Kéo giảm tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm – Bài 2

Bài 2: Nỗi đau mang tên… tai nạn giao thông!

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Gia đình nạn nhân là những người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại nỗi đau này. Ngoài cướp đi sức khỏe, tính mạng của nhiều người, TNGT còn kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc, vợ mất chồng, con trẻ bỗng chốc mồ côi…

Nỗi đau người ở lại...

Chúng tôi đã có dịp gặp những gia đình có người thân mất vì TNGT và cảm thấy thật xót xa. Thương nhất vẫn là những đứa trẻ mất cha, từ nay mất đi một chỗ dựa, một người nuôi nấng các em trưởng thành. Người mất vì bất cứ lý do gì, có lỗi khi tham gia giao thông hay là nạn nhân của TNGT thì người ở lại cũng mang nặng một niềm đau.

Chị Kiều Hạnh (phải) khóc khi kể lại những nỗi niềm trong cuộc sống sau khi chồng mất vì TNGT.Ảnh: QUỲNH NHƯ

Gần 2 năm trôi qua kể từ ngày chồng của chị Nguyễn Thị Hồng T. (ở huyện Bắc Tân Uyên) mất do TNGT nhưng gia đình vẫn chưa nguôi ngoai. Chồng chị mất khi chưa tròn 25 tuổi, con trai nay mới học mẫu giáo. Hai vợ chồng làm công nhân, lương thấp nhưng cũng cố gắng đắp đổi qua ngày. Chồng chị T. quê ở Thanh Hóa nên khi mất vì TNGT, gia đình được hướng dẫn để lo các thủ tục, liên hệ với chuyến xe “không đồng” đưa về quê làm đám tang. Trở lại với cuộc sống thường nhật, chị T. bàng hoàng với nỗi đau quá lớn. Phía gây tai nạn cũng khó khăn nên chỉ hỗ trợ gia đình chị khoảng chục triệu đồng. Hiện tại, chị T. cùng con trai sống ở nhà ba mẹ chị để đỡ chi phí tiền phòng trọ. Hàng tháng chị đi làm được 3-4 triệu đồng nên rất chật vật khi một mình nuôi con nhỏ.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 544 vụ TNGT, làm chết 306 người, bị thương 403 người, hư hỏng 841 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 78 vụ, tăng 69 người chết và tăng 33 người bị thương.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng ai cũng đều chua xót và đau thương, chỉ có những người trong cuộc mới là người thấm thía nỗi đau vì TNGT và chưa biết đến khi nào có thể nguôi ngoai. Tương tự chị T., chị Nguyễn Thị X. (33 tuổi, ngụ phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên) có 3 đứa con 10, 8 và 2 tuổi. Chồng chị X. mất do TNGT. Chị không ngăn được dòng nước mắt khi chuyện trò với chúng tôi. Giấc mơ cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc bỗng dừng lại khi chồng chị ra đi mãi mãi vì TNGT. Chị X. cho biết hai vợ chồng quê ở Đồng Nai sang Bình Dương mưu sinh. Thu nhập thấp nhưng cả hai vẫn cố vun vén cho gia đình. Chồng chị là trụ cột gia đình nhưng nay một mình chị phải tự cáng đáng mọi công việc trong gia đình.

Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Văn Lộng, KP.Chánh Lộc, phường Chánh Mỹ (TP. Thủ Dầu Một), chị Bùi Thị Kiều Hạnh, vợ của anh Trần Hữu S. (mất vì TNGT) vẫn chưa nguôi niềm đau sau hơn 2 năm chồng ra đi mãi mãi. Khi mất, anh S. mới 40 tuổi, là lao động chính trong gia đình. Chị Hạnh cho biết anh đi làm về thì bị vướng vào hàng rào ngăn một cái hố đang thi công ở bên đường. Anh tự té xe đoạn gần Công viên Thanh Lễ, TP.Thủ Dầu Một. Xe tải đi từ phía sau không thắng kịp nên anh ra đi đột ngột. “Tôi đã chết lặng trước mất mát quá lớn này nhưng nhìn lại hai đứa con còn nhỏ, ba ruột tôi bị tai biến không ai chăm sóc, sức khỏe của mẹ chồng cũng yếu và mẹ đã suy sụp trước sự ra đi của đứa con trai, nếu tôi không gượng dậy thì ai lo cho cả gia đình nên tôi đã cố gắng nén nỗi đau, thay chồng lo cho con và tiếp tục làm tròn chữ hiếu...”, chị Kiều Hạnh chia sẻ.

Quan tâm, chia sẻ gia đình các nạn nhân

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kiều T. (đường Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) và nhìn thấy những khó khăn của chị khi chồng là anh Nguyễn Văn N. và con trai 4 tuổi mất trong một vụ TNGT khiến mọi người xúc động. Đưa tay lau nước mắt rồi chỉ vào cô con gái 22 tuổi bị thiểu năng từ lúc sinh ra, chị cho biết trước đây anh N. là trụ cột kinh tế trong gia đình. Một mình anh làm nuôi 3 đứa con, chị thì bán xe nước mía phụ chồng. Anh mất, chị T. vẫn chưa nguôi được nỗi đau mất chồng và con nhưng vẫn phải gắng gượng để lo cho hai con còn lại.

Các cơ quan, ban, ngành có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên thân nhân của nạn nhân tử vong do TNGT. Ảnh: QUỲNH ANH

Khi đoàn đến thăm gia đình và thắp hương trước bàn thờ anh N., chị T. nói cảm thấy ấm lòng, xúc động trước sự quan tâm và động viên chia sẻ từ các anh chị đại diện cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, chính quyền địa phương và các ban, ngành đã quan tâm hoàn cảnh khó khăn của chị. Chị mong mọi người khi tham gia giao thông hãy đi đúng luật để giữ gìn an toàn cho bản thân, đừng chạy ẩu để xảy ra tai nạn thì không chỉ bản thân mà cả gia đình đều khổ.

Trong chuyến thăm và tặng quà các gia đình nạn nhân của TNGT nhân “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, mong muốn các tổ chức quan tâm hơn nữa để giúp họ ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn. “Để giảm thiểu các vụ TNGT xảy ra trong công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các Liên đoàn Lao động huyện, thị tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho công nhân lao động. Rất nhiều công đoàn đã mời lực lượng Cảnh sát giao thông đến tuyên truyền trực tiếp tại công ty để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kéo giảm TNGT trong công nhân”, bà Nguyễn Kim Loan nhấn mạnh. (còn tiếp)

Thời gian qua, với những trường hợp khó khăn do có người thân bị TNGT, nhiều tổ chức, cá nhân đã vào cuộc giúp đỡ. Có thể kể đến các chương trình như tổ chức các đoàn thăm hỏi nhân “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” trên toàn cầu là ngày chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm; chương trình “Mẹ đỡ đầu” của hội Liên hiệp Phụ nữ… Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi người khi tham gia giao thông nên tự ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh để không ai phải đau đớn vì TNGT. Kéo giảm TNGT vẫn luôn là vấn đề cần quan tâm để không còn những cảnh mất mát, chia lìa…

Q.NHƯ - Q.ANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/keo-giam-tai-nan-giao-thong-trong-nhung-thang-cuoi-nam-bai-2-a309025.html