Kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giảm áp lực tài chính cho khách hàng

Trước tình hình bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, Thủ tướng vừa tiếp tục ban hành Công điện số 92 Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN Việt Nam chỉ đạo các TCTD kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh. Thực tế, trước đó NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các TCTD chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành...

Theo chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng, trong những ngày qua ngân hàng đều chủ động triển khai cơ cấu nợ lại dư nợ bị ảnh hưởng theo quy định tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất... Có thể nói, thời gian qua, việc NHNN ban hành hai Thông tư 02 và nay là Thông tư 06, theo đánh giá của giới chuyên môn, là rất kịp thời, tháo gỡ phần nào khó khăn trong xử lý nợ xấu cho các TCTD cũng như giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó đóng góp tích cực, giúp nền kinh tế trong nước giai đoạn vừa qua có thêm động lực để tiếp tục phục hồi cả từ phía cung các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như từ phía cầu người tiêu dùng.

Theo quy định tại Thông tư 06, TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đến 31/12/2024. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thời hạn trên là chưa đủ dài để giúp doanh nghiệp cũng như người dân phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra.

Nhóm nghiên cứu của Saigon Ratings nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế năm 2024 với sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và FDI, nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong đó có khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa khởi sắc, ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch và đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu tại các TCTD vẫn tăng. “Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi. Điều này đã khiến các TCTD buộc phải thực hiện chính sách thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang tiếp tục có xu hướng gia tăng”, nhóm nghiên cứu phân tích thêm và đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ.

Chung quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc nợ xấu vẫn ở mức cao thì khả năng NHNN phải tiếp tục gia hạn tái cơ cấu nợ thêm một thời gian, tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu. Nếu không gia hạn, nợ xấu nội bảng cao có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Ngoài áp lực nợ xấu tăng, điều giới chuyên môn băn khoăn nữa là tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đã giảm từ mức 149% tại cuối quý I/2022 xuống mức 81% tại cuối quý II/2024. Thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu và duy trì các tỷ lệ an toàn tài chính. Theo nhóm nghiên cứu Saigon Ratings, khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao, các TCTD sẽ phải tăng chi phí trích lập dự phòng và lợi nhuận của các TCTD suy giảm. Theo đó, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào hệ thống ngân hàng nói riêng cũng như nền kinh tế nước ta nói chung. Điều này có thể sẽ kéo theo những hệ lụy rất khó lường về tỷ giá, lạm phát, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn.

Do đó, nhóm nghiên cứu này đề xuất NHNN gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm ít nhất là 1 năm nữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết để kinh tế thế giới cũng như trong nước thực sự đi vào chu kỳ tăng trưởng ổn định, thị trường bất động sản trong nước đạt được độ “ngấm” chính sách, tạo ra tác động lan tỏa thực sự đáng kể đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng và khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân trong nước.

Đối với chính sách, trước khi ban hành Thông tư 06, NHNN cho biết, tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai chính sách để kịp thời có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, ngành Ngân hàng đang thực hiện mọi giải pháp để hỗ trợ khách hàng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, hồi phục hoạt động kinh doanh.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/keo-dai-thoi-gian-co-cau-no-giam-ap-luc-tai-chinh-cho-khach-hang-155511.html