Kéo giảm nguy cơ hỏa hoạn tại các doanh nghiệp dệt may

Toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, chủ yếu nằm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút nhiều lao động. Đây là ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên trong những năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh luôn chú trọng công tác PCCC tại các doanh nghiệp này, góp phần kéo giảm các vụ cháy của các doanh nghiệp dệt may.

Công an H.Long Thành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Xí nghiệp May 4, Công ty CP Đồng Tiến (H.Long Thành). Ảnh: M.Thành

Công an H.Long Thành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Xí nghiệp May 4, Công ty CP Đồng Tiến (H.Long Thành). Ảnh: M.Thành

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, những năm gần đây, số vụ cháy tại các cơ sở ngành dệt may không nhiều nhưng đều là các vụ cháy lớn, tốc độ cháy lan cao, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các doanh nghiệp.

* Nguy cơ cháy cao

Phần lớn các vụ cháy tại các doanh nghiệp dệt may đều xảy ra vào ban đêm, lửa bén vào các vật liệu dễ cháy đã nhanh chóng bùng lên thành ngọn lửa lớn, vượt ngoài sự khống chế của lực lượng chữa cháy cơ sở.

Cụ thể như tối 30-3, một vụ cháy lớn xảy ra tại kho vải phế phẩm của Công ty Dệt ChoongNam Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm sợi ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) và lan sang nhà xưởng của một công ty bên cạnh. Sau gần 3 giờ chữa cháy, vụ cháy được lực lượng chức năng dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi nhà xưởng hàng ngàn mét vuông và nhiều tài sản bên trong kho của công ty.

Một trong những vụ cháy lớn ở doanh nghiệp dệt may trong những năm gần đây phải kể đến vụ cháy ở Công ty TNHH Dệt Hoành Thân (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) ngày 17-3-2018, kéo dài suốt 20 giờ, thiêu rụi khoảng 3 ngàn m2 nhà xưởng.

Lý giải về nguy cơ cháy lớn của các doanh nghiệp dệt may, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, tại các doanh nghiệp này có lượng hàng hóa, nguyên vật liệu, phế phẩm đều là chất dễ cháy (bông, vải, sợi). Trong quá trình sản xuất, trong các nhà xưởng, kho tồn tại nhiều sợi, bông vải nhỏ ở khắp nơi; chỉ cần một tia lửa điện là ngọn lửa nhanh chóng bùng lên.

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ công an tỉnh và công an cấp huyện đã phát hiện nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn chưa đảm bảo an toàn PCCC. Cụ thể như: một số cơ sở vẫn xuất hiện tình trạng sắp xếp hàng hóa chưa gọn gàng, vệ sinh công nghiệp chưa đều đặn. Hoặc người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị khắc phục hạn chế trong công tác PCCC của cơ quan chức năng; một số cơ sở thuê lại diện tích từ đơn vị khác nên cơ sở vật chất lâu năm xuống cấp, cơi nới thiếu an toàn...

Ngoài ra, một số lỗi thường gặp tại các doanh nghiệp dệt may là: trang bị bình chữa cháy chưa đủ theo quy định, hệ thống đèn thoát hiểm, đèn chiếu sáng sự cố hư hỏng...

* Chủ động phòng cháy từ cơ sở

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Để đảm bảo an toàn PCCC ở các cơ sở dệt may, ngoài các yêu cầu chung của lực lượng chức năng thì người đứng đầu cần chú ý đến các thiết bị điện và tăng cường vệ sinh công nghiệp. Cụ thể là phải thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của thiết bị điện, nhiệt lượng các thiết bị này tỏa ra, các ổ điện, đường dây có bị cấn, bị đè, gấp khúc hay không... Vì việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy do chập điện bén vào các sợi bông vải li ti”.

Vì nhận thức được nguy cơ hỏa hoạn nên nhiều doanh nghiệp dệt may đã chú trọng hơn công tác phòng cháy góp phần quan trọng trong việc hạn chế hỏa hoạn tại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong công tác phòng cháy như: tự kiểm tra, thay thế các thiết bị điện cũ cũng như các phương tiện PCCC quá hạn, chú trọng công tác vệ sinh công nghiệp thường xuyên...

Cụ thể như tại Xí nghiệp May 4, Công ty CP Đồng Tiến (xã Lộc An, H.Long Thành), hằng ngày đều có cán bộ đi kiểm tra từng thiết bị máy móc theo bản kê sẵn và ghi chú những hỏng hóc, đề xuất lãnh đạo sớm sửa chữa. Hay như Công ty TNHH Elite Long Thành (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành), Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai (Tập đoàn Phong Thái, Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom)... đều đặn tổ chức thực tập phương án thoát hiểm cho công nhân, thuê đơn vị ngoài kiểm tra chéo công tác phòng cháy tại cơ sở để có cái nhìn khách quan, trung thực. Từ đó, người đứng đầu cơ sở nhìn nhận được “lỗ hổng” trong công tác phòng cháy, sớm có biện pháp khắc phục.

Ông Võ Văn Minh Thủy, Trưởng phòng phụ trách An toàn và quan hệ lao động Công ty TNHH Elite Long Thành cho biết: “Ngành Dệt may có vốn đầu tư rất lớn vào dây chuyền, máy móc và các hợp đồng phải hoàn thành nên luôn chứa nhiều nguyên liệu, thành phẩm trong cơ sở. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn PCCC là vấn đề sống còn, được Ban lãnh đạo công ty rất quan tâm, chú trọng”.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202005/keo-giam-nguy-co-hoa-hoan-tai-cac-doanh-nghiep-det-may-3003567/