Kéo dài tiêm phòng đợt 1 cho gia súc, gia cầm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, hầu hết các địa phương đều đã triển khai tiêm phòng kỳ 1 cho đàn gia súc, gia cầm. Đây là đợt tiêm chính và đang triển khai tiêm vét nhưng hiện phải tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; vì vậy, Chi cục dự kiến sẽ kéo dài đợt tiêm phòng đến giữa tháng 5/2020.
Theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm được triển khai đồng bộ, thực hiện 2 đợt chính trong năm (đợt 1 vào tháng 3 và tháng 4; đợt 2 vào tháng 9 và tháng 10) và thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng, tiêm phòng đột suất bao vây khi có ổ dịch phát sinh.
Từ đầu tháng 4, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các huyện, thành phố, thị xã đã tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Do đó, tiến độ tiêm các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1 chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện tiêm được 32.650 liều vắc xin lở mồm long móng (đạt 28% kế hoạch đợt 1); 32.650 liều vắc xin tụ huyết trùng trên trâu, bò (đạt 28% kế hoạch đợt 1); 32.790 liều vắc xin dịch tả lợn và vắc xin tụ huyết trùng trên lợn 32.790 liều (đạt 24% kế hoạch đợt 1); 959.000 liều vắc xin cúm gia cầm (đạt 48% kế hoạch năm); 26.272 liều vắc xin dại chó (đạt 27% kế hoạch năm).
Để bảo đảm đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị, thời gian tới khi hết thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, các địa phương cần tăng cường tổ chức tiêm phòng và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm để đạt kế hoạch đề ra.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đúng liều và đúng định kỳ.