Kết cục được báo trước của các 'ông trùm' (Bài cuối: 'Tam mao' thúc thủ)
Ngay sau khi phá thành công Chuyên án 128H, các trinh sát Phòng CSMT CATP Đà Nẵng lại phải căng mình cho nhiệm vụ mới. Lần này, cũng không kém phần nặng nề, khó khăn, phức tạp khi phải đối mặt với nhiều đối tượng có “số má” trong đường dây ma túy lớn trên địa bàn. Sau nửa tháng lập chuyên án đấu tranh, đường dây đưa ma túy từ TP Hồ Chí Minh và Nghệ An về Đà Nẵng tiêu thụ đã bị chặt đứt hoàn toàn...
Trực tiếp theo nhóm đối tượng ngay từ đầu cho đến khi lập và phá thành công chuyên án, Thiếu tá Ngô Văn Tiến- Phó đội trưởng Đội 5, Phòng CSMT CATP Đà Nẵng cho biết, đây là quãng thời gian dài khá khó khăn, vất vả của bản thân cũng như các đồng đội. Nắm thông tin về đối tượng từ cuối năm 2018, nhưng vì thủ đoạn hoạt động của các đối tượng quá tinh vi, xảo quyệt nên không ít lần, anh và đồng đội đành phải tạm dừng kế hoạch phá án, chờ thời cơ thích hợp hơn.
Theo Thiếu tá Tiến, cuối năm 2018, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Đội 5 Phòng CSMT CATP phát hiện đối tượng có biệt danh là “Tam Mao” có biểu hiện nghi mua bán trái phép chất ma túy. Đường dây ma túy do “Tam Mao” cầm đầu hoạt động ngày càng mạnh, quy mô, tính chất phức tạp lên từng ngày. Đặc biệt, dưới trướng của y luôn có 2-3 “chân rết” thân tín, trong đó có cả người thân và chỉ 3- 6 tháng y đổi “chân rết” một lần nên rất khó khăn cho công tác điều tra, xác minh nhân thân, lai lịch.
Tập trung điều tra, xác minh, đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phải mất một thời gian, trinh sát mới xác định được “Tam Mao” tên thật là Nguyễn Xuân Sang (1987, trú P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Cũng giống như các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy, Sang thường xuyên không có mặt tại địa phương, thường thì ở chung nhà của các đối tượng có quen biết ngoài xã hội, chủ yếu là các đối tượng có “số má” trên địa bàn, hoặc thuê trọ và liên tục thay đổi chỗ ở.
Đi đôi với thủ đoạn thay đổi chỗ ở liên tục, trong quá trình hoạt động của mình, Sang dùng nhiều chiêu thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Theo đó, mặc dù giữ vai trò cầm đầu nhưng khi trao đổi “hàng” với các đối tượng đầu nậu ở Nghệ An hay TP Hồ Chí Minh, Sang chỉ đóng vai trò cầu nối. Khi “hàng” về Đà Nẵng, thường là vào ban đêm, không bao giờ Sang trực tiếp đi nhận, nhiệm vụ này được y giao cho các “chân rết”. Sau khi nhận, Sang chỉ đạo “chân rết” cất giữ, sau đó điều khiển hoạt động mua bán qua điện thoại. Và mặc dù là con nghiện ma túy có thâm niên, sử dụng một lúc 3 loại ma túy khác nhau (thuốc lắc, hàng đá, hàng ke) nhưng không bao giờ Sang mang ma túy theo trong người. Chỉ khi nào cần sử dụng, Sang hẹn địa điểm rồi điện thoại cho “chân rết” mang đến, sử dụng xong thì xóa dấu vết...
Sau khi nắm rõ phương thức, thủ đoạn nêu trên, nhận thấy phải tập trung lực lượng, phương tiện để đấu tranh, tháng 5-2019, trinh sát Đội 5 đề xuất lãnh đạo Phòng CSMT xin ý kiến của Giám đốc CATP Đà Nẵng cho xác lập Chuyên án 519S để đấu tranh. Qua đấu tranh chuyên án, khó khăn đặt ra cho các trinh sát là việc những chân rết trước đây được Sang sử dụng hiện đã thay đổi hoàn toàn. Manh mối duy nhất được mở ra khi trinh sát phát hiện một trong các “chân rết” vừa được Sang sử dụng là Hoàng Trọng Sơn (1994, trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng).
Theo Thiếu tá Tiến, khó khăn lớn nhất khi theo dấu các đối tượng chính là bọn chúng rất cảnh giác, phương tiện di chuyển thường có phân khối lớn và không bao giờ dừng đèn đỏ, thậm chí chạy ngược chiều để cắt đuôi... Đặc biệt, Sang luôn có ý thức thoát tội nên trong mọi hoạt động liên quan đến ma túy, y thường đóng vai trò là người ngoài cuộc, mọi giao dịch, vận chuyển đều do các “chân rết” thực hiện và y đinh ninh rằng, các “chân rết” không bao giờ khai ra hành tung của mình.
Chính vì đối mặt với một “ông trùm” ma mãnh trong việc đối phó nên sau 2-3 lần triển khai kế hoạch phá án nhưng không thành công, BCA buộc phải tính toán lại phương án phá án linh hoạt, hiệu quả hơn. Nhiệm vụ then chốt nhất được BCA đặt ra là phải bắt, xử lý bằng được “ông trùm” Nguyễn Xuân Sang. Do đó, ngay sau khi nắm được thông tin Sang vừa nhận một lượng “hàng” lớn về Đà Nẵng, ngày 20-6-2019, BCA ngay lập tức cho triển khai đồng loạt 5 tổ trinh sát giám sát tất cả các địa điểm mà Sang cũng như các đối tượng trong đường dây làm điểm tập kết.
Lúc 22 giờ ngày 20-6, tại một kiệt nhỏ trên đường Thanh Sơn (P. Thanh Bình, Q. Hải Châu), trinh sát BCA đã bắt quả tang Nguyễn Mỹ Ngọc (1978, trú Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; tạm trú tại đường Thanh Sơn) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ khoảng 2,5gam ma túy đá. Đến 22 giờ 30 cùng ngày, tại đường Phan Khoang (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) một tổ trinh sát khác bắt quả tang Nguyễn Thị Quỳnh Duyên (1996, vợ Hoàng Trọng Sơn), thu giữ 800gam ma túy đá, 118 viên thuốc lắc. Tiếp tục củng cố chứng cứ, đến 23 giờ 40, tại một căn hộ trên đường Hồ Quý Ly (Đà Nẵng), tổ trinh sát đang ém quân tại đây nhận lệnh bắt Hoàng Trọng Sơn khi y đang “ẩn mình” cùng 1 gam ma túy đá. Ngay sau đó, “Tam Mao” Nguyễn Xuân Sang cũng bị các trinh sát bắt giữ. Tổng cộng trong chuyên án này có 11 đối tượng bị bắt giữ, trong đó có 4 đối tượng bị khởi tố về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tại CQĐT, các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trong đó có chi tiết đáng chú ý là mỗi lần nhận hàng về (khoảng 1kg ma túy đá), Sang chỉ đạo Sơn ngay lập tức phân thành 10 gói nhỏ, 9 gói sẽ bán sỉ theo yêu cầu của Sang, gói còn lại chia nhỏ ra để bán và sử dụng. Tại thời điểm bắt giữ, BCA đã kịp thời ngăn chặn hơn 800 gam ma túy mà các đối tượng chuẩn bị giao cho các đại lý.
Thượng tá Lê Văn Tấn, Phó Trưởng phòng CSMT CATP cho biết, điểm mấu chốt đem lại thành công trong CA này là sự theo dõi, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo BCA. Trong đó việc phân tích, tổng hợp, đánh giá, xác định được thời cơ chín muồi để đi đến quyết định mấu chốt là bắt quả tang vợ Sơn cùng tang vật. Đây là căn cứ quan trọng nhất để xử lý các đối tượng có liên quan, trong đó có đối tượng cầm đầu ranh ma, xảo quyệt Nguyễn Xuân Sang...