Kéo giảm số vụ cháy nhà vừa ở, vừa kinh doanh
Sau 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh do Bộ Công an phát động, toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức người dân về nguy cơ cháy tại loại hình nhà ở này, góp phần kéo giảm số vụ cháy, thiệt hại do cháy gây ra.
* Đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng kiểm tra
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong thời gian từ ngày 15-4-2021 đến 15-4-2022, trên toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 6,4 tỷ đồng (so với cùng giai đoạn 15-4-2020 - 15-4-2021 giảm 1 vụ cháy, giảm 1 người bị thương, thiệt hại giảm 8,6 tỷ đồng nhưng tăng 1 người chết). Trong tổng số 27 vụ cháy, có 5 vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm tỷ lệ 18,5%), không gây thiệt hại về người.
Có được kết quả trên, theo thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cao điểm, cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn, góp phần làm giảm các vụ cháy xảy ra. Trong đó, tập trung đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, trên toàn tỉnh hiện có khoảng 57 ngàn căn nhà để ở kết hợp kinh doanh, trong đó có gần 29 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, hơn 28 ngàn cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
Cụ thể, ngoài xây dựng phóng sự, tin, bài trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, lực lượng chức năng còn đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở thông qua hệ thống phát thanh của phường, xã, thị trấn. Song song đó, còn trực tiếp phát tờ rơi, cẩm nang an toàn PCCC đến các hộ gia đình, vận động các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC… nhằm giúp người dân nắm được các biện pháp phòng ngừa và xử lý cháy, nổ, cách thoát hiểm an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, biết được các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại hộ gia đình cũng như nhiệm vụ của chủ hộ và các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt, công an các địa phương đã đồng loạt phát động phong trào vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ 2 đến tận cấp xã... Đến nay, đã có hơn 59 ngàn hộ mở thêm lối thoát nạn thứ 2 cho nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trong tổng số hơn 60 ngàn căn nhà bắt buộc phải mở lối thoát nạn thứ 2 (đạt 98,75%).
Bên cạnh việc tuyên truyền, Công an tỉnh cũng triển khai kiểm tra an toàn PCCC hơn 58 ngàn lượt đối với các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; lập hơn 303 ngàn biên bản kiểm tra và vận động hàng trăm ngàn người dân ký bản cam kết đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xử phạt hơn 278 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC.
* Vẫn còn nhiều mối lo
Theo ghi nhận của lực lượng Cảnh sát PCCC toàn tỉnh, hầu hết các vụ cháy xảy ra tại các nhà riêng lẻ, nhà để ở kết hợp kinh doanh, sản xuất là do chập điện. Nguyên nhân chính là do sử dụng hệ thống điện quá tải so với thiết kế ban đầu, quá trình sử dụng hệ thống điện không được bảo trì, bảo dưỡng và cải tạo lại. Đồng thời, các đường dây điện, dây viễn thông đấu mắc tùy tiện; việc sắp xếp, bố trí số lượng lớn hàng hóa vật dụng dễ cháy không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, để sát thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị bảo vệ, bảng điện, dây dẫn điện dễ gây chập cháy.
Còn hơn 200 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao
Toàn tỉnh có 1.008 khu dân cư, trong đó có 208 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.
Đại úy Nguyễn Bá Giáp, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) đánh giá, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một số chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Cụ thể là chưa chủ động tìm hiểu kiến thức về PCCC; chưa chủ động trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ theo quy định hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng, chất lượng không đảm bảo, phương tiện không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; chưa thành thạo các kỹ năng thoát nạn và xử lý cháy, nổ…
Còn tại các khu dân cư hình thành lâu năm, có nơi người dân tự ý làm barrier để ngăn không cho các phương tiện giao thông có tải trọng lớn đi qua, không đảm bảo đường cho xe chữa cháy hoạt động, ảnh hưởng đến các hoạt động tổ chức chữa cháy. Không ít công trình được cấp phép xây dựng với mục đích là nhà ở, sau đó người dân tự ý tiến hành cải tạo, chuyển đổi công năng để phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất. Các cơ sở này có diện tích nhỏ, hẹp từ 25-100m2, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt để sản xuất, kinh doanh, kết hợp sử dụng diện tích không gian còn lại để làm khu sinh hoạt, ăn ở gia đình, không đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn ngày 24-5 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an đã giao phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ các tỉnh, thành tiếp tục tham mưu, thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai của các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Lãnh đạo, chỉ huy phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ thuộc phạm vi quản lý; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, bỏ trống địa bàn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.