày 10/9 khi tình hình sức khỏe trở nên nghiêm trọng. Ông được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tin nhà thiết kế Kenzo Takada qua đời được thông báo chỉ vài giờ sau khi show diễn Xuân Hè 2021 của thương hiệu Kenzo tại Tuần lễ thời trang Paris kết thúc.
Kenzo Takada sinh năm 1940 tại Himeiji, Nhật Bản, trong một gia đình bình thường, bố mẹ làm chủ quán trọ. Năm 18 tuổi, Takada thi đậu vào ngành Ngữ Văn, Đại học Kobe theo mong muốn của bố mẹ. Nhưng ông nhanh chóng nhận thấy mình không hợp với những câu từ, chữ nghĩa. Takada đã bỏ dở và ghi danh vào Đại học Bunka chuyên ngành thời trang - nơi mà ông là một trong những sinh viên nam đầu tiên.
Takada từng chia sẻ: “Tôi từng được nghe rằng một người đàn ông Nhật Bản không thể làm việc trong ngành thời trang ở Paris. Nam giới không được phép vào trường thiết kế. Sáng tạo không được chấp nhận trong xã hội Nhật Bản vào những năm 1950. Và hơn tất cả, bố mẹ tôi phản đối ý tưởng tôi làm việc trong lĩnh vực thời trang ”.
Thật vây, phải đến năm 1960, bước ngoặt cho con đường sáng tạo thời trang của ông là giải thưởng Soen danh giá. Sau đó, Takada làm việc cho một cửa tiệm thời trang ở Sanai với tư cách “thợ thiết kế – cắt – may”. Hoàn toàn chú tâm vào công việc, không nề hà những việc nhỏ nhặt ban đầu, Takada đều đặn cho ra mắt tới 40 trang phục mỗi tháng, tạo ấn tượng không nhỏ tới ngành công nghiệp thời trang địa phương. Có thể nói, quãng thời gian làm việc tại Sanai đã ảnh hưởng rất nhiều tới hồn thiết kế của Kenzo mãi cho tới tận về sau này.
Cuộc đời của ông đã thay đổi khi chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 1964, khu chung cư của ông bị phá bỏ và ông được bồi thường 10 tháng tiền nhà. Ông chuyển đến Pháp và chật vật lập nghiệp tại Paris vào năm 1965. Phải mất một thời gian để ổn định cuộc sống, Takada mới có thể cầm bút phác thảo trở lại. Chịu ảnh hưởng từ những trang phục của André Courrèges, Takada cho ra mắt liền lúc 30 mẫu thiết kế và một vài trong số đó đã lọt vào mắt của Louis Feraud.
Những ngày sau đó, ông chuyển sang làm việc ở nhiều cửa hàng thời trang để trau dồi kinh nghiệm ngành Vải và Dệt may từ Pisanti. Cho đến khi thực sự cảm nhận được độ chín của bản thân, Takada Kenzo đi bước mạo hiểm đầu tiên khi mở cửa hàng tại Galerie Vivienne mang tên "Jungle Jap", tiền thân của Kenzo vào năm 1970. Vào thời điểm đó, một tác phẩm trong bộ sưu tập của ông đã được đăng trên trang bìa của tạp chí Elle và thu hút được sự chú ý của dư luận ngành thời trang quốc tế.
Năm 1971, tên tuổi của ông bắt đầu lan rộng và các BST được trình diễn tại Tokyo và New York. Ông ra mắt các bộ sưu tập dành cho nam giới bắt đầu từ năm 1983. Năm 1999, ông từ giã sự nghiệp thiết kế thời trang với bộ sưu tập Kenzo cuối cùng để đầu tư cho việc sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh may mặc, ông Takada cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như thiết kế nội thất, nước hoa… Nhà thiết kế Takada còn nhận được huân chương danh dự ở tại Nhật Bản và Pháp.
Kenzo Takada được biết đến là "con hổ Á Đông" của thời trang thế giới. Không chọn con đường Haute Couture mà thay vào đó Takada chọn con đường phát triển bền bỉ qua các bộ sưu tập Ready-to-wear chất lượng từng đường kim mũi chỉ. Trong đó phải kể tới tinh thần đậm chất Á Đông được Takada Kenzo thể hiện rõ nét trên nền chất liệu cao cấp, nét thanh lịch của phương Tây.
Những mẫu thiết kế ban đầu của Kenzo mang nét truyền thống đặc trưng của xứ Phù tang, nhưng lại được thổi vào đó một hơi thở của tinh thần hiện đại. Chúng trở thành thơ Haiku, nghệ thuật gấp giấy Origami, nghệ thuật cắm hoa Ikebana trong thế giới của thời trang, với những sáng tạo đầy ngẫu hứng và chất thơ. Các họa tiết táo bạo, khác thường là yếu tố chính trong thành công ban đầu của Takada. Ông nói: “Họa tiết hoa được sử dụng rộng rãi trong kimono và hàng dệt may luôn có sự hiện diện mạnh mẽ của thiên nhiên trong nghệ thuật Nhật Bản. Những bộ quần áo, áo cánh nhà thơ tay phồng, quần dài xếp nếp và kimono hoa là những bộ quần áo vừa vặn, trẻ trung".
Việc phát triển thương hiệu thời trang theo hướng "ready-to-wear" thuần nhất giúp cho Kenzo luôn bắt kịp với xu hướng thời trang mà vẫn giữ vững được bản sắc Á Đông dị biệt. Những thiết kế được chắt lọc và pha trộn bởi phong cách Nhật Bản truyền thống và Châu Âu thanh lịch kể cho chúng ta những câu chuyện về một thế giới tự nhiên đầy màu sắc, phiêu lưu cùng những vẻ đẹp đa văn hóa, dân tộc, tôn giáo. Takada lấy cảm hứng thời trang từ khắp nơi trên thế giới, từ Nga tới Machu Picchu, Bohemia, rồi lại quay ngược trở về quê nhà Nhật Bản của mình. Trở thành tiếng nói của thiên nhiên, của những cuộc tỏ tình giữa các nền văn hóa, Kenzo đã tồn tại vững vàng suốt 50 năm qua giữa lòng Paris hoa lệ.
“Buổi trình diễn thời trang đầu tiên của anh ấy thật đáng nhớ. Nhẹ nhàng và vui tươi, với việc các người mẫu nhảy múa và đi lại nhiều hơn là trình diễn quần áo, khác xa với tầm nhìn thứ bậc của thời trang cao cấp Pháp", Olivier Gabet, giám đốc Museé des Arts Décoratifs, chi nhánh nghệ thuật ứng dụng của Louvre chia sẻ.
Mặc dù ban đầu ông chỉ định ở lại Paris sáu tháng, nhưng cuối cùng ông đã sống ở đó 56 năm và công việc của ông đã mở ra cánh cửa không chỉ cho các nhà thiết kế Nhật Bản có ảnh hưởng lớn sau ông như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo,...mà còn tạo ra một loại hình thẩm mỹ kết hợp mới vượt qua biên giới, màu sắc và văn hóa, chấp nhận sự đa dạng và ảnh hưởng đến một thế hệ. “Kenzo Takada là một nhân vật rất đặc biệt trong thế giới thời trang Paris,” Gabet nói thêm.
Được biết đến với nụ cười rạng rỡ và tinh thần vui vẻ, Takada nổi tiếng với câu nói “thời trang giống như ăn uống, bạn không nên chọn cùng một thực đơn”. Câu nói đó dường như truyền cảm hứng để các nhà thiết kế trên thế giới không ngừng sáng tạo.
Sau khi Takada Kenzo tuyên bố nghỉ hưu, bộ đôi giám đốc sáng tạo Humberto Leon và Carol Lim đảm nhận "chèo lái" hành trình Kenzo. Tinh thần nguyên bản của thương hiệu được khôi phục từ bộ sưu tập Memento đầu tiên được giới thiệu vào mùa thu đông 2017 và tiếp nối trong bộ sưu tập Kenzo xuân hè 2018 - Memento no.2 và sau này là Memento no.3.
Học hỏi và truyền đạt tinh thần, màu sắc, ngôn ngữ cùng dòng năng lượng vô hạn từ Kenzo Takada - người sáng lập nên thương hiệu danh giá thông qua những thiết kế mới mẻ. Giới thời trang ngỡ ngàng khi bộ đôi Humberto Leon và Carol Lim thỏa sức sử dụng các chất liệu tân tiến và thêm nếm vào đó những giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản để mang đến những thiết kế "retro" thành công. Thể hiện nét đan xen giữa các làn sóng văn hóa, sự pha trộn của những sắc màu tương phản, bộ 3 Memento đã tạo nên tiếng vang lớn, tái hiện ký ức đẹp đẽ một thời của Kenzo Takada.
Đến nay, Giám đốc sáng tạo hiện tại của Kenzo, Felipe Oliveira Baptista, người thừa kế di sản và tiếp tục khám phá con đường sáng tạo khác biệt, phát huy rõ tinh thần du mục của nhà sáng lập Kenzo Takada, nhưng vẫn không mất đi nét thanh lịch rất riêng của thương hiệu. Baptista viết trên trang cá nhân: "Tạm biệt, Quý Ngài. Năng lượng tuyệt vời, lòng tốt, tài năng, nụ cười nhân hậu của ông sẽ sống mãi". Thị trưởng Paris Anne Hidalgo tiếc thương "người con trai của Paris", bày tỏ trên Twitter: “Một nhà thiết kế với tài năng vô cùng lớn, anh ấy đã mang đến màu sắc và ánh sáng cho thời trang. Paris hôm nay đang để tang một trong những người con trai của mình"
Việc nhà thiết kế Kenzo Takada qua đời giữa bối cảnh Tuần lễ thời trang Paris đang vật lộn để tiếp tục bất chấp đại dịch, với hàng loạt các buổi trình diễn trực tiếp không được tổ chức dường như là mất mát, tổn thương lớn của ngành thời trang thế giới lúc này./.