Kéo dài thời gian thực hiện Dự án kết nối giao thông Tây Nguyên đến năm 2024
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trị giá 155,8 triệu USD sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia.
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định 818/QĐ – BGTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên từ năm 2017 đến ngày 31/12/2024, kéo dài thêm 1 năm so với phê duyệt trước đó của Bộ GTVT.
Các nội dung khác vẫn được giữ nguyên theo Quyết định số 982/QĐ-BGTVT ngày 22/5/2019 và văn bản số 2465/BGTVT-KHĐT ngày 29/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư và chấp thuận điều chỉnh thiết kế cơ sở Dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, báo cáo tại các văn bản trình duyệt; chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo kết thúc Dự án đúng tiến độ được duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án; đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Trên cơ sở thời gian Dự án được gia hạn và tình hình triển khai thực tế, Ban quản lý dự án 2 chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch tổng thể, chi tiết công việc còn lại của Dự án. Căn cứ các điều khoản hợp đồng để quyết định gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu cho phù hợp, đồng thời xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý theo quy định của hợp đồng.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có mục tiêu góp phần kết nối hệ thống đường bộ với các nước láng giềng; tăng cường kết nối giao thông và logistics dọc theo hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung và xây dựng hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế.
Dự án đặt mục tiêu nâng cấp 127 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27 km - 35 km tuyến tránh trên địa bàn 2 tỉnh: Bình Định và Gia Lai, với tổng vốn đầu tư gần 155,8 triệu USD, trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.
Thời gian thực hiện Dự án theo Quyết định số 982 là từ năm 2017 đến năm 2023.
Có 5 lý do khiến Dự án phải gia hạn thêm 1 năm: chậm được giao vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết; chậm tiến độ thiết kế kỹ thuật; địa chất, địa hình phức tạp; công tác cấp phép khai thác đất đắp kéo dài hơn dự kiến do công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản (đất đắp) được xiết chặt, đặc biệt từ 8/3/2023.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng khối lượng thi công lũy kế tại Dự án là 1.298,7/2.187 tỷ đồng (đạt 59% giá trị hợp đồng, không tính dự phòng), chậm so với tiến độ hợp đồng (được chấp thuận lần đầu ) là 38%, chậm so với tiến độ đã điều chỉnh 11%.
Giải ngân từ đầu dự án đến nay là 1.205/3.654,440 tỷ đồng đạt 33% so với tổng mức đầu tư dự án; giải ngân năm 2022 đạt 607,4861/626,061 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm. Kế hoạch vốn được giao năm 20232 là 638,193 tỷ đồng; đã giải ngân 234/638,193 tỷ đồng (đạt 35%).