Kéo dài chân: Những điều cần biết
Đáp ứng nhu cầu về chiều cao của nhiều người, trong nhiều năm gần đây, phẫu thuật kéo dài chân với mục đích thẩm mỹ ở Việt Nam đã phổ biến hơn. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lượng - Khoa Chấn thương tổng hợp, Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - thì Khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tới khám với nhu cầu cải thiện chiều cao.
Mới đây, anh T.T.M. (20 tuổi), cao 1,65 m đã được thực hiện ca phẫu thuật kéo dài chân, sau 8 ngày phẫu thuật, anh cho hay chỉ hơi đau và kỳ vọng cao thêm ít nhất 7 cm nữa. Hiện, anh có thể tự ngồi xe lăn đi lại và có thể ra viện trong vài ngày tới.
BS Nguyễn Văn Lượng - Viện Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết để kéo dài chân, bệnh nhân phải trải qua 3 lần phẫu thuật, cắt rời xương nhưng không làm tổn thương màng xương. Qua thời gian, màng xương và tủy xương sẽ sinh xương, lắng đọng canxi tạo thành xương mới. Thời gian trung bình kéo dài 7 cm chân cần ít nhất 60-70 ngày. Nhiều ca đã được thực hiện thành công. Sau một năm, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, thậm chí, đá bóng, chơi thể thao.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được chỉ định thực hiện, bởi đây là một dạng phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi thời gian dài.
Tối đa có thể kéo dài chân thêm 16 cm
BS Lượng cho biết: Kéo dài chân có thể kéo ở hai nơi là cẳng chân và đùi. Cẳng chân có thể kéo dài được 8–8,5 cm. Sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, nếu bệnh nhân có nhu cầu có thể tiếp tục kéo dài ở đùi. Tối đa cho việc kéo dài ở đùi cũng là 8 cm.
Các BS khẳng định rằng, phần xương kéo dài hoàn toàn ổn định, người bệnh sau khi kéo dài xương hoàn toàn có thể vận động thoải mái, thậm chí là đá bóng. Hiện nay, sau khi hết thời gian căng giãn xương, các BS đều tiêm cho bệnh nhân tế bào gốc để hỗ trợ nhanh hơn quá trình liền xương.
Độ tuổi tốt nhất để một người tiến hành phẫu thuật kéo dài chân là từ 18–35 tuổi. Đây là giai đoạn xương đã hết tuổi phát triển và có khả năng phục hồi tốt.
Đối với các bạn gái, 8 cm chiều cao là một sự thay đổi rất đáng kể về ngoại hình. Vì vậy, rất ít người có nhu cầu kéo dài cả cẳng chân và đùi. Hầu hết các trường hợp chỉ kéo dài ở cẳng chân.
Các vết thương không lớn và nhiều
TS Nguyễn Văn Lượng chia sẻ: Nhiều người lầm tưởng rằng: Khi đi phẫu thuật kéo dài chân, bạn sẽ phải mất cả năm “nằm bất động” và cần có người phục vụ. Nhưng không hẳn vậy. Sự thật là, ta phải bỏ ra tổng cộng 1,5 tháng cho mỗi cm chiều cao tăng thêm. Để kéo dài chân thêm 8 cm, ta sẽ mất tổng cộng 1 năm điều trị. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ta nằm bất động. Các bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân của mình vận động, nhưng với cường độ nhẹ nhàng và đúng phương pháp. Đối với những bệnh nhân có nghề nghiệp không đòi hỏi sự di chuyển nhiều như công việc về phần mềm hay công nghệ thông tin thì việc thực hiện phẫu thuật kéo dài chân không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Nhiều người bị hạn chế về chiều cao rất muốn thực hiện loại hình phẫu thuật này song vẫn còn lo sợ sự đau đớn. Thực tế, tại xương không có các dây thần kinh cảm giác nên việc cắt xương không gây ra sự đau đớn. Bệnh nhân chỉ đau tại mô ở vết mổ, hoặc trong quá trình nẹp khung cố định bị viêm chân đinh xuyên qua da. Tuy nhiên, hiện nay, trường hợp này rất ít xảy ra.
Bệnh nhân Nguyễn Q. A. (20 tuổi – Hải Phòng) thực hiện phẫu thuật kéo dài chân đầu tháng 11/2018 vừa qua cho biết: “Em chỉ đau trong hai ngày đầu do vết mổ. Sau đó, không còn thấy đau nữa, và đến nay thì đã quen dần”.
Dĩ nhiên, không có gì là dễ dàng. Không phải tự nhiên mà bạn có thể tăng được đến 5–6% chiều cao của mình như vậy. Tất cả những bệnh nhân phẫu thuật kéo dài chân đều phải có quyết tâm và ý chí rất lớn.
Bất tiện lớn nhất của bệnh nhân phẫu thuật kéo dài chân là sự hạn chế vận động trong một thời gian dài. Trước đây, mỗi bệnh nhân khi thực hiện phẫu thuật này buộc phải đeo khung cố định trong suốt thời gian điều trị. Chiếc khung này khá lớn và cồng kềnh, ngoài việc đi lại khó khăn thì cũng gây thêm phiền phức về lựa chọn trang phục. Thêm vào đó, việc thực hiện phẫu thuật theo phương pháp cũ với chiếc khung lớn, đinh có chu vi 4,5 mm tạo ra khả năng nhiễm trùng chân đinh cao hơn. Đối với những người quen vận động, việc phải “giam mình” trong chiếc khung cồng kềnh đó thực sự là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các bác sĩ cho biết đã áp dụng phương pháp mới, với thời gian mang khung ít hơn, chỉ khoảng 3 tháng và sử dụng đinh nội tủy. Điều này không chỉ giúp các bệnh nhân thuận tiện hơn trong sinh hoạt cuộc sống mà giảm thiểu đáng kể nguy cơ nhiễm trùng chân đinh.
TS.BS Nguyễn Văn Lượng nhận định rằng, việc phẫu thuật kéo dài chân ở Việt Nam hiện nay có thể được coi là khá an toàn. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây không có những ca điều trị thất bại, bị biến dạng khung xương hay xương bàn chân. Tuy vậy, bạn vẫn nên cân nhắc trước sự lựa chọn này. Sự tự tin và hạnh phúc nằm trong chính bạn, chứ không hoàn toàn bởi chiều cao.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/keo-dai-chan-nhung-dieu-can-biet-tintuc455277