Hậu cung của hoàng đế Trung Quốc gồm có hàng trăm, hàng ngàn phi tần, mỹ nữ. Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng vậy. Trong số những người phụ nữ hầu hạ Đường Thái Tông, đáng chú ý là mỹ nhân nhà Đường tên Từ Huệ.
Theo sử sách, Từ Huệ không chỉ có nhan sắc kiều diễm mà còn nổi tiếng thông minh. Sinh năm 627 ở Hồ Châu, Chiết Giang, mỹ nhân này là con của Thứ sử Quả Châu Từ Đức Hiếu.
Ngay từ khi còn nhỏ, Từ Huệ nổi tiếng khắp nơi là một thần đồng. Điều này xuất phát từ việc bà biết nói từ khi 5 tháng tuổi.
Đến năm 4 tuổi, Từ Huệ học Mao Thi và Luận Ngự. Khi lên 8 tuổi, bà bắt đầu viết văn chương, thơ ca.
Không những vậy, Từ Huệ sớm tinh thông cầm kỳ thi họa. Sự thông minh và tài năng của bà vượt trội hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy, nhiều gia đình danh môn, quý tộc thời nhà Đường muốn con trai cưới được Từ Huệ về làm vợ.
Tuy nhiên, những gia đình này không có cơ hội đón được Từ Huệ về phủ. Nguyên do là bởi Đường Thái Tông Lý Thế Dân biết đến danh tiếng của mỹ nhân này nên đã đón Từ Huệ vào cung từ sớm.
Sau khi vào cung, Từ Huệ được Đường Thái Tông sắc phong làm Tiệp dư. Khác với các phi tần thường tranh giành ân sủng của nhà vua, Từ Huệ tính tình hòa nhã nên dành nhiều thời gian đọc sách, vẽ tranh, làm thơ...
Chính điều này khiến Đường Thái Tông càng thích Từ Huệ hơn. Không những vậy, Đường Thái Tông còn bất ngờ khi Từ Huệ có những góc nhìn độc đáo về tình hình chính sự.
Do vậy, Từ Huệ thỉnh thoảng giúp Đường Thái Tông đưa ra một số chủ ý xử lý chuyện quốc gia. Được Lý Thế Dân tin tưởng và yêu thương, Từ Huệ có vị trí vững chắc trong hậu cung.
Vào năm 649, Đường Thái Tông băng hà. Vì tình cảm sâu nặng dành cho chồng, Từ Huệ lâm bệnh rồi qua đời 1 năm sau. Khi ấy, bà 24 tuổi. Sau khi chết, Từ Huệ được hoàng đế Lý Trị truy phong làm Hiền phi và mai táng bà trong cùng lăng mộ của Đường Thái Tông. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Tỷ phú công nghệ chiếm ưu thế trong giới siêu giàu Trung Quốc. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)