Kết cục xấu của 'ngài Lee'
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã không còn cơ hội được tự do khi kháng cáo của mình bị Tòa án quận trung tâm Seoul bác bỏ trong phiên điều trần trước tòa ngày 19/2. Một mức án nặng đã đưa ông Lee Myung-bak vào danh sách những vị nguyên thủ 'xứ kim chi' phải đằng đẵng ở tù sau những tháng năm huy hoàng.
Kháng cáo, án nặng thêm
Tại phiên điều trần hôm 19/2, Tòa án quận trung tâm Seoul kết án tù nặng hơn đối với ông Lee Myung-bak vì “không có dấu hiệu hối lỗi hay tinh thần trách nhiệm” về những hành động sai trái của mình.
Mức án của vị cựu Tổng thống Hàn Quốc được nâng từ 15 lên 17 năm tù kèm theo mức phạt 13 tỷ won (khoảng 11,5 triệu USD). Phán quyết cũng yêu cầu bản án dành cho ông Lee có hiệu lực ngay tức thì.
“Thay vào đó, Lee đổ lỗi cho những người làm việc cùng và nhân viên của Samsung” -AFP dẫn lời tuyên bố của Tòa án trung tâm Seoul ngày 20/2, khi bác bỏ kháng cáo và áp dụng hình thức tăng nặng mức án.
Trước đó, trong phiên tòa đầu tiên xử ông Lee tại Seoul được truyền hình trực tiếp năm 2018, cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bị kết án 15 năm tù với các tội danh về tham nhũng.
Các cáo buộc nhằm vào ông Lee bao gồm việc tiếp nhận bất hợp pháp 5,85 triệu USD của Samsung vào năm 2009 khi Tập đoàn này muốn ông ra lệnh ân xá cho Chủ tịch Lee Kun-hee, người bị kết tội trốn thuế. Trong số 35 tỷ won (khoảng 31 triệu USD) mà các công tố viên cáo buộc ông Lee đã biển thủ, tòa án chỉ thừa nhận 24 tỷ won vì thiếu bằng chứng.
Ngoài ra, ông Lee còn bị cáo buộc là chủ sở hữu trên thực tế của DAS - công ty sản xuất linh kiện ôtô được đăng ký dưới tên anh trai ông. Tòa án cho biết cựu Tổng thống 76 tuổi đã ra lệnh cho ban lãnh đạo của DAS tạo ra các quỹ đen, đồng thời chịu trách nhiệm cho một loạt hoạt động đáng ngờ của công ty này.
Ông Lee đã kháng cáo và được tự do hơn một năm nhờ kháng cáo của mình. Nhưng điều này chỉ là tạm thời và lại thành cái cớ để phiên tòa ngày 19/2 tăng nặng hình phạt vì “không hối lỗi”.
Bình luận của Hãng tin Yonhap sau phiên tòa đã trích dẫn lời của công chúng Hàn Quốc– trong đó có cả những người đã bỏ phiếu cho ông Lee Myung-bak khi làm Tổng thống đã bày tỏ sự thất vọng và giận dữ: “Thế là hết, ngài Lee!”
Nối dài danh sách “nguyên thủ vào tù”
Trước khi bị kết án chính thức, ông Lee Myung-bak đã có những phản ứng từ yếu ớt đến quyết liệt trong các phiên tòa xét xử: “Tôi hoàn toàn suy sụp khi đứng đây. Tôi cảm thấy kinh tởm trước những cáo buộc cho rằng tôi đã nhận hối lộ từ Samsung để ký sắc lệnh ân xá. Đó là sự lăng mạ đối với tôi”.
“Tôi chỉ hy vọng hệ thống pháp lý của đất nước có thể chứng minh sự minh bạch trước khi nhân dân và cộng đồng quốc tế nhìn thấu phiên tòa này “ – ông Lee phản ứng đồng thời cho rằng các cáo buộc nhằm vào ông là “đòn thù chính trị”.
Tuy nhiên, điều này không làm ông Lee thay đổi được những tội danh theo các cáo buộc pháp lý nhằm vào mình. Với mức án 17 năm tù có hiệu lực ngay tức thì, ông Lee tiếp tục nối dài danh sách những nguyên thủ Hàn Quốc phải vào tù.
Trước ông Lee, 3 cựu Tổng thống khác của Hàn Quốc là Chun Doo-hwan, Roh Tae-woo và Park Geun-hye đã từng phải “mặc áo số, đeo bảng tên” sau khi bị các tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết luận tội.
Người kế nhiệm cựu Tổng thống Lee là bà Park Geun-hye cũng đang thụ án tù 32 năm vì nhận hối lộ, lạm quyền. Bà Park đã đi tù sau những bê bối chấn động Hàn Quốc, gây ra các cuộc biểu tình khắp cả nước. Đồng thời, bà cũng là vị Tổng thống duy nhất của Hàn Quốc bị Quốc hội luận tội và phế truất bởi Tòa Hiến pháp vào tháng 3/2017.
Theo bình luận của Reuters, “xu hướng đi tù như một lời nguyền” của những người từng làm Tổng thống Hàn Quốc không phải xuất phát từ các “đòn thù chính trị” dù việc luận tội, truy tố các Tổng thống luôn được các đối thủ chính trị của họ khởi xướng.
“Không có lời nguyền nào cả, dĩ nhiên, chúng ta có thể khẳng định điều này. Đó là hậu quả của những cám dỗ về tiền bạc và địa vị trong những cuộc đi đêm”.
“Không có nguyên nhân nào thuyết phục hơn khi họ (những Tổng thống) phải chịu tác động của một nền kinh tế tăng trưởng nóng được kiểm soát bởi các doanh nghiệp lớn, xuyên quốc gia mà vai trò của nó ảnh hưởng đến chính sinh mạng chính trị của người đứng đầu quốc gia” –AFP trích dẫn bình luận của Atman Klober, GS Chính trị học, người Autraslia về “xu hướng đi tù” của các cựu Tổng thống Hàn Quốc trong mấy thập niên trở lại đây.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/ket-cuc-xau-cua-ngai-lee-tintuc459496