Kết đắng cho nam thanh niên dùng nọc độc kiến ba khoang chữa nấm vùng kín
Một nam thanh niên 20 tuổi (ở Hà Nội) vừa nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét do chữa nấm vùng bẹn bằng cách đắp dịch kiến ba khoang.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng tới mức không thể mặc được quần dài, không bước đi bình thường được khi đến bệnh viện cấp cứu.
Theo nam bệnh nhân này, trước đó vài tuần anh này phát hiện vùng da ở kẽ bẹn bị rát đỏ, nhiều mụn nước, rộng thành từng đám ngày càng to có viền hình nhiều vòng cung, càng gãi vùng ngứa, tổn thương ngày càng lan rộng. Đi khám tại một phòng khám này này được chẩn đoán bị nấm. Thay vì bôi thuốc được kê, nam thanh niên nghe lời mách đã tìm bắt cả bát kiến ba khoang, đem về giã nát, đắp lên vùng tổn thương. Kết quả, toàn bộ vùng này bị hoại tử, trợt loét.
Theo bác sĩ Thùy, bệnh viện từng tiếp nhận khá nhiều những bệnh nhân tự ý chữa bệnh theo cách ngược đời như nam thanh niên trên, đặc biệt việc dùng kiến ba khoang làm bài thuốc chữa bệnh về da rất thiếu căn cứ và nguy hiểm. Trong khi đó với bệnh nấm chữa không khó, không tốn kém và lành khá nhanh nếu tuân thủ điều trị.
Nọc độc kiến ba khoang độc mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ
Theo Cục Y tế dự phòng, kiến ba khoang còn gọi là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp… là côn trùng có khoang xen kẽ màu đen - vàng cam, mình thon, dài như hạt thóc, có chứa độc tố pederin - độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy độc tính cao, nhưng tiếp xúc lượng nhỏ ngoài da nên nọc độc kiến ba khoang không đủ gây chết người như nọc rắn.
Tuy nhiên, kể cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da. Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, nạn nhân cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Nếu bị nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Nếu vết thương nặng phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách.
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa thu, khi mưa gió, độ ẩm cao, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào nhà, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Phòng tránh tổn thương do kiến ba khoang
Nếu thấy kiến ba khoang bay/bò trên người thì hãy thổi bay chúng ra khỏi người rồi mới giết bằng khăn giấy, tuyệt đối không chạm trực tiếp vào kiến.
Tránh đứng dưới cột đèn sáng nơi công cộng. Buổi tối nên đóng kín cửa, buông rèm, tắt đèn neon (tốt nhất là làm lưới ngăn côn trùng ở cửa sổ, lỗ thông khí) để tránh thu hút kiến vào nhà. Hoặc bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ở ngoài nhà.
Ngủ màn, tránh mặc quần áo hở nhiều da để hạn chế kiến bò lên da.
Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần mặc quần áo dài tay, đội mũ/nón, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo găng tay... phòng kiến.
Nếu nơi ở, làm việc có nhiều kiến ba khoang xuất hiện, cần dùng thuốc phun để phòng tránh (phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin). Tốt nhất là liên hệ với các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương để được hướng dẫn xử lý.