Kết cục của điệp viên hai mang khét tiếng gây hại nhiều nhất cho nước Mỹ
Robert P.Hanssen, cựu đặc vụ FBI làm gián điệp cho Moscow trong hơn hai thập niên và được đánh giá là một trong những điệp viên gây hại nhất trong lịch sử Mỹ, đã qua đời trong tù.
Hãng tin BBC và The New York Times dẫn tin từ chính quyền liên bang cho biết, ông Hanssen được phát hiện đã chết trong phòng giam tại một nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt ở Colorado vào sáng qua (6/6), thọ 79 tuổi. Cựu điệp viên hai mang này được cho là qua đời vì nguyên nhân tự nhiên, một người nắm được vấn đề cho biết.
Năm 2002, ông bị kết án chung thân sau khi nhận tội làm gián điệp cho Liên Xô và sau này là Nga trong hơn 20 năm.
Vụ án của ông Hanssen được coi là một trong những vụ bê bối gián điệp khét tiếng nhất trong thế hệ của ông, khiến các lãnh đạo của Cục điều tra liên bang (FBI) và các quan chức chính phủ Mỹ bị sốc khi biết rằng một trong những người của họ đã cung cấp thông tin cho Nga mà không bị trừng phạt trong suốt nhiều năm. Cho tới giờ, FBI vẫn mô tả ông Hanssens là "điệp viên gây hại lớn nhất trong lịch sử của FBI".
Nhận hơn 1,4 triệu USD tiền mặt cùng kim cương
Ông Robert Hanssen nhận hơn 1,4 triệu USD tiền mặt, kim cương, tiền chuyển vào tài khoản ở Nga và đồng hồ Rolex để chuyển cho Moscow một loạt bí mật, trong đó có bí mật về việc chính phủ Mỹ đã đào một đường hầm dưới đại sứ quán Liên Xô ở Washington để nghe lén. Ông cũng thông báo cho Moscow về ba sĩ quan KGB bí mật làm gián điệp cho Mỹ, hai người trong số đó đã bị tử hình sau khi bị lộ thân phận.
Điệp viên này không sống xa hoa mà chỉ sống trong một ngôi nhà 4 phòng ngủ khiêm tốn ở ngoại ô Virginia cùng với vợ và 6 người con.
Sau này, trong một bức thư viết cho người quản lý Liên Xô vào năm 1985, ông Hanssen thừa nhận bản thân bị thúc đẩy bởi tiền bạc chứ không phải ý thức hệ. Ông cũng giải thích rằng không thể nhận một khoản tiền lớn vì việc chi tiêu có thể gây nghi ngờ.
Giúp Moscow lật tẩy đường hầm bí mật của Mỹ
Giới chức Mỹ cho biết, Robert Hanssen trở thành đặc vụ FBI vào 12/1/1976. Vì giữ vai trò phản gián nên ông này có thể tiếp cận với các tài liệu mật. Năm 1985, đặc vụ này bắt đầu chuyển tài liệu mật cho Moscow.
Hanssen đã dùng bí danh "Ramon Garcia" khi chuyển khoảng 6.000 tài liệu và 26 chiếc đĩa máy tính cho phía Moscow. Các tài liệu này nêu chi tiết kỹ thuật nghe trộm, giúp xác nhận thân thế các điệp viên hai mang của Nga và tiết lộ các bí mật quốc gia khác.
Theo các quan chức Mỹ, đặc vụ FBI này đã tiết lộ cho Moscow thông tin về đường hầm bí mật mà người Mỹ xây dựng bên dưới đại sứ quán Liên Xô ở Washington để nghe lén.
Hoạt động hai mang của Hanssen không bị phát hiện trong suốt nhiều năm nhưng sau đó, các nhà điều tra đã phát hiện được một số dấu hiệu đáng ngờ. Hanssens trở thành tâm điểm của một cuộc săn lùng gián điệp của Nga và bị bắt quả tang để một chiếc túi chứa đầy bí mật ở dưới một cây cầu dành cho người đi bộ trong công viên Foxstone, Virgirnia cho người của Moscow.
Ông Hanssen bị bắt năm 2002. Vụ việc này đã làm quan hệ giữa Mỹ và Nga rạn nứt trong một thời gian ngắn, khi đó hai nước đang tìm cách xây dựng quan hệ thân thiện hơn sau khi Liên Xô sụp đổ. Tổng thống Mỹ Bush thời đó đã quyết định trục xuất khoảng 50 nhà ngoại giao Nga và Moscow đáp trả bằng việc trục xuất 50 nhà ngoại giao Mỹ.
Nhận tội gián điệp
Ông Hanssen nhận 15 tội danh gián điệp để tránh án tử hình đồng thời bày tỏ hối hận về sự phản bội của mình. "Tôi xấu hổ vì điều đó", điệp viên hai mang này cho biết trong phiên tòa năm 2002 sau khi bị kết án tù chung thân không được ân xá.
Kể từ 17/7/2002, ông Hanssen bị giam ở Florence - nhà tù an toàn nhất trong hệ thống nhà tù liên bang, nơi giam giữ những kẻ khủng bố đã bị kết án trong những năm gần đây. Các tù nhân tại đây thường bị biệt giam 23h mỗi ngày.